Bám càng 'ông già Noel' cưỡi... xe máy đi phát quà ở Sài Gòn

24/12/2016 20:32 GMT+7

Sài Gòn giờ tan tầm kẹt xe khắp các ngõ ngách. Giữa ồn ào và khói bụi của phố xá, tôi bắt gặp hình ảnh những ông già Noel đang băng băng…cưỡi ngựa sắt trên đường.

Với bộ quần áo đỏ, chòm râu trắng và túi quà, những ông già Noel sinh viên đã mang niềm vui đến cho nhiều em nhỏ. Dù không thể trao quà đến cho tất cả các em thiếu nhi nhưng sự xuất hiện của họ trên phố cũng đã làm giáng sinh thêm thú vị, ý nghĩa.

Trải nghiệm tuyệt vời với nghề ông già Noel

Trên thực tế công việc của một ông già Noel không hề đơn giản. Các bạn trẻ phải chạy xe liên tục, giao hàng tại nhiều địa chỉ khác nhau. Hơn nữa, các bạn phải chuẩn bị kịch bản từ trước để tạo ra những niềm vui bất ngờ cho các em nhỏ. Và để trở thành ông già Noel, các bạn sinh viên phải trải qua một cuộc ứng tuyển gắt gao với các tiêu chí về chiều cao, cân nặng, sự hoạt náo, năng động, nhiệt tình và đặc biệt là yêu trẻ con.

VIDEO: Theo chân ông già Noel đi phát quà ở Sài Gòn - Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân

Khó khăn là vậy, nhưng hóa thân thành ông già Noel đi phát quà vẫn là lựa chọn của nhiều bạn sinh viên, bởi họ được trả thù lao xứng đáng. Kết thúc mùa vụ, số tiền các ông già Noel sinh viên nhận được có thể lên tới con số hàng triệu.

Hình ảnh "hậu trường" của những ông già Noel, công chúa tuyết trước khi đi phát quà cho trẻ nhỏ Ảnh Lê Nam
Ông già Noel đang học thuộc kịch bản và lời thoại trước khi đi phát quà Ảnh Lê Nam

Đối với các bạn sinh viên, đó là số tiền lớn có thể trang trải sinh hoạt trong cả tháng trời. Không chỉ làm thuê cho các công ty, shop hàng kinh doanh đồ Noel, nhiều bạn sinh viên năng động, hoạt bát còn tự thành lập nhóm, hóa trang thành ông già Noel rồi trực tiếp ra đường giới thiệu dịch vụ.

Diễm Châu (SV ĐH Quốc Tế, TP.HCM) chia sẻ: “Mình làm công việc này nhiều năm rồi. Thay vì các bạn nam hóa trang thành ông già Noel thì mình làm bà già Noel hoặc ông chúa tuyết. Một buổi làm, thường mình nhận được từ 200.000 đến 300.000 đồng. Trong những ngày cao điểm như tối 23, 24, mức phí sẽ có thể tăng lên từ 350.000 đến 400.000 đồng/buổi”.

Đức Huy và Diễm Châu có 4 đơn hàng cần được chuyển trong tối ngày 23.12 Ảnh Lê Nam
Xong xuôi các khâu chuẩn bị, các ông già Noel, công chúa tuyết sẵn sàng lên đường, băng qua các con phố chật kín xe cộ giờ tan tầm Ảnh Lê Nam

Cũng theo lời Diễm Châu, công việc tặng quà của ông già Noel chỉ gói gọn trong khoảng từ ngày 20 đến ngày 24. Ngày nào cũng bắt đầu chạy từ 6 giờ sáng đến tận 12 giờ khuya. Đối vơi những nơi cách xa nhau như quận 1, quận Thủ Đức thì các ông, bà già Noel phải dậy thật sớm để chuẩn bị.

Hạnh phúc cho trẻ thơ

Đức Huy (SV ĐH Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cười vui vẻ, cho biết: “Thường khi nhìn thấy ông già Noel các em sẽ hét lên vì sung sướng. Nhưng cũng có nhiều em còn quá nhỏ, vừa thấy ông già mặc đồ đỏ lại còn râu tóc đầy mặt thì khóc thét lên… Khiến mình cũng bị bối rối đôi chút. Vậy là phải làm đủ trò để các em bình tĩnh, hay có khi còn phải đọc rap, nhảy múa đủ kiểu nữa”.

Bạn Ngọc Thịnh (SV ĐH KHXH và NV) cũng có những trải nghiệm thú vị khi gặp phải “khách hàng nhí” khó tính. Thịnh kể, lúc trao quà và hát một bài chúc mừng Giáng sinh xong liền bị các bé vặn vẹo vô số câu hỏi như: “Tại sao ông già Noel không cưỡi tuần lộc mà lại đi xe máy?”, hay “Tại sao bụng ông già Noel nhỏ vậy? Ông già Noel đã già rồi mà sao giọng ông không ồm ồm như ông nội?”.. Khiến Thịnh lúng túng giải thích linh tinh, phụ huynh cũng phải bật cười trong khi các bé cứ ngơ ngác, không hiểu gì.

