“Môn nghệ thuật này ngày nay không những được ứng dụng trang trí món ăn mà còn trang trí không gian tiệc và không gian sống”, anh Đỗ Hoàng Quang - thầy giáo dạy nữ công gia chánh nổi tiếng tại TP.HCM cho biết.
Chia sẻ thêm về môn này, anh Quang nói: “Nghệ thuật tỉa rau củ, quả đòi hỏi nghệ nhân luôn phải tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Môn học này được tách ra riêng biệt với kỹ thuật chế biến món ăn”.
Trước đây, anh Quang từng được biết đến với các lớp dạy đan móc, cắm hoa, nhưng anh còn là người thổi hồn vào các tác phẩm đến từ rau củ, quả. Anh kể về quá trình bén duyên với môn nghệ thuật này: “Chuyên ngành của mình là kỹ thuật nữ công - ĐH Sư phạm kỹ thuật. Tuy không được đào tạo môn học này nhưng chính môi trường, thầy cô đã hỗ trợ mình trong quá trình tìm hiểu và sáng tạo. Khi nhìn một tác phẩm, với kiến thức của một sinh viên, mình hay hướng bản thân đến chuyện phân tích một tác phẩm theo một quy trình rồi bắt đầu tiến hành thực hành hoàn thiện sản phẩm. Hầu hết các mẫu mình tự rèn luyện và học hỏi từ sách, internet… chứ không qua một môi trường học tập nào”.
|
Theo anh, “môn học này thuộc dạng kỹ năng, rèn luyện nhiều sẽ quen tay và thành thạo. Nếu bạn nào có năng khiếu thì tiếp thu nhanh còn bạn không năng khiếu thì tất nhiên sẽ cần nhiều thời gian hơn. Nhưng mình tin là ai cũng có thể làm được, nếu chịu khó rèn luyện. Nhiều người cho rằng chỉ cần có một bộ dụng cụ hoành tráng rồi học trên mạng là có thể làm được.
Nhưng nếu có một môi trường, có người hướng dẫn một quy trình tỉa ra một sản phẩm, hay cách chọn nguyên vật liệu, cách bảo quản mẫu tỉa, cách ứng dụng mẫu tỉa vào món ăn, vào trang trí không gian tiệc, không gian sống... thì hiệu quả vẫn hơn là tự học”, anh tâm sự.
Nghệ thuật tỉa rau củ, quả thật ra không cần quá nhiều dụng cụ. Đôi khi, chỉ cần một loại dao là có thể thổi hồn cho từng tác phẩm. Còn để tạo ra một tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cần nhiều yếu tố như vật liệu, mẫu phù hợp, bố cục, màu sắc hài hòa, đường nét tỉa dứt khoát… Một tác phẩm cắt tỉa đẹp phải hội tụ yếu tố chiều sâu và quan trọng nhất là có hồn.
“Quy trình tỉa một mẫu tỉa gồm các bước: Phác thảo mẫu (hoa, lá, thú...), chọn vật liệu, thực hành mẫu, bảo quản mẫu, ứng dụng mẫu… Thời gian phần nhiều do mẫu tỉa quyết định. Ví dụ như hoa hồng tỉa từ củ khoai tây mất chỉ 2 - 5 phút, hoàn thiện 1 trái dưa hấu dài khoảng 30 phút”, anh nói thêm.
|
Cũng theo anh Quang, “cái khó của người tỉa là ở khâu chọn vật liệu. Nhiều khi muốn tỉa mẫu tỉa đó nhưng do chọn vật liệu không phù hợp, thiếu độ dài hay độ dày, màu sắc bên trong không như ý muốn thì cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến mẫu tỉa”.
Chuyện bảo quản mẫu tỉa cũng khá quan trọng. Ví dụ như tỉa hoa hồng từ củ khoai tây thì sau khi tỉa xong nên ngâm vào nước có pha nước cốt chanh để hoa không bị thâm đen.
Nếu tỉa hoa thược dược từ củ dền thì nên hấp cách thủy mẫu tỉa để hoa không bị mốc trắng. “Tóm lại, có nhiều cách bảo quản mẫu tỉa, có thể ngâm trong nước rồi để trong ngăn mát tủ lạnh, gói trong khăn hay giấy ẩm, ngâm giấm đường… Đối với một số loại rau củ đặc biệt thì có cách bảo quản phù hợp với loại rau củ đó”, anh chia sẻ.
Hiện tại, lớp học tỉa rau củ, quả của thầy Đỗ Hoàng Quang sẽ khai giảng từ ngày 12.5 sắp tới. Tại lớp, học viên sẽ được giới thiệu dụng cụ và vật liệu. Sẽ có nhiều kỹ năng được hướng dẫn như tỉa bông cỏ và con bướm từ cà rốt, ứng dụng trang trí món ăn các dạng đường viền; tỉa con thiên nga từ củ cải trắng, trang trí hồ thiên nga; tỉa hoa thủy tiên từ củ cà rốt, ứng dụng trang trí món ăn dạng vòng cung; tỉa con ốc từ củ khoai tây, ứng dụng trang trí món ăn dạng khóm; tỉa hoa hồng từ củ khoai tây, ứng dụng trang trí món ăn dạng trung tâm; tỉa hoa thược dược từ củ dền, ứng dụng trang trí món ăn dạng suối; tỉa hoa cúc cánh nhọn từ bí đỏ, ứng dụng trang trí bình hoa trang trí góc nhà; ứng dụng trang trí tiệc buffet…
|
Bình luận (0)