Những bức "tường thành" ven sông
Nơi đầu tiên chúng tôi khảo sát là xã Hồng Vân (H.Thường Tín, Hà Nội). Khu vực này, nhiều nhà xưởng xây kiên cố lợp mái tôn nằm sát bờ sông Hồng mọc lên như nấm. Nhìn từ trên cao, hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng không khác gì bức tường thành cản trở việc thoát lũ của dòng chảy sông Hồng. Thậm chí, để công việc kinh doanh thuận lợi, chủ nhà xưởng ngang nhiên nâng cốt, mở đường để xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu ra vào dễ dàng.
Trong vai một người có nhu cầu thuê nhà xưởng, PV được giới thiệu đến hộ gia đình nhà ông Tr. (trú xã Hồng Vân). Khi chúng tôi ngỏ ý về việc muốn thuê khoảng 500 m2 đất ngoài đê sông Hồng để làm xưởng tập kết sắt thép, qua một số câu hỏi thăm dò, ông Tr. giới thiệu đang cho thuê hơn 5.000 m2 xưởng ngoài đê. Nếu thực sự có nhu cầu, ông Tr. sẽ tìm ngay cho một mảnh đất đã được dựng xưởng sẵn với giá 45.000 đồng/m2 nhưng phải ký hợp đồng dài hạn, thuê càng lâu càng tốt.
"Anh ưu tiên ký hợp đồng dài hạn, càng lâu càng tốt, từ 5 - 10 năm thoải mái. Tuy nhiên, giá thỏa thuận trong vòng 3 năm thì sẽ xem xét thị trường để thay đổi, tăng giảm vài nghìn đồng cũng không đáng ngại, quan trọng là thuê đất phải làm ăn được và có duyên với nhau. Nhà anh ngoài này (đất ngoài đê sông Hồng - PV) 5.000 m2 cho thuê nhiều năm rồi, chưa ai bỏ đi cả, họ còn đòi ký 10 năm liền", ông Tr. khoe.
‘Băm nát’ không gian thoát lũ sông Hồng: Phép nước có thua lệ làng? | Xem nhanh 20h
Tuy nhiên, do chưa có mảnh đất nào ở ngoài đê cho thuê ngay, ông Tr. giới thiệu PV nhà xưởng cao 5 m, rộng khoảng 500 m2 đã được dựng sẵn trên đất nông nghiệp (nằm phía trong đê). "Mảnh đất này đang được cháu anh thuê, tháng sau hết hạn hợp đồng. Nếu các em thuê luôn thì phần hạ tầng sau khi chuyển đi, các em có thể sử dụng", ông Tr. nói và khẳng định: "Dù nhà xưởng dựng lên trên mảnh đất không được xây dựng nhưng nếu bị chính quyền địa phương làm khó, anh đều xử lý được, đó chỉ là việc "lặt vặt" ở làng quê".
Đi dọc tuyến đê sông Hồng từ xã Hồng Vân đến xã Ninh Sở (H.Thường Tín), không khó để bắt gặp những dòng chữ "cho thuê kho, xưởng". Đáng nói, những nhà xưởng này đều nằm trên không gian thoát lũ sông Hồng, vi phạm luật Đê điều, nhưng việc giao dịch về thuê, sang nhượng dễ như mua mớ rau ngoài chợ.
Dừng chân tại khu nhà xưởng rộng hàng chục nghìn mét vuông sát bờ sông Hồng ở xã Ninh Sở, chỉ cần hỏi "ở đâu cho thuê xưởng", bất kỳ người nào cũng có thể chỉ cho PV biết địa điểm cần tới. Được giới thiệu là "đại gia" đất bãi sông Hồng, bà T. cho biết đang cho thuê vài nhà xưởng, mỗi nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông, được thuê từ nhiều năm nay. Khi PV hỏi nếu thuê đất để làm xưởng có sợ bị chính quyền thu hồi, bà T. khẳng định đó là đất của nhà bà, dù chưa làm được sổ đỏ nhưng dựng xưởng thuê thì "rất thoải mái". Thậm chí, nếu có nhu cầu thuê nhà ở, "view" sông Hồng cũng có, nhà đẹp như khách sạn.
