Bài thuốc chữa suy nhược

24/08/2014 03:00 GMT+7

Có một số bài thuốc thích hợp dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.

Có một số bài thuốc thích hợp dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.

Bài thuốc chữa suy nhược 1
Toan táo nhân

Suy nhược thần kinh

Trên lâm sàng thường gặp các biểu hiện như: tinh thần uất ức hoặc phiền muộn, hay thở dài, bụng đầy trướng, ăn uống kém... Phép trị trong trường hợp này, theo lương y Như Tá là “sơ can, lý khí, an thần”, có thể dùng phương thuốc “tiêu dao thang gia vị”, gồm các vị: sài hồ, hoàng cầm, bạch truật, phục linh, bạch thược, đại táo (mỗi loại cùng 12 gr), thanh bì, bạc hà, uất kim, hương phụ, chỉ xác, toan táo nhân (mỗi loại 8 gr). Hoặc dùng phương thuốc “lý khí giải uất thang”, gồm các vị: hương phụ, uất kim, bạch tật lê, chỉ xác (mỗi loại 8 gr), và phục linh 12 gr. 

Trong trường hợp âm hư hỏa vượng, biểu hiện bệnh như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, hay xúc động, vui buồn thất thường, ngủ ít, hay mơ, miệng khô, họng khô, trong người hay cảm thấy bừng nóng, táo bón, nước tiểu đỏ... thì dùng phương thuốc “kỷ cúc địa hoàng thang gia vị”, gồm các vị: kỷ cúc, thục địa, sơn dược, câu đằng, sa sâm, mạch môn (mỗi loại 12 gr), cúc hoa, sơn thù, trạch tả, đơn bì, phục linh, toan táo nhân, bá tử nhân (mỗi loại 8 gr).

Nếu là do tâm tỳ hư, triệu chứng thường gặp như ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn uống kém, sụt cân, người mệt mỏi, mắt thâm quầng, hồi hộp, nhức đầu, rêu lưỡi trắng... Phép trị trong trường hợp này là “kiện tỳ, dưỡng tâm, an thần”, với bài “quy tỳ thang” gồm các vị: mộc hương 6 gr, đương quy, viễn chí, long nhãn, phục thần, toan táo nhân (mỗi loại 10 gr), và hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, đại táo (mỗi loại 12 gr).

Nếu là thận âm, thận dương hư, có biểu hiện như sắc mặt trắng, tinh thần uể oải, lưng đau, gối mỏi, chân tay lạnh, sợ lạnh, ngủ ít, tiểu nhiều... Phép trị là “ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh”, với bài thuốc gồm các vị: đơn bì, nhục quế (mỗi loại 4 gr), viễn chí 6 gr, sơn thù, trạch tả, phục linh, phụ tử, toan táo nhân, thỏ ty tử (mỗi loại 8 gr), thục địa, sơn dược, kim anh, khiếm thực, ba kích, đại táo (mỗi loại 12 gr).   '

Bài thuốc chữa suy nhược 2
Nhục quế

Bài thuốc chữa suy nhược 3
Thanh bì

Bài thuốc chữa suy nhược 4
Sơn thù

Bài thuốc chữa suy nhược 5
Thố ty tử - Ảnh: H.Mai

Suy nhược cơ thể

Với y học cổ truyền, theo lương y Như Tá, suy nhược cơ thể thường dựa trên 4 yếu tố cơ bản là âm, dương, khí và huyết, tương ứng với khí hư, huyết hư, dương hư, âm hư. Trường hợp suy nhược cơ thể thuộc thể thận dương hư, triệu chứng thường gặp là: chân tay lạnh, lưng gối nhức mỏi, trời lạnh đau nhức nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu trong hoặc tiểu gấp khó cầm, sắc mặt tái nhợt, giọng nói yếu, có thể hơi ngắn, hụt hơi, thì phép trị là “ôn bổ thận dương, dưỡng tinh huyết”, có thể dùng phương thuốc gồm các vị: nhục quế, phụ tử (mỗi loại 8 gr), qui đầu 12 gr, sơn thù, hoài sơn, (mỗi loại 15 gr), lộc giác, kỷ tử, đỗ trọng, thố ty tử (mỗi loại 16 gr), thục địa 20 gr.

Với trường hợp suy nhược do tỳ vị âm hư, triệu chứng thường gặp là, miệng khô, môi khô, chán ăn, táo bón nặng, có thể nôn khan, mặt đỏ, lưỡi khô, thì phép trị là “tư dưỡng tỳ vị”, dùng phương thuốc “ích vị thang gia giảm”, với các vị: mạch môn 10 gr, sa sâm, ngọc trúc (mỗi loại 12 gr), sinh địa 16 gr, đường phèn 20 gr.

Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên: cho các vị thuốc vào nồi đất cùng 4 chén nước, nấu còn lại 1 chén cho nước ra riêng. Tiếp tục nước thứ hai cho 3 chén nước vào nấu còn lại nửa chén, hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày. Một liệu trình dùng từ 7 - 10 ngày. Nếu không cải thiện, cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc.

Hạ Mai

>> Bài thuốc chữa suy nhược
>> Món ăn bài thuốc cho người bệnh thận
>> Món ăn bài thuốc cho người bệnh gút
>> Món ngon cũng là bài thuốc
>> Món ăn bài thuốc cho người cao huyết áp  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.