Bài học không chỉ cho riêng ai

25/06/2016 09:37 GMT+7

Cơn ác mộng đối với EU, chính phủ và cá nhân Thủ tướng Anh David Cameron cũng như đối với tương lai nước này đã trở thành sự thật khi gần 52% cử tri ủng hộ Brexit, tức là muốn ra khỏi EU.

Câu hỏi nước Anh ở lại hay chia tay tổ chức hợp tác và liên kết khu vực được coi là thành công nhất trên thế giới là Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) khi xưa và EU ngày nay đã được cử tri trên đảo quốc này trả lời một lần trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 5.6.1975. Khi đó, 67,2% cử tri Anh muốn nước này tiếp tục là thành viên EEC, tiền thân của EU. Giờ đây, kết quả đã đảo ngược hoàn toàn. Thủ tướng Cameron đã rút ra bài học riêng cho mình bằng tuyên bố từ chức. Anh và EU còn cần thêm thời gian để qua cú sốc lớn và rút ra những bài học cần thiết.
Để tất cả diễn biến đến mức này vừa tại anh vừa tại ả. Ông Cameron đã chơi canh bạc quá mạo hiểm và tính toán quá duy ý chí trong khi EU lại quá ảo tưởng. Cho nên kịch bản tồi tệ nhất đối với họ đã xảy ra.
Không phải chỉ riêng EU và Anh mà tất cả các tổ chức hợp tác - liên kết khu vực khác trên thế giới cùng những thành viên của họ phải thấy rằng nếu không gây dựng và củng cố ý thức trách nhiệm chung về tương lai chung thì tính bền vững không bị đảo ngược của tiến trình hợp tác - liên kết không thể được đảm bảo. Tổ chức không có ích cho thành viên thì thành viên không gắn bó sống chết với tổ chức. Thành viên chỉ coi trọng lợi ích riêng mà bất chấp hoặc thậm chí làm tổn hại đến tổ chức thì tương lai của tổ chức bị đe dọa. Tổ chức phải là chỗ dựa về mọi phương diện cho thành viên thì thành viên mới xả thân vì tổ chức. Thành viên coi tổ chức chỉ như một siêu thị tự chọn và nhà trọ thì gây hại nhiều hơn là làm lợi cho tổ chức. Bài học không chỉ cho riêng ai.

tin liên quan

Anh rời EU, thế giới rúng động
Việc người Anh lựa chọn chia tay EU, còn gọi là Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý kết thúc ngày 24.6 (giờ VN) đã khiến cả thế giới rung chuyển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.