Tiền cho thuê nhà xưởng về túi ai?
Ngoài việc vi phạm không gian thoát lũ, những cá nhân đứng ra cho thuê mặt bằng ở đây cũng thu hàng trăm triệu đồng từ việc cho thuê đất công để làm nhà xưởng, nhà máy. Theo khảo sát, giá thuê mỗi mét vuông xưởng dao động từ 40.000 - 55.000 đồng. Vậy nên, đất ngoài đê sông Hồng ở nhiều địa phương được coi là "con gà đẻ trứng vàng" đối với mỗi cá nhân cho thuê dịch vụ làm xưởng, nhà máy.
Theo thống kê của UBND xã Ninh Sở, chỉ riêng một cá nhân, diện tích công trình vi phạm đã lên đến hơn 30.000 m2. Với diện tích này, nhân với giá cho thuê 45.000 đồng/m2 thì số tiền mà ông chủ thu được trong một tháng có thể lên đến hàng tỉ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động giao dịch giữa người thuê và người cho thuê diễn ra công khai nhưng chính quyền địa phương lại không nắm được. Ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cho biết địa phương có nắm được giá các ông chủ cho thuê để dựng xưởng. Thậm chí ông Ngần còn khẳng định nhiều bên ký hợp đồng "tay bo" không có dấu đỏ trong việc thuê nhà xưởng, nhưng số tiền được đóng để trả mặt bằng hằng tháng đi vào túi ai, có đóng thuế không thì lại "không rõ".
Còn ông Đỗ Hồng Đức, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Sở, thừa nhận dù các vi phạm đã tồn tại nhiều năm nhưng lợi nhuận hằng tháng chảy vào túi ai thì xã không rõ. Ông Đức chỉ chắc chắn một điều rằng xã không được hưởng lợi từ những khoản tiền này.
Khu vui chơi giải trí mọc lên khắp nơi
Tại bãi đá sông Hồng (P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, Hà Nội) rộng 12 ha, trước kia từ một bãi đất hoang sơ, hiện nay đã trở thành một khu giải trí đúng nghĩa khi có đầy đủ các dịch vụ như tham quan, ăn uống, ca nhạc, cà phê, trang trại… Theo ghi nhận của Thanh Niên, mỗi ngày có hàng trăm người dân đến đây để trải nghiệm dịch vụ. Để đi qua cổng, mỗi người sẽ phải bỏ ra 70.000 đồng. Các chi phí khác được niêm yết sẵn ở cổng ra vào.
Khu vực này đã được kiểm tra, xác định sai phạm về luật Đê điều cách đây hàng chục năm, nhưng người dân đã san gạt, thay đổi hiện trạng đất bãi, vi phạm về không gian thoát lũ sông Hồng. Năm 2017, Q.Tây Hồ đã lập đề án trồng hoa, cây cảnh kết hợp dịch vụ du lịch, báo cáo TP.Hà Nội và được thành phố cho phép cho thuê đất bãi đá sông Hồng. Sau đó, Q.Tây Hồ đã ký hợp đồng 5 năm với 14 hộ dân trên địa bàn P.Nhật Tân.
Khi PV yêu cầu cung cấp hợp đồng thì lãnh đạo UBND Q.Tây Hồ cho biết chính quyền P.Nhật Tân sẽ thông tin. Tuy nhiên, khi làm việc với ông Công Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.Nhật Tân, PV nhận được câu trả lời "đó là hợp đồng của quận ký nên phường không rõ vì phường chỉ được ký hợp đồng một năm một thôi". "Chúng tôi chỉ quản lý kinh doanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, quản lý xây dựng… tại khu vực bãi đá sông Hồng", ông Tuấn nói và cho hay, tuần nào chính quyền cũng kiểm tra đột xuất để tránh phát sinh vi phạm.
