ĐÚNG LỘ TRÌNH
Nhìn lại 3 trận đấu đã qua thì màn trình diễn với Syria có lẽ là trận đấu mà thầy trò HLV Philippe Troussier cảm thấy hài lòng nhất, bởi các tuyển thủ đã chơi đúng nhất với mong muốn của ông thầy người Pháp. Đó là phong cách kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu, tổ chức tấn công với nhiều phương án đa dạng, khối đội hình phòng ngự ổn định và khả năng chuyển đổi tốt. Trận đấu gần nhất là bài test cho khả năng kiểm soát bóng dưới áp lực cao, sự áp sát, va đập mạnh mẽ thậm chí thô bạo của các cầu thủ Palestine. Điểm cộng trong trận đấu đó là Hoàng Đức và các đồng đội đã biết vượt qua áp lực và tìm ra cách khắc chế đối thủ bằng những miếng đánh sắc lẹm phía sau lưng hàng phòng ngự đối phương với những đường chuyền chất lượng từ tuyến giữa, thời điểm di chuyển, tăng tốc bứt phá của các nhân tố trên hàng công.
HLV Philippe Troussier dẫn dắt đội tuyển VN 3 trận toàn thắng
MINH TÚ
Đến thời điểm hiện tại, dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier thì đội tuyển VN đang có được 3 trận toàn thắng. Sau chiến thắng 2-0 trước Palestine hồi tháng 9, bản thân ông thầy người Pháp cũng đã tỏ ra hài lòng khi toàn đội đã nắm bắt được ý tưởng chơi bóng của ông. Tuy nhiên, nếu nói đến yêu cầu cao hơn về kiểm soát bóng thì các cầu thủ VN vẫn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Có lẽ đó là lý do chúng ta sẽ có được những đối thủ mạnh hơn trong đợt thi đấu giao hữu tháng 10.
ĐỘ KHÓ TĂNG DẦN
Trong lịch sử đối đầu cấp đội tuyển quốc gia kể từ năm 1997 đến nay, đội tuyển Trung Quốc từng giành chiến thắng 7 trận trong tổng số 8 trận đá với đội tuyển VN. Trận thua duy nhất của họ là trên sân Mỹ Đình ngày 1.2.2022 trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á.
Những trận đấu giao hữu quốc tế thật sự bổ ích với đội tuyển VN
Với trận đối đầu với tuyển Trung Quốc (ngày 10.10), HLV Troussier có thể tính đến ý đồ triển khai kiểm soát bóng, phát động tấn công từ phần sân nhà trước một áp lực cao hơn khi so với những đối thủ như Hồng Kông, Syria hay Palestine. Trong những trận đấu đã qua, ban huấn luyện đã tập trung thử nghiệm nhân sự, hoàn thiện lối chơi, cách tiếp cận trận đấu. Rõ ràng Trung Quốc là một đội bóng được đánh giá cao hơn những đối thủ trước đó, cộng thêm yếu tố họ được chơi trên sân nhà nên chắc chắn áp lực dành cho Hoàng Đức và các đồng đội là lớn hơn nhiều. Họ cần kiểm soát bóng tốt hơn, chơi chủ động hơn và thể hiện được phẩm chất kết nối tốt hơn với nhau.
Điểm đáng chú ý trong danh sách tập trung của đội tuyển VN là sự xuất hiện hàng loạt các cầu thủ U.23, trong đó có Thái Sơn, Văn Tùng, Tuấn Tài, Văn Toản, Văn Khang, Tuấn Dương từng lên đội tuyển ở các đợt tập trung trước, trong khi Vĩ Hào, Minh Trọng, Văn Cường, Thanh Nhàn, Duy Cương, Văn Luân, Đình Bắc... sẽ có lần đầu tận hưởng bầu không khí đội tuyển quốc gia.
