Bài học về sự cô đơn của nghề văn "ngộ ra" ở Trường Viết văn Nguyễn Du

10/06/2022 08:00 GMT+7

Đâu phải là tình yêu, tên tập truyện ngắn đầu tiên của tôi do NXB Mũi Cà Mau ấn hành, rồi cũng nhờ tập truyện tôi mới đủ điều kiện thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, khóa 4 để rồi lưu luyến nhiều kỷ niệm.

Tôi không nhớ ai đưa cho tôi đọc thư tuyển sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du, chỉ nhớ là còn một tuần nữa là tới ngày thi và phải có mặt ở Hà Nội. Lúc đó, phương tiện vận tải nghèo nàn, đi lại khó khăn, từ Cà Mau lên Sài Gòn mất nửa ngày, đi xe lửa ra Hà Nội mất vài ba ngày, nếu mua được vé. Lúc đó, chỉ có đi máy bay mới kịp, dù máy bay lúc đó giá vé khứ hồi gần bằng 4 tháng lương phóng viên bậc 2 (58 ngàn/tháng) của tôi.

Nhà văn Bích Ngân

FBNV

Đi bằng máy bay, đến Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội (103, Đê La Thành) vào cuối buổi sáng thì đầu giờ chiều tôi vào phòng thi.

Phòng thi có ba thầy và một trò. Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Minh và thầy Phạm Vĩnh Cư. Tôi đã có bằng cử nhân ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM) nên không phải thi ba môn văn, sử, địa như một số thí sinh khác. Các thầy chủ yếu trò chuyện với trò quanh việc sáng tác và môn sáng tác được coi là quan trọng nhất của Trường Viết văn Nguyễn Du.

Ba năm học ở trường viết văn, được gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi, nhiều nghệ sĩ (đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ…) tiếng tăm, nhiều chuyên gia đầu ngành (cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên),… nói về trải nghiệm nghề nghiệp, giúp cho tôi cũng như các đồng môn, không chỉ rút ngắn con đường mày mò tìm kiếm câu trả lời: Viết văn là gì? Và viết như thế nào?...

Quan trọng hơn, chính những điều học hỏi được từ những người có bề dày sáng tạo, giúp cho mình “sáng ra” nhiều điều, trong đó có việc nhận ra sự kém cõi thiếu hụt của mình (về kiến thức, về vốn sống…), cũng như tránh đi sự ảo tưởng mà ít nhiều ai cũng có về chính mình và tìm cách bù đắp những khoảng trống về nhận thức, về kiến thức, về lòng trắc ẩn, về biển cả mênh mông của tri thức…

Một số tác phẩm của nữ văn sĩ

Nhà văn Bích Ngân luôn biết ơn Trường Viết văn Nguyễn Du đã cho mình nhiều bài học giá trị

FBNV

Ba năm học ở trường viết văn còn giúp cho tôi có được hiểu biết và cả cái linh giác để có thể phân biệt được một tác phẩm văn chương và một thứ gì đó na ná với văn chương. Thứ na ná có vô vàn, phải có kiến văn và trải nghiệm mới có thể phân biệt đâu là vàng và đâu là thau. Cũng như nhân vật trong truyện ngắn Đâu phải là tình yêu, cũng phải bị ngã một vố đau mới biết người mà mình đắm đuối yêu lại không có nhịp tim xao động của tình yêu.

Ba năm học ở trường viết văn, sau rất nhiều buổi “lên lớp” của nhiều văn nghệ sĩ tài năng, sau những lắng nghe, ghi nhận và cảm nhận; và sau khi đọc thêm nhiều tác phẩm của nhiều tài năng, tôi càng thấm thía hơn, cái giá mà người cầm bút phải trả cho nghề nghiệp, chính là sự cô đơn. Không đủ cô đơn khó mà sáng tạo. Chỉ khi thật sự cô đơn và chịu đựng được sự khắc nghiệt lẻ loi của cô đơn, con chữ từ trang viết mới có hồn, mới có thể tạo ra số phận.

Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu

Viết văn nói riêng và làm nghệ thuật nói chung, ai cũng biết, đó là công việc tự đày đọa, tự xoay trở vật vã, tự tìm lối thoát và tìm thấy ánh sáng của lối đi, lối đi của riêng mình. Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình. Một thế giới soi chiếu và tự soi chiếu.

Thế giới đó không phải là tấm ảnh tràn ánh sáng hay đường nét, góc cạnh lung linh của ánh sáng. Thế giới đó cũng không phải là bức tranh với những gam màu sáng, ấm.

Thế giới đó là bản hòa âm bất tận của của niềm vui và nỗi đau với vô vàn cung bậc của cảm xúc mà người thưởng ngoạn không cần phải đủ tri thức về ánh sáng hay sắc màu, cũng có thể cảm nhận và dự phần vào thế giới đó. Và thế giới đó cũng sẽ không hiện hữu nếu người sáng tạo ra nó không đủ niềm đam mê và tài năng.

Cô đơn luôn là một loài cây khó tính. Nó chỉ có thể ra lá, đâm cành, kết hoa khi bộ rễ của ăn sâu vào mạch ngầm của trần gian là hạnh phúc và nỗi đau muôn thuở của kiếp người. Và cũng không thể nào đủ cô đơn khi né tránh hay thoát khỏi cái dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống mà người viết dự phần.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (trước) và nhà văn Bích Ngân

fbnv

Càng không thể đủ cô đơn khi người viết chạy trốn bản thân, xua đuổi những dày vò, né tránh sự tự vấn. Cây cô đơn chỉ ra lá đâm hoa khi bộ rễ của nó ăn sâu vào mạch nguồn của trần gian là hạnh phúc và nỗi đau của kiếp người. Nỗi đau và hạnh phúc mà sự thăng hoa của nó, khiến cho con người biết sống vì nhau và sống đẹp hơn.

Và Trường Viết văn Nguyễn Du với bao kỷ niệm đã giúp tôi thêm hành trang vững chãi với nghề viết để sáng tạo những tác phẩm chạm được vào cảm xúc người đọc. Đó là những tác phẩm viết từ mạch nguồn của Chân - Thiện - Mỹ. Những tác phẩm tôn vinh nhân cách, tôn vinh sự yêu ghét rạch ròi, tôn vinh những con người suy nghĩ và hành động quyết liệt vì sự trung thực, lẽ công bằng, lòng nhân ái và luôn đặt lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bản thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.