Đường đông, kẹt xe có thể ảnh hưởng đến việc giao hàng trễ giờ cho khách hàng Ảnh Lê Nam
Công chúa tuyết Diễm Châu đã làm công việc này được 2 năm vẫn rất háo hức cho mỗi chuyến đi Ảnh Lê Nam
Đức Huy (18 tuổi) rất nôn nóng đến nhà khách hàng vì đây là năm đầu tiên cậu bạn tham gia công việc này Ảnh Lê Nam

Hay như đối với Lê Hưng (SV ĐH Công nghệ thông tin, TP.HCM) thì Giáng sinh này thật sự vô cùng ý nghĩa. Hưng nhận nhiệm vụ chuyển quà đến một gia đình và bất ngờ khi mở cửa ra là một em bé ngồi xe lăn, nụ cười nhợt nhạt nhưng ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc thấy rõ. Vậy là bao nhiêu kịch bản soạn sẵn trong đầu cũng tan biến luôn. Cậu bạn Lê Hưng xúc động đến nỗi bật khóc khiến em nhỏ phải hỏi: “Ai làm ông già Noel khóc vậy?”. Phải đến một lúc sau Hưng mới lấy lại bình tĩnh trao quà, hát hò, nhảy múa… thực hiện nhiệm vụ của một ông già Noel.

Cũng không ít những lần các bạn sinh viên đi trao quà gặp phải “lỗi kỹ thuật” như rách quần, bung nút áo hay đồ độn bụng bị tụt, râu bay tá lả. Hưng chia sẻ: “Chuyện quần áo ông già Noel làm ẩu nên việc đứt cúc áo hay bị rách quần là chuyện bình thường. Nhớ có lần đang tặng quà cho các em thì tự nhiên nguyên hàng nút áo bị bung ra, làm bụng giả bị lộ. Các em nhỏ phát hiện, mình mới viện cớ là đi tặng áo cho các bạn nhà nghèo”.

Diễn tả lại điệu bộ của mình trong một tình huống, cậu bạn kể tiếp: “Mình hay có thói quen sờ bụng để pha trò với các em, thấy vậy nhiều em cũng bắt chước sờ bụng mình theo. Có lần trễ giờ nên không kịp trang bị bụng giả, tự nhiên có một bàn tay sờ vào bụng trong khi mình đang chú ý phát quà làm mình muốn đứng tim”.

Trao đi yêu thương cũng là đang nhận lại!

Hầu hết các bạn sinh viên tìm đến nghề ông già Noel là để kiếm tiền. Nhưng cũng có những bạn chỉ đơn giản muốn được trải nghiệm cảm giác của một ông già tuyết mang niềm vui đến cho trẻ em. Song, dù với mục đích gì, các bạn cũng đã cảm nhận được giá trị đích thực của việc trao nụ cười, trao yêu thương cho người khác.

Huỳnh Minh (SV ĐH Tôn Đức Thắng) chia sẻ về một kỷ niệm vui khi đi làm: “Năm ngoái mình nhận được đơn đến tặng quà cho bé trai ở Tân Bình. Món quà ba mẹ em đưa cho mình là chiếc xe điều khiển từ xa. Nhưng bất ngờ nhất là khi mình tặng thì em lại nói không thích quà này lắm.. Vì ba em đang bệnh nên món quà mà em thích nhất chính là mong cho ba mau khỏe lại”.

Huy Đức đang kể chuyện cho các em nhỏ trong một gia đình tại quận Phú Nhuận Ảnh Lê Nam
Cậu không ngờ lại mang được nhiều niềm vui và bất ngờ đến cho gia đình như vậy Ảnh Lê Nam

Cậu bạn cũng nói thêm, tình huống đáng buồn hơn nữa là khi một đứa trẻ tin tưởng và nói với ông già Noel những nỗi buồn thường trực khiến các em phải suy nghĩ: “Chẳng hạn như bị bắt nạt ở trường học, hoặc cảm thấy cô đơn, không thể hòa nhập với mọi người xung quanh… Và mình không thể nào bước vào cuộc sống của các bé để thực sự làm được việc gì đó giúp ích. Mình chỉ có thể nói rằng các em hãy kể chuyện này cho thầy cô, cha mẹ để nhận được sự giúp đỡ hiệu quả nhất”.

Ánh mắt hồn nhiên của các em nhỏ trước màn ảo thuật của ông già Noel Ảnh Lê Nam
Công chúa tuyết luôn kề bên để hỗ trợ công việc cho ông già Noel nếu chẳng may... quên kịch bản Ảnh Lê Nam

Thực tế, khi tìm hiểu công việc của những ông già Noel mỗi dịp cuối năm, tôi đã phát hiện ra rằng ông già Noel nào cũng có những tâm sự tương tự với những khoảnh khắc nhói lòng mỗi khi họ đã khoác lên mình bộ đồ đỏ và những trách nhiệm đi kèm với nó. Nói một cách khác, ông già Noel nào cũng cho rằng công việc của mình chủ yếu là niềm vui, nhưng không tránh khỏi những kỷ niệm buồn khi một đứa trẻ đề nghị họ giúp biến một điều ước bất khả thi trở thành sự thực.

Nhiều bạn sinh viên cũng đồng tình cho rằng: “Có thể trở thành ông già Noel chính là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Vì khi đó mình có thể mang lại nhiều niềm vui cho các em nhỏ và gia đình của các em như thế nào. Tự dưng sẽ thấy cuộc sống này kỳ diệu biết bao nhiêu”.

Công việc này đem lại nhiều niềm vui cho rất nhiều người Ảnh Lê Nam

Tôi cứ say sưa nghe những câu chuyện kể của các ông già Noel sinh viên này cho đến khi có tiếng chuông điện thoại vang lên. Trong bộ quần áo ông già Noel và túi quà, các bạn lại tiếp tục công việc của mình khi đem đến niềm vui và những lời chúc cho tất cả mọi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.