Học tập tại Q.1 nhưng lại ở ký túc xá tại làng đại học Thủ Đức, từ khi là sinh viên năm nhất, đều đặn 6 ngày/tuần, Dương Trí Hiếu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, phải vượt quãng đường khoảng 20 km di chuyển tới trường. Hằng tuần, Hiếu phải đổ xăng 2 lần, mỗi lần hơn 150.000 đồng thì mỗi tháng nam sinh tốn ít nhất 650.000 đồng cho chi phí đi lại.
Di chuyển bằng xe máy, quãng đường đến trường chẳng hề dễ chịu đối với Hiếu, nhất là những ngày trời mưa, tắc đường, thời gian kéo dài có khi hơn 1 tiếng đồng hồ.
“Mình phải dậy từ 5 giờ để chuẩn bị đi học. Với khoảng cách xa như vậy, việc xảy ra sự cố xe hư, ùn tắc giao thông là chuyện bình thường. Đi ngày này qua tháng nọ, mình cảm thấy ngán ngẩm, nhiều bữa đến trường là uể oải, không còn tâm trạng học hành. Vì thế, hết năm nhât, mình xin phép gia đình cho rời ký túc xá để chuyển ra trọ ở gần trường, thuận tiện việc đi học”.
Tuy nhiên, Hiếu phải chấp nhận chi tiêu nhiều hơn cho việc thuê trọ hàng tháng và tiền sinh hoạt.
“Nơi ở trước đây của mình là 1 phòng trọ rộng 30 m2, giá 1,8 triệu đồng/tháng, có cửa sổ, ban công, không thu thêm phụ phí và tiền điện là 3.500 đồng/kWh, nước 50.000 đồng/người/tháng. Còn trọ mới của Hiếu là căn phòng 15 m2, giá thuê 3,5 triệu đồng/tháng, tiền điện được tính mức giá từ 4.500 đồng/kWh, nước 100.000 đồng/người/tháng, phí giữ xe 150.000 đồng/xe/tháng… Rồi tiền ăn, uống cũng đắt đỏ hơn so với trước kia”, Hiếu kể.
Cũng di chuyển bằng xe gắn máy từ phòng trọ ở TP.Thủ Đức đến chỗ làm tại Q.1, Ngô Quốc Huy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết đều đặn mỗi ngày chạy 20 km tới công ty đang thực tập. Mặc dù 9 giờ mới bắt đầu làm việc, nhưng để có mặt đúng giờ, Huy phải rời nhà từ 7 giờ 30. Chuyện đi làm muộn là điều Huy khó tránh khỏi khi ở trọ quá xa công ty.
“Những lúc gặp kẹt đường, mình phải báo trước với cấp trên xin phép. Nhưng đi trễ 1 - 2 lần thì họ còn thông cảm chứ xảy ra nhiều quá là không được. Các cuộc vui sau giờ làm với anh, chị trong công ty, mình cũng không tham gia vì sợ về trễ chủ trọ đóng cửa”.
Từ bất tiện đó, Huy đã quyết định tìm phòng trọ gần công ty với mức giá 2,5 triệu đồng/tháng. Là sinh viên đi thực tập, lương thấp, khi chuyển về sinh sống ở trung tâm thành phố, chi phí sinh hoạt hàng tháng tăng cao, Huy phải tiết kiệm trong việc ăn uống, đôi khi phải nhờ ba mẹ ở quê gửi tiền trợ cấp.
Bạn bè trong công ty thường gọi Đặng Nhật Minh (23 tuổi), là “phượt thủ” chốn công sở. Mỗi ngày, Minh đều đặn di chuyển 20 km từ nhà trọ ở P.Linh Trung, TP.Thủ Đức đến Q.3 làm việc. Đi làm xa, ngày nắng nóng gay gắt hay mưa bão là nỗi sợ lớn nhất với Minh.
Minh nói: “Có những hôm mưa to xối xả vào mặt. Lúc đi qua cầu Sài Gòn để sang trung tâm thành phố, gió thổi mạnh khiến tay lái chệch choạc. Có ngày mưa to, không thể tiếp tục di chuyển, mình phải tìm chỗ trú, người ướt hết. Trong cốp xe của mình lúc nào cũng có sẵn dép, thêm 1 bộ quần áo dự phòng khi trời đổ mưa to”.
Mỗi ngày, Minh tốn 2 giờ đồng hồ di chuyển trên đường nên thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm ít đi. Di chuyển xa trong quãng thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe, cụ thể là đau cột sống. Vì thế, từ tháng 3.2024, Minh đã tìm căn phòng ở ghép tại chung cư (Q.10), cách chỗ làm khoảng 5 km. Tuy giá cả cao, diện tích nhỏ phòng trọ, không có đầy đủ nội thất cơ bản như phòng cũ nhưng giúp Minh tiết kiệm thời gian và giữ gìn sức khỏe.
Bình luận (0)