Nhà thơ Giang Nam tác giả của bài thơ Quê hương là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu đương đại của nước ta. Ông trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vừa qua đời vào ngày 23.1.2023, (nhằm mùng 2 Tết Quý Mão, tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa), hưởng thọ 95 tuổi. Dù ông đã về nơi thiên cổ nhưng tác phẩm Quê hương vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc.
Từ trái sang: Nhà thơ Hoa Níp, nhà thơ Lê Thị Kim, nhà thơ Giang Nam và nhà thơ Phùng Hiệu |
t.l |
Trong một chuyến đi công tác tại Nha Trang, tác giả được ngồi tâm sự với ông và được ông chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Quê hương và cả “hành trình gian lao” của nó để cuối cùng bài thơ được đến với bạn đọc và được giải thưởng báo Văn Nghệ.
Sau ngày đất nước thống nhất, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong suốt mấy mươi năm qua. Và mọi “bí mật” về bài thơ tưởng như đã được “bật mí” nhưng không mấy ai biết, bài thơ ra đời từ năm 1960 và có cả một “hành trình gian lao” từ Nam ra Bắc, qua nhiều vòng kiểm duyệt mới thật sự đến tay bạn đọc và ghi mãi dấu ấn cho đến ngày nay…
Bí mật về một hành trình dài…
Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi chiều khi nắng xuân còn vương trên mái phố. Nha Trang vẫn còn nhộn nhịp không khí ngày xuân, trên các ngả đường, trên các công viên vẫn còn nguyên những băng rôn chúc mừng năm mới với cờ hoa rực rỡ.
Trước số nhà 46 Yersin, một ông lão dáng người thấp đậm, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt sáng ngời, lộ vẻ vui mừng khi gặp chúng tôi. Nhà thơ Giang Nam đấy! Vừa giới thiệu, tôi vừa ôm chặt lấy ông như vừa gặp lại một người thân từ lâu xa cách.
Trong căn phòng khách nhỏ gọn nhưng đầy những bằng khen, huân chương và sách vở, chúng tôi lắng nghe ông kể chuyện. Những câu chuyện từ thời chống Pháp, chống Mỹ lần lượt được ông khơi lại với sự ly kỳ, pha lẫn hiểm nguy và cả những yếu tố cảm động làm cho chúng tôi vừa hồi hộp, vừa hứng thú lắng nghe quên cả ánh chiều khuất dạng.
Trong các câu chuyện ông kể, chúng tôi chú ý lắng nghe và xoay quanh về mối tình của ông với người vợ hiền và hoàn cảnh ra đời của bài thơ Quê hương mà ông viết vào giữa năm 1960 trong một đêm đau đớn nhận được hung tin từ giữa chiến trường gian khổ.
“Ngày ấy, chúng tôi yêu nhau trong thời buổi chiến tranh khóc liệt. Lý tưởng cách mạng lúc nào cũng nung nấu trong tâm hồn của hai chúng tôi. Cùng sống và hoạt động trong một cơ quan nhưng chúng tôi ít khi được ngồi bên nhau trọn vẹn. Cho đến ngày được cơ quan tác hợp nên duyên vợ chồng, được vài hôm thì tôi nhận nhiệm vụ nơi xa.
Ngày chia tay, vợ tôi đã tặng cho tôi một chiếc khăn với lời nhắn nhủ: “Anh giữ gìn sức khỏe, tình yêu của em luôn trọn vẹn cho anh mãi mãi. Anh hãy sống cho lý tưởng cách mạng trước chứ đừng lo nghĩ cho em nhiều. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng một lòng đợi anh…”. Tình yêu thời chiến tranh là thế, vừa tương phùng đã phải biệt ly” - ông nhớ lại.
Nhà thơ Giang Nam (bên trái) và tác giả Phùng Hiệu |
t.l |
“Năm 1960, trong một đêm mưa giữa núi rừng trùng điệp, tôi được cấp trên gọi lên động viên và trấn an tư tưởng, rồi thông báo cho tôi một tin sét đánh: “Vợ con đồng chí có thể bị địch sát hại vì các hoạt động bí mật và nhất định không khai ra tổ chức”. Nghe tin, tôi như không còn đứng vững, nỗi đau nhói buốt cả con tim, tôi đã phải bật khóc trong vòng tay an ủi của đồng đội, để rồi ngay đêm hôm đó tôi đã viết nên bài thơ Quê hương bằng tất cả nỗi đau, tình yêu thiêng liêng và sự căm thù quân giặc. Trong bài có 2 câu thơ thể hiện nỗi đau đến tột cùng mà tôi nhớ mãi “Giặc giết em rồi quăng mất xác/ bởi vì em là du kích em ơi…” - nhà thơ Giang Nam kể.
Tuy hoạt động trong lòng địch, nhưng các bài viết tuyên truyền kháng chiến, những bài báo, bài thơ của nhà thơ Giang Nam luôn làm cho quân địch hoang mang, lo sợ. Chúng điên cuồng ra quân càn quét, tiến hành các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”… Để giữ bí mật, ông được cấp trên chuyển vùng hoạt động, cũng trong thời gian này, vợ ông bị địch bắt và bị tra tấn dã man khi đứa con nhỏ vừa mới chào đời. (Còn tiếp).
Bình luận (0)