Bài học 'xương máu' trong xét xử lưu động

23/12/2013 21:00 GMT+7

Ngày 23.12.2013, Thanh Niên đăng bài viết Từ một vụ tự tử - có nên bỏ xét xử lưu động? của tác giả Nguyễn Quốc Sử đang công tác tại Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam, tôi có một số ý kiến như sau.

Ngày 23.12.2013, Thanh Niên đăng bài viết Từ một vụ tự tử - có nên bỏ xét xử lưu động? của tác giả Nguyễn Quốc Sử đang công tác tại Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tôi có một số ý kiến như sau:

>> Từ một vụ tự tử - có nên bỏ xét xử lưu động?

 Bài học “xương máu” trong xét xử lưu động
Phiên tòa xét xử lưu động ở xã Tam Đại ngày 20.12.2013

Xét xử lưu động là một trong những hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm phòng ngừa, răn đe những hành vi phạm pháp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội. Đồng thời những phiên tòa xét xử lưu động cũng góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Thực tiễn công tác xét xử cũng như công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của ngành tòa án đã đúc kết và ghi nhận được nhiều kết quả qua việc xét xử lưu động đem lại, bởi đây là hình thức tuyên truyền sinh động, trực quan nhất.

Vụ việc anh Nguyễn Thanh Kỳ, thường trú tại thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã uống thuốc tự vẫn trước khi mở phiên tòa xét xử lưu động là bài học “xương máu” đối với các cơ quan chức năng và gia đình người chết. Bởi lẽ, tâm lý tội phạm diễn biến rất phức tạp, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và tác động ngoại cảnh mà có những hành động khác nhau.

Kỳ là thanh niên mới lớn nên có những hành động bồng bột, suy nghĩ chưa thấu đáo trước sự việc. Cộng với đó, gia đình chưa thật sự quan tâm, động viên về mặt tinh thần nên Kỳ cảm thấy lạc lõng, cô đơn rồi nghĩ quẩn như vậy.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử đặt vấn đề có nên bỏ xét xử lưu động hay không, theo tôi là không bởi như đã phân tích ở trên đây chỉ là trường hợp hiếm có và những kết quả mà công tác tuyên truyền qua xét xử lưu động đem lại. Bởi cũng trong ngày đó Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh đã xét Dương Nguyễn Sỹ Tuấn, sinh năm 1980, trú tại khối phố 2, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Ninh truy tố về tội “trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 Bộ luật Hình sự. Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh đã tuyên phạt Dương Nguyễn Sỹ Tuấn 12 tháng tù. Mức hình phạt nghiêm khắc mà Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Dương Nguyễn Sỹ Tuấn được đông đảo nhân dân đến tham dự phiên tòa đồng tình, ủng hộ. Thông qua phiên tòa, người dân còn hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật hình sự; phương thức, mánh khóe, thủ đoạn của bọn tội phạm để có biện pháp phòng chống. Từ đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền thông qua xét xử lưu động có hiệu quả mà không xảy ra những hậu quả đau lòng như trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể cũng như gia đình cần quan tâm, động viên hơn nữa để người bị đưa ra xét xử không bị mặc cảm, cải tạo tốt để sớm hòa nhập cộng đồng.

Trần Thanh Sơn*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, cán bộ Tuyên giáo xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam

>> Xét xử lưu động hai vụ án liên quan đến ma túy
>> Xét xử lưu động vụ án giết người dã man
>> Xét xử lưu động để răn đe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.