Dạy con từ thuở lên ba… Bà ngoại từng nhắc mẹ nhiều lần câu ca dao đó. Nhưng rồi mẹ bất ngờ nhận ra rằng, không chỉ là “dạy con”, mẹ còn học được từ con, cô gái tuổi lên ba nhiều thật nhiều điều thú vị.
1. Này nhé, hằng ngày mẹ vẫn thấy cô gái của mẹ ngồi xem quảng cáo. Quảng cáo xen giữa các chương trình giờ vàng cứ 15, 20 phút lại chiếu lại một lần. Nhiều người lớn vẫn xem quảng cáo như là vị “khách không mời” thích chen ngang. Nhưng cô gái Bống thì luôn reo lên trong mỗi đoạn quảng cáo ngắn ngủi ấy. Quảng cáo có con mèo nhảy ra, em sẽ háo hức reo mừng: “Á á á… con mèo dễ cưng quá hà”… Quảng cáo tã có em bé nhảy ngoáy mông, em sẽ bình luận: “Em giỏi ghê, em bé nhảy đẹp ghê nè mẹ”. Quảng cáo xà bông rửa tay, em mừng rỡ quay qua bà: “Bà ơi nhà mình cũng có xà bông này nè bà, rửa tay sạch lắm này bà, bà biết hơm bà?”… Cứ thế, em ríu rít như chim non suốt những buổi tối.
Nhiều khi mẹ không hiểu nổi vì sao những đoạn quảng cáo lặp đi lặp lại có thể làm một cô nhỏ háo hức đến vậy? Phải chăng là lòng trẻ con luôn trong trẻo ban sơ, háo hức đón nhận những gì rộn rã xung quanh mình. Và vì cứ mải mê bao công chuyện mưu sinh, cuộc sống mà người lớn như mẹ không có được điều ấy. Nếu như gạt tất cả những mưu sinh tính toán hơn thiệt kia qua một bên, có thể lúc nào đó mẹ sẽ gặp lại sự trong trẻo ban sơ và tươi mới háo hức trước những gì mình quan tâm được chăng?
2. Mẹ học được từ con gái sự quan tâm yêu thương từng cái cây, cái con. Hôm qua bác Thịnh nhìn mái tóc xoăn rối bù của con, nói: “Ôi chao, nhìn cứ như chó Nhật. Thật giống lông con Bun”.
Người lớn bị ví mình giống chó có khi sẽ sửng cồ đấy nhỉ? Nhưng cô gái ba tuổi thì vui ra mặt. Vì Bun là bạn chó mà cô rất yêu quý. Ngay lập tức em hỏi: “Thiệt hông bác?” và cười toét miệng khi bác gật gật đầu. Chiều tối đó, mẹ còn thấy em lấy cái lược vừa chải tóc mình xong chải qua bộ lông xù của chó Bun. Em nói với Bun rằng: Chải đầu nhen Bun, ra đường phải tinh tươm sạch đẹp nhen.
Sự quan tâm của cô gái ba tuổi dành cho một chú cá nhỏ trên bờ biển khiến mẹ cảm động hơn cả. Có lần, để dạy em bài học về việc không tự ý bỏ nhà đi chơi, mẹ kể cho em nghe chuyện chú cá rô lạc mẹ. Mẹ cá rô dặn cá rô con đừng đi chơi xa ra khỏi hồ nước. Cá rô con không nghe lời, lạc mẹ, mắc cạn nên bị đói khát tưởng chết. May mà có chị gió đi ngang, gọi bác mây đến giúp. Bác mây làm mưa để dòng nước đưa cá rô con về hồ nước gặp mẹ.
Lần mẹ đưa em đi vào một resort ven biển, dạo chơi trên bãi biển, em thấy một bạn cá nhỏ xíu bằng ngón tay chết khô trên cát. Em đứng một hồi lâu ngó nghiêng và kéo mẹ lại gần: “Mẹ xem nè, bạn cá rô này lạc mẹ. Bạn không nghe lời mẹ nên bỏ đi chơi xa. Mà hôm nay chỉ có chị gió, không có bác mây nên không có mưa giúp cá rô về với mẹ được. Bạn chết rồi đó”. Và câu chuyện cá rô lạc mẹ không được cứu đôi khi em vẫn nhắc lại với một lòng trắc ẩn.
Em sẽ rất ngạc nhiên nếu thấy ai đó ngắt hoa, ngắt lá. Bởi chỉ duy nhất một lần, em có ý định ngắt hoa khi đi dạo, mẹ nói bông hoa đó là con của cái cây. Nếu con ngắt ra cái cây và bông hoa sẽ rất đau, rất buồn đấy.
3. Mẹ học được từ con gái thái độ bao dung và nhẹ nhàng với cuộc sống. Khi anh trai vô tình làm bể ly nước, có thể bà vú có thể sẽ quát lên đe nẹt nhưng em thì dịu dàng không ngờ: “Mẹ ơi, anh Đốm làm bể ly kìa mẹ. Mẹ lượm miểng chai đi kẻo anh dẫm chảy máu đó”. Khi mẹ bị té xe trầy tay chân, hàng ngày em đều ngó vết xây xát, rủ rỉ: “Em thương mẹ quá, mẹ đau lắm ha mẹ?”. Và mắt em sáng rỡ khi thấy ngày kia vết thương tróc vảy lành da.
Mẹ học được từ cô gái ba tuổi thật nhiều bài học khác nữa. Những bài học ấy nhắc mẹ rằng, với con chỉ cần thời gian bên con, lắng nghe và trò chuyện là đã có đủ đầy yêu thương…
Bình luận (0)