Quilting - môn nghệ thuật ghép vải đang được nhiều người ưa chuộng vì nó thể hiện tính tỉ mỉ và sự khéo tay của người làm.
Chị Tố Tâm đang chuẩn bị hoàn tất một tác phẩm - Ảnh: NVCC |
Các mảnh vải tưởng chừng như không liên quan đến nhau lại được lắp ghép thành một mảng hài hòa về màu sắc và bố cục. Có lẽ hình thức sơ khai nhất của quilting chính là tấm chăn chần bông mà các mẹ, các chị ngày xưa vẫn thường làm khi nhà có dư vải vụn. Thời xưa cứ có vải vụn là lắp ghép lại với nhau, nhưng giờ đây những sản phẩm ghép vải phải hài hòa và… độc đáo. Bởi, ứng dụng của nghệ thuật ghép vải không chỉ nằm ở chăn, drap, gối mà còn là thảm trải nền, túi, ví cho đến những chiếc lót ly và tranh treo tường.
Chị Bùi Tố Tâm (sống tại Hà Nội) là một trong những người đầu tiên thắp lên ngọn lửa đam mê khi thành lập nhóm Túi ví vải và nghệ thuật ghép vải trên Facebook với hơn 9.000 thành viên. Chị Tố Tâm còn thường xuyên mở những lớp hướng dẫn nghệ thuật ghép vải cho mọi người. Vừa qua, chị đã xuất bản cuốn sách mang tên Mở cửa thế giới Quilting. “Cuốn sách là cách để tôi chia sẻ niềm đam mê ghép vải đến với mọi người. Đó còn là các nghiên cứu đầu tay của tôi về lịch sử quilting và vài điều thú vị về môn nghệ thuật này cùng những hướng dẫn ban đầu cho các bạn nhập môn. Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ các mẫu hình mà tôi nghĩ ra trong quá trình bắt đầu bước vào con đường mê quilting”, chị Tố Tâm nói.
|
Theo chị Tố Tâm, một tấm vải lắp ghép công phu - tức là theo hình thù có thể phải mất cả tháng hoặc một năm mới hoàn thành. Thế nhưng, khi đã bắt đầu làm thì mê mẩn đến mức quên thời gian. Trước khi bắt tay vào việc ghép vải, đầu tiên là vẽ sẵn những mẫu cần làm, bước tiếp theo là phối màu, rồi chọn vải và cuối cùng dùng chỉ may các mảnh vải lại với nhau. “Việc lên mẫu là công đoạn quan trọng nhất, trước khi tiến hành chọn vải cho phù hợp với màu sắc trong thiết kế. Tùy theo sự sáng tạo của từng người mà có thể thêu hoa, thêu tên hoặc tạo thành một bức tranh tả cảnh đồng quê, con người, các nhân vật trong hoạt hình. Những ai có con mắt sắc sảo về màu sắc hẳn sẽ phối màu đẹp và sinh động hơn”, chị Tố Tâm chia sẻ.
Thử thách lòng kiên nhẫn cũng như sự khéo léo của người ghép vải chính là việc sáng tác ra tranh có chủ đề. Bởi việc này gần giống như công việc của người họa sĩ khi vẽ tranh, chỉ khác nhau ở chỗ thay vì dùng màu thì lại sử dụng vải. Để có được tranh sống động và như ý, người làm còn phải chịu khó săn lùng hàng trăm loại vải có màu và sắc độ khác nhau. Theo chị Tố Tâm, nghệ thuật ghép vải không có gì quá cao siêu, ai cũng có thể làm nếu kiên nhẫn và tỉ mỉ.
|
Chia sẻ về sở thích của mình, chị Minh Thu (Q.10, TP.HCM) nói: “Ngày xưa, gia đình tôi làm nghề may nên hay có vải vụn. Mẹ vẫn thường cắt những mảnh giấy hình lục giác, rồi bọc vải, sau đó ghép lại với nhau để làm chăn. Chính vì vậy mà khi lớn lên, nhìn thấy túi xách của một cô bạn được lắp ghép từ những mảnh vải là tôi mê ngay. Lên mạng tìm tòi về cách làm, tôi mới biết có môn nghệ thuật ghép vải. Điều thu hút tôi chính là sự ứng dụng vô hạn của môn nghệ thuật này”. Hiện nay, quilting được ứng dụng rất phổ biến trong thế giới thời trang cũng như đồ mỹ nghệ trang trí nội thất.
|
|
Quilting là một trong những ngành thủ công lâu đời nhất trên thế giới và đến nay vẫn chưa ai biết được chính xác nguồn gốc của nó bắt đầu từ đâu. Sản phẩm quilting đầu tiên được tìm thấy vào khoảng năm 3.400 trước Công nguyên và đó là một miếng vải phủ lên thi thể của một pharaoh. Tuy nhiên, người Mỹ có công lớn trong việc phát triển môn nghệ thuật này khi sáng tạo ra những tác phẩm đẹp như tranh. Ngoài ra, nếu đã mê môn nghệ thuật này và có dịp đến Mỹ thì đừng bỏ qua cơ hội ghé thăm Bảo tàng National Quilt Museum - nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật của ghép vải. Đồng thời, hằng năm bảo tàng này đều tổ chức các triển lãm cá nhân và tập thể dành cho các nghệ nhân giới thiệu và bán các tác phẩm nghệ thuật của mình.
|
Bình luận (0)