Ở đợt tập trung này, HLV Troussier dồn trọng tâm vào việc bồi dưỡng và đánh giá năng lực cạnh tranh của các cầu thủ trẻ. Trong khi đó, các tân binh từ V-League không còn xuất hiện nhiều, khi chỉ có Tiến Anh và Đình Triệu là những nhân tố mới ở các đợt tập trung trước còn trụ lại danh sách lần này.
Hồng Nam
Với đội tuyển Uzbekistan, VN từng chạm trán 2 trận tại vòng loại Asian Cup 2015. Trận lượt đi đội tuyển VN thua 1-3 khi đến làm khách trên sân Uzbekistan và thua 0-3 khi trở về sân nhà trong trận lượt về, qua đó hết cơ hội cạnh tranh vé vào VCK. Ngay cả ở cấp đội tuyển trẻ từ U.19 đến U.23, VN cũng chưa từng giành được chiến thắng nào trước đại diện đến từ Trung Á. Lần tái ngộ này (13.10 tại Trung Quốc) chắc chắn sẽ có rất nhiều cảm xúc khi Văn Toàn, Quang Hải có cơ hội gặp lại nhiều đối thủ cũ, những người góp mặt trong trận chung kết U.23 tại Thường Châu năm nào. Đội tuyển Uzbekistan vẫn có lối chơi nhanh, mạnh mang dáng dấp của bóng đá hiện đại. Dù kiểm soát bóng phối hợp tấn công ngắn nhỏ hay chơi bóng dài, tạt bóng không chiến mạnh mẽ thì các cầu thủ đại diện cho bóng đá Trung Á đều vận hành một cách thuần thục. Đó sẽ là một bài test cho khả năng phòng ngự cũng như tổ chức sắp xếp ổn định đội hình trước một tập thể chơi bóng với cường độ và áp lực cao.
Bài test cuối cùng của đợt tập trung này sẽ là màn so tài đỉnh cao với đội tuyển Hàn Quốc trên sân Suwon (17.10), nơi từng tổ chức các trận đấu tại World Cup. Đội chủ nhà dưới sự dẫn dắt của HLV Jurgen Klinsmann và các siêu sao hàng đầu châu Á như Son Heung-min, Lee Kang-in, Hwang Hee-chan, Hwang Ui-jo hay Cho Gue-sung… rõ ràng là một thử thách cực đại với Hùng Dũng và các đồng đội. Có lẽ trong trận đấu đó, yếu tố thành tích thắng thua không đặt nặng mà những chỉ số chuyên môn, những lát cắt chuyên môn mới cần ban huấn luyện đặt ra và phân tích một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Bình luận (3)
Chúng ta nên thông cảm cho các vị HLV "nội", "ngoại"! Thay vì "chì chiếc" họ, chúng ta nên có cái nhìn thấu đáo, hợp lý về nền bóng đá Việt Nam. Trước đây do chiến tranh bất ỗn triền miên, bây giờ tuy hòa bình nhưng phần vì kinh tế eo hẹp và cũng đang từ vạch xuất phát nên vẫn còn nhiều hạn chế bất cập. Bài toán của bóng đá Việt Nam hiện nay nằm ở khâu "chất lượng cầu thủ"( lỗi không hẵn do cầu thủ). Thời ông Park tuy có thành công, nhưng chỉ ở cấp độ "trẻ" ( U 23), ở cấp đội tuyển quốc gia thua tơi tả vì đấu với các đội "top" Châu Á. Khoảng cách giữa U 23 và tuyển quốc gia là khoảng cách lớn. Cái hay của ông Park là chọn chiến thuật thích hợp của đội bóng "yếu" để chới với đội "mạnh" là "phòng thủ"! Có nghĩa nó chỉ dành cho "đội yếu" với hy vọng từ thua đến hòa! với giả định ta là "đội yếu". Chiến thuật này hoàn toàn thất bại khi muốn vươn lên đẵng cấp Châu Á. Nếu không lọt nổi vào top Châu Á thì đừng mơ World Cup. Nhưng tuyển VN chơi tấn công pressing với các đội mạnh châu á không