Mặc dù thừa nhận bãi đá sông Hồng vi phạm về luật Đê điều đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng ông Tuấn cho rằng việc để người dân phát triển dịch vụ sẽ tạo ra sân chơi, lợi ích kinh tế cho hơn 100 xã viên. Ông Tuấn khẳng định không làm ảnh hưởng đến không gian thoát lũ, dù PV cung cấp hình ảnh người dân đang trộn bê tông ở khu vực này.
"Chắc họ chỉ xây tiểu cảnh hay hạ tầng thôi chứ không xây công trình đâu. Trước mùa mưa lũ năm nào chúng tôi cũng thông báo phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Năm nay không có lũ nhưng năm ngoái nước lên ở mức 6,5 m đã ngập toàn bộ khu vực bãi đá sông Hồng, chúng tôi đã ra đấy chặn barie, di dời hết người, tài sản vào khu vực bên trong", ông Tuấn thông tin.
Trước câu hỏi về việc tại sao lại xuất hiện dịch vụ ăn uống, cà phê… ở khu vực trồng hoa, ông Tuấn cho rằng đó là mô hình của một công ty. Công ty này có đăng ký kinh doanh, nộp thuế đầy đủ, nhưng là công ty nào thì ông Tuấn không nói rõ. "Trang trại, các khu vui chơi giải trí là do công ty sử dụng. Trước đây, đó là Công ty Cổ phần xích đông bãi đá, nhưng bây giờ mô hình này là của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp bãi đá sông Hồng. Chúng tôi đang xem lại những cá nhân có liên quan đến công ty này", ông Tuấn nói thêm.
Vị phó chủ tịch tiết lộ hợp đồng với hợp tác xã nói trên sẽ hết hạn trong vài tháng nữa nên phường sẽ làm việc với Hạt quản lý đê Q.Tây Hồ để bàn, tìm cách có hướng xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, sai phạm còn tồn tại.
Hoạt động kinh doanh thu phí trên đất bãi sông Hồng còn xảy ra tại một số khu vực khác như vườn Nhãn, thảo nguyên hoa Long Biên... Ngoài việc là nơi thu hút người dân đến tham quan, du lịch, thậm chí có lúc thu cả trăm triệu đồng một ngày, các "vườn địa đàng" này đều có điểm chung là đều vi phạm về không gian thoát lũ sông Hồng. Nắm bắt được sở thích của người dân muốn vui chơi dịp cuối tuần tại chân cầu Vĩnh Tuy, một số cá nhân tại khu vực vườn Nhãn ngang nhiên đổ đường bê tông, xây cổng, chắn barie với mục đích thu tiền của những người dân muốn đi qua.
Chẳng có hóa đơn, chứng từ mua bán, cứ thế mỗi lượt người đi qua bằng ô tô, những người này lại đút túi 50.000 đồng, xe máy là 10.000 đồng. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, báo chí liên tục phản ánh, thế nhưng không hiểu vì "phép màu" gì mà đến nay nó vẫn tồn tại. PV Thanh Niên đã liên hệ với UBND Q.Long Biên để tìm hiểu về những vi phạm trên, tuy nhiên chính quyền từ chối trả lời.
Không chỉ riêng sông Hồng, tại địa bàn TP.Hà Nội còn xuất hiện nhiều vi phạm về luật Đê điều tại sông Đuống, sông Đáy, sông Cầu. Những vi phạm nổi cộm kéo dài như việc tập kết than, xây mố cầu, nhà xưởng tại bãi sông Đuống thuộc địa phận xã Yên Viên (H.Gia Lâm); lắp trạm trộn bê tông trên bãi sông Cầu thuộc xã Trung Giã (H.Sóc Sơn); xây dựng công trình, nhà xưởng ở bãi sông Đáy tại H.Hoài Đức...
Bình luận (0)