Bài thơ 'Quê hương' của Giang Nam vượt Trường Sơn ra đất Bắc mất… 6 tháng!

Nhà thơ Phùng Hiệu
Nhà thơ Phùng Hiệu
30/01/2023 14:29 GMT+7

Sau khi hoàn thành, tác phẩm Quê hương của nhà thơ Giang Nam đã được cấp trên đọc và nhận sự đồng cảm của nhiều người nên nhà thơ Giang Nam nhờ gửi ra Hà Nội, với hy vọng được đăng báo Văn Nghệ.

Nhà thơ Giang Nam kể: "Thời ấy, muốn gửi bài thơ Quê hương ra Hà Nội phải mất gần 6 tháng. Giao liên đi bộ vượt hơn nghìn km, qua các núi đồi, đèo dốc hiểm nguy của dãy Trường Sơn cao ngút. Đã vậy còn phải đối phó với bom đạn, thú rừng. Bài thơ đã được gửi đi nhưng tôi cũng không dám hy vọng là nó sẽ đến nơi mình gửi".

Bài thơ 'Quê hương' của nhà thơ Giang Nam vượt Trường Sơn ra đất Bắc mất…6 tháng - Ảnh 1.

Bài thơ Quê hương nhận thưởng, làm tác giả được tăng thêm động lực sáng tác và chiến đấu. Từ đó, ông lao vào sáng tác thơ, làm báo như một nhiệm vụ cao cả phục vụ cho cách mạng, khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc

TƯ LIỆU

Và rồi hơn một năm sau, khi đang trên đường công tác, nhà thơ Giang Nam bất chợt nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài thơ Quê hương của mình và thông báo được giải nhì báo Văn Nghệ.

"Trong giây phút vui mừng đó, tất cả hình ảnh người vợ thân yêu cùng đứa con nhỏ của mình lại ùa về. Một lần nữa, tôi bật khóc suốt cả buổi chiều. khóc vì nỗi đau, khóc vì hạnh phúc" – nhà thơ Giang Nam tiết lộ.

Bài thơ Quê hương nhận giải thưởng, làm tác giả được tăng thêm động lực sáng tác và chiến đấu. Từ đó, ông lao vào sáng tác thơ, làm báo như một nhiệm vụ cao cả phục vụ cho cách mạng, khơi dậy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông kể tiếp: "Sau này tôi mới biết bài thơ chuyển qua nhiều tay giao liên vượt núi, băng rừng, lội qua những con suối hiểm nguy, những cơn mưa nguồn không dứt mất thời gian đến gần 6 tháng mới đến nơi. Vì vậy nên có nhiều tài liệu bị ẩm ướt và rách nát. Nhưng rất may là bài thơ không bị thất lạc và cuối cùng cũng đến đúng địa chỉ của nó.

Tuy phong bì và bài thơ đã gần như nhàu nát, ố màu vì thời gian, nhưng nhà thơ Bảo Định Giang (Trưởng Ban Văn nghệ) vẫn cố đọc và lần ra từng chữ rồi cho đăng trên báo Văn Nghệ.

Khi bài thơ được đăng báo, nhiều anh em còn nói vui, đây là bài thơ "chim bướm". Vài tháng sau, bài thơ được đưa ra xét thưởng vào năm 1961. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc xét thưởng cho bài thơ này. Hội đồng chấm thưởng ngày ấy gồm có các nhà thơ, nhà lý luận phê bình như: Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Hoài Thanh… Vài ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang vào giai đoạn chiến tranh khóc liệt, liệu chấm giải thưởng cao cho bài thơ này có làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của các anh em chiến sĩ? Người thì cho rằng, bài thơ mang vẻ đẹp tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và sự căm thù quân giặc, cần có giải thưởng cao.

Mọi người đang bàn luận thì bất ngờ nhà lý luận phê bình Hoài Thanh chấm giải nhất cho bài thơ. Rồi có người chấm giải nhì, người chấm giải ba. Cuối cùng hội đồng thống nhất bài thơ đoạt giải nhì. Tuy đã được giải nhì nhưng nhà lý luận phê bình Hoài Thanh vẫn khẳng định rằng: "Bài thơ này tuy chỉ được giải nhì nhưng tôi tin rằng nó sẽ có tầm ảnh hưởng lớn với bạn đọc và nó sẽ sống mãi với thời gian".

Bài thơ 'Quê hương' của nhà thơ Giang Nam vượt Trường Sơn ra đất Bắc mất…6 tháng - Ảnh 2.

Hạnh phúc cũng trở về với ông khi một ngày ông nhận được thông báo của tổ chức cho biết, sau khi bắt biệt giam gần 3 năm trời nhưng không tìm ra chứng cứ kết tội, lại được một luật sư bào chữa miễn phí nên quân địch bắt buộc phải trả tự do cho vợ con ông

TƯ LIỆU

Ngày ông ra Hà Nội nhận giải, nhà thơ Chế Lan Viên đã gọi ông lại và nhận xét: "Cả bài thơ Quê hương của Giang Nam và Núi đôi của Vũ Cao đều nói về sự hy sinh của người con gái, của tình yêu và nỗi cách xa. Nhưng, bài Quê hương của Giang Nam đau quá, quằn quại quá".

Sau khi bài thơ Quê hương được công bố, rất nhiều cuộc mít tinh chớp nhoáng đã đọc bài thơ này như một sự cổ vũ cho phong trào đấu tranh chống giặc. "Lúc đó, tôi vô cùng sung sướng, thấy mình như được tiếp thêm niềm đam mê, viết không ngưng nghỉ. Sau ngày đất nước thống nhất, bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho đến ngày hôm nay" – ông chia sẻ.

Ngày đoàn tụ

Hạnh phúc cũng trở về với ông khi một ngày ông nhận được thông báo của tổ chức cho biết, sau khi bắt biệt giam gần 3 năm trời nhưng không tìm ra chứng cứ kết tội, lại được một luật sư bào chữa miễn phí nên quân địch bắt buộc phải trả tự do cho vợ con ông. Ngày đoàn tụ vợ chồng ông ôm đứa con nhỏ vào lòng mà khóc hết nước mắt, khóc trong bất ngờ, khóc trong hạnh phúc…

Chia tay ông, chúng tôi trở về với tâm trạng quyến luyến, cảm thấy mình yêu quý, kính phục một nhà thơ tài năng, nhân từ, suốt cuộc đời cống hiến cho nền văn học nước nhà với cái tâm sáng ngời đạo đức.

Bài thơ 'Quê hương' của nhà thơ Giang Nam vượt Trường Sơn ra đất Bắc mất…6 tháng - Ảnh 3.

Nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ Quê hương, cùng vợ và con gái năm 1973

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Cả đời làm cách mạng, nhà thơ Giang Nam - tác giả bài thơ bất hủ Quê hương lúc nào cũng nghĩ đến chữ tâm, chữ đức. Ông nói: " Thi ca cũng cần phải có đạo đức, ngày xưa chúng tôi làm thơ cũng chỉ để phục vụ cho cái chân – thiện – mỹ. Ngày nay cũng thế, còn viết được tôi còn phục vụ cho thi ca với một cái tâm, cái đức của mình. Tôi quan niệm làm văn nghệ, lãnh đạo văn nghệ là phải phát hiện ra cái mới, phải đi tìm, nuôi dưỡng và bảo vệ những người sáng tạo đích thực, chứ không phải đến ngồi tán gẫu cho sung sướng rồi hưởng lương, rồi đấu đá, thế thì buồn lắm…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.