có nghĩa là "thắng" trái lại còn thua đậm! Do "chất lượng cầu thủ VN còn kém xa so với các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi".. Đây là thực tế. Đá cách nào cũng thua, HLV nào cũng thua. Cầu thủ "sao Việt Nam" qua Hàn Quốc, Nhật, Pháp chỉ "dự bị là cùng" do chất lương không đạt yêu cầu. Chỉ một vài thành công như vô địch Đông Nam Á hay vào tứ kết Châu Á ( tuyển U 23) chẵng là cái gì? Tự mình đánh giá quá cao so với giá trị thật dẫn đến sự thật bẽ bàng. Có lẽ ngoài việc thi đấu giao hữu nhiều, cầu thủ cần nâng cao khả năng phân tích lối chơi của đối thủ và lối chơi của mình, nâng cao thông số cá nhân, chơi tập thể tránh cá nhân, mỗi cầu thủ chỉ là con ốc trong một cỗ máy vận hành cần đồng bộ nhịp nhàng. Chơi càng đơn giản càng tốt vì sự rờm rà dẫn đến mất cơ hội. Cầu thủ không có nghĩa chỉ biết sút trái banh và chạy hùng hục như ngựa! Họ cần biết quan sát, phán đoán, lựa chọn chiến thuật thích hợp. Nên cho tuyển quốc gia tập huấn ở các nền bóng đá mạnh bằng cách hợp đồng với các chuyên gia của họ để phân tích năng lực cầu thủ Việt Nam, và cần nhiều trận giao hữu hơn nửa. Tóm lại bóng đá Việt Nam cần thời gian và tổ chức một cách khoa học. Mọi người cần thông cảm với bóng đá VN hiện tại.
Bóng đá VN muốn phát triển thì phải thay đổi tư duy làm bóng đá ở các clb trong nước,từ các ông chủ đến các hlv rồi đến các nhà báo , truyền thông . Các ông hlv nội chuyên môn chưa đáp ứng, các ông chủ đầu tư vào là muốn có thành tích rồi dẫn đến lối đá tiêu cực miễn sao là thắng, bỏ tiền ra mua những ông cầu thủ châu phi về gọi là cầu thủ ngoại , chuyên môn của họ có hơn cầu thủ nội đâu, ý thức của họ chúng ta học hỏi được gì, họ chỉ có sức mạnh, hãy nhìn xem có bao nhiêu khán giả vào sân xem các trận đấu ở clb thì hình dung được sự thành bại của nền bóng đá, rồi các cầu thủ chỉ ở tầm trung được hô hào đẩy lên thành sao tiền lương, lota tay rủn rỉnh, cầu thủ tự cho mình là sao nên khi ra đến nước ngoài đến cái suất dự bị cũng không có , họ tự cho mình là sao rồi nên đâu có cố gắn phấn đấu cao hơn nữa, lương cầu thủ quá cao nên họ đâu cần phấn đấu để được ra nước ngoài thi đấu dẫn đến giới hạn trình độ chỉ đến đó là dừng lại. Trên tuyển thời ông Park đã gây được tiếng vang nhưng ở giai đoạn đầu, khi đố ông park nắm trong tay các cầu thủ có chuyên môn, đồng đều và được tập luyện cùng nhau đã rất lâu nhưng về sau đối thủ bắt bài, cầu thủ nãn với lối đá đó nên thua liểng xiễng ở đấu trường châu lục, giờ ông Truossier muốn thay đổi , không dỡ, muốn lột bỏ lớp bùn phèn của dân tỉnh lẻ đâu phải chỉ chính quyền tp là làm được mà cần rất nhiều yếu tố khác nữa để làm tăng nhận thức của mỗi một con người, nhưng có đặt niềm tin, có khác vọng lớn, có cái nhìn xa ắc sẽ có ngày thành công
Tôi không tin lối chơi, cách lựa chọn và sử dụng cầu thủ của ông Troussier, đơn giản là nó không phù hợp với đội tuyển Việt Nam. Lối chơi chỉ phù hợp với những đội yếu thôi