Biến hóa với lá dừa

25/01/2016 09:04 GMT+7

Là dừa có thể làm được mọi thứ. Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Bùi Thanh Lâm - nghệ nhân tạo hình lá dừa.

Là dừa có thể làm được mọi thứ. Đó là lời khẳng định chắc nịch của anh Bùi Thanh Lâm - nghệ nhân tạo hình lá dừa.

Vào trang web http://congcuoimientay.vn/ , bạn sẽ thấy lá dừa biến thành rồng, hóa thành phụng rất công phu. “Cổng cưới bằng lá dừa thì có từ rất lâu rồi. Ngày xưa, để chuẩn bị cho lễ cưới, lá dừa tươi được sử dụng để trang trí tiệc cưới, mộc mạc nhưng rất đẹp, nó giống như một truyền thống từ rất lâu vậy và giờ thì đang bị quên lãng. Tôi bắt đầu công việc kết lá dừa từ năm 2012, những mẫu cổng cưới hay mâm ngũ quả đều là do tôi tự mày mò làm”, anh Bùi Thanh Lâm kể.
Theo anh Lâm, để kết ra một mâm ngũ quả long phụng thì cần rất nhiều nguyên vật liệu như: trái cây, hoa tươi, mâm đựng, ghim để đính, xốp, tăm tre lớn... Thời gian hoàn thành cổng lá dừa tầm 3 giờ, còn đối với cổng rồng phụng thì thời gian hoàn thành khoảng nửa ngày chưa tính thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu.
Biến hóa với lá dừa 1
Chia sẻ về cách kết hình cho mâm ngũ quả, anh Lâm cho biết: “Từng loại trái cây làm nên các bộ phận khác nhau trong mâm ngũ quả rồng phụng. Thân rồng thường được gắn bằng lá quả thơm hoặc quả cau còn mày của cặp đôi rồng phụng là… trái ớt đỏ. Tôi chỉ kết mâm quả long phụng cho ngày cưới và cổng cưới truyền thống. Rồng và phụng vốn là biểu tượng cao quý, nằm trong bộ tứ linh. Rồng tiêu biểu cho người đàn ông, đấng quân tử còn phượng là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã của người phụ nữ. Sự kết hợp của rồng phụng là biểu tượng tuyệt vời của hạnh phúc lứa đôi, long phụng sum vầy, sự may mắn thịnh vượng về công danh tài lộc và địa vị xã hội, trời đất âm dương hòa hợp”.
Biến hóa với lá dừa 2
Kể từ ngày bước vào nghề kết lá dừa đến nay, anh Bùi Thanh Lâm đã sưu tầm lẫn sáng tạo ra chừng 30 mẫu hình khác nhau. “Đôi khi là ý tưởng của chủ nhà, hoặc những mẫu hình cổng truyền thống. Cộng thêm vài mẫu do tôi tự nghĩ ra. Thời gian để làm cổng còn tùy vào độ khó của mẫu và lực lượng thợ. Có mẫu cổng bọn mình chỉ đến ráp khoảng hơn 1 tiếng, có cổng lại mất thời gian cả ngày trời. Để làm một mẫu cổng cưới cần rất nhiều loại dừa. Khung của cổng phải dùng lá dừa xanh không già quá mà cũng không non quá. Làm rèm hoặc hoa hồng trang trí lên cổng thì phải dùng lá dừa non, còn làm họa tiết cái nón thì phải dùng đọt dừa lúc nó còn chưa bung lá”.
Biến hóa với lá dừa 3Ảnh: NVCC
Ngoài đôi chim trống mái, cá trống mái, châu chấu, lá dừa còn làm được hoa hồng, nón lá dừa, bọ ngựa, con cua, trái lồng đèn… và cả trang phục cho các em bé. Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng cho việc kết hình bằng lá dừa, anh Lâm tiết lộ: “Hằng tháng tôi đều cho ra các mẫu mới để khách hàng có nhiều lựa chọn và mọi người không bị nhàm chán. Khâu khó nhất vẫn là lên ý tưởng cho mẫu mới, có hình dạng như thế nào, có ý nghĩa gì. Đôi khi ngồi mãi mà nghĩ không ra ý tưởng mới, nhưng đến khi bắt tay vào làm lại nảy ra nhiều kiểu mới lạ”. Gấp lá dừa không khó nhưng đòi hỏi người làm công việc này ở sự khéo tay và sáng tạo. Bên cạnh yếu tố về nghệ thuật, lá dừa có thể giữ được độ tươi rất lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.