Không phải đợi đến khi nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard công bố kết quả nghiên cứu về “các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than”, đưa ra nhiều con số ám ảnh (Thanh Niên, ngày 30.9), mà câu hỏi “có đáng không khi bằng mọi giá tăng trưởng kinh tế bất chấp những vấn đề ô nhiễm môi trường?” đã được đặt ra từ rất lâu ở VN, trong yêu cầu về phát triển bền vững.
Câu trả lời đương nhiên là “không đáng”. Nhưng chuyện tại sao trong quy hoạch điện VII của VN, cơ cấu điện vào năm 2020 nhiệt than chiếm 54% tổng sản lượng, đến năm 2030 nhiệt điện vẫn chiếm 56% công suất và 62% sản lượng điện lại là điều khó giải thích.
Theo báo cáo được trích dẫn kể trên của nhóm nghiên cứu ĐH Harvard, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở VN hiện là 4.300 người/năm. Và nếu các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch được đưa vào vận hành thì tương lai, con số này có thể là 25.000 người. Đây là con số khủng khiếp.
Trận lũ lịch sử của tỉnh Quảng Ninh trong suốt 4 thập niên qua, hồi tháng 7 là bài học trực quan sinh động về những mối hiểm họa tiềm ẩn đến từ các nhà máy nhiệt điện than. Lũ đã cuốn sỉ than từ các nhà máy nhiệt điện tràn ngập vào nhà dân. Ngoài ra, gần đây, người ta cũng đề cập nhiều đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước do rò rỉ những chất độc hại từ các mỏ than đá khai thác lộ thiên, và các vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày một trầm trọng. Các nhà máy nhiệt điện than được gọi tên là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
Hiện VN được kể đến là một trong những quốc gia có “nhu cầu” xây dựng nhà máy nhiệt điện than (nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất thế giới) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta đang dựa quá nhiều vào nguồn điện giá rẻ từ những nhà máy nhiệt điện than để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế.
Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn toàn cảnh trong dài hạn xem liệu có đáng không khi không quan tâm đầy đủ những vấn đề ô nhiễm môi trường, và trên hết cần có những giải pháp thay thế.
Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học, và năng lượng thủy triều/đại dương/sóng) nhưng cho đến nay việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo ở VN là còn hạn chế. Nhà nước nên có chính sách tổng thể hỗ trợ áp dụng công nghệ để triển khai các dự án năng lượng tái tạo, từng bước thay dần những phương cách sản xuất điện năng là gánh nặng môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bình luận (0)