|
Triệu chứng chung là: đau mỏi các khớp, nếu gặp trời mưa, ẩm thì cơn đau sẽ tăng lên, hoặc tái phát sau một thời gian đã hết đau. Trong lâm sàng, căn cứ vào triệu chứng thiên về phong (gió), thiên về hàn (lạnh), hay thiên về thấp (ẩm) mà chia thành các thể phong tý (đau do gió), hàn tý (đau do lạnh) hoặc thấp tý (đau do ẩm).
Phương pháp chung chữa bệnh này là khu phong, tán hàn, trừ thấp. Căn cứ vào sự thiên lệch về phong, hàn hay thấp là chính. Khi chữa bệnh cần phân biệt bệnh mới mắc cấp tính, hay đã mắc lâu ngày, tái phát (mạn tính). Nếu bệnh mới mắc thì lấy trừ tà là chính; nếu bệnh lâu ngày vừa phù chính (bổ can, thận, khí huyết) vừa trừ tà để tránh tái phát và đề phòng những biến chứng, cố tật sau này.
Dưới đây là những bài thuốc cổ truyền có thể dùng chữa đau nhức các khớp không có nóng đỏ: với phong tý, đau do phong (gió) là chính, triệu chứng sẽ là đau nhức di chuyển từ khớp này sang khớp khác, đau nhiều khớp, người sợ gió, rêu lưỡi trắng..., thì dùng bài thuốc gồm các vị: phòng phong, khương hoạt, đương quy, bạch thược (mỗi loại 12 gr), tần giao, quế chi, phục linh, ma hoàng (mỗi loại 8 gr), cam thảo 6 gr. Với trường hợp hàn tý thì triệu chứng là đau dữ dội ở một khớp, trời mưa, lạnh đau tăng lên, chườm nóng thì đỡ, tay chân lạnh, người sợ lạnh, rêu lưỡi trắng..., thì dùng bài thuốc gồm các vị: quế chi, can khương, phụ tử chế, thiên niên kiện, uy linh tiên, thương truật, xuyên khung, ngưu tất (mỗi loại 8 gr), ý dĩ 12 gr.
Với trường hợp thấp tý, triệu chứng bệnh là các khớp nhức mỏi, đau một chỗ, tê bì, đau các cơ, vận động khó, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng, thì dùng bài thuốc, với các vị: ý dĩ 16 gr, thương truật, hoàng kỳ (mỗi loại 12 gr), ô dược, ma hoàng, quế chi (mỗi loại 8 gr).
Cách sắc (nấu) các bài thuốc trên: cho các vị thuốc vào nồi đất cùng 1 lít nước, sắc kỹ còn 300 ml, chia uống 3 lần trong ngày, dùng sau khi ăn 30 phút, dùng thuốc còn nóng ấm.
Lương y Quốc Trung
Bình luận (0)