'Bán' bài báo khoa học có thực là chỉ bán chất xám của mình?

Nguyễn Tấn Đại
Nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục. Nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên ĐH về khoa học giáo dục và truyền thông (LISEC), ĐH Strasbourg, Pháp.
13/11/2023 06:05 GMT+7

Những ý kiến bảo vệ hành vi "bán" bài mới chỉ căn cứ vào lời tự bạch một chiều của nhà khoa học xin rút khỏi hội đồng khoa học Quỹ NAFOSTED. Còn thực tế dữ liệu mà chúng tôi tìm hiểu được nói lên nhiều điều khác.

Gần đây, một nhà khoa học xin rút tên khỏi hội đồng khoa học Quỹ NAFOSTED vì có nhiều công bố không ghi đúng tên nhiệm sở của mình và được quỹ này chấp thuận.

'Bán' bài báo khoa học có thực là chỉ bán chất xám của mình? - Ảnh 1.

Bảng tổng hợp tình trạng vi phạm liêm chính khoa học của tác giả Đinh Công Hướng

NGUYỄN TẤN ĐẠI

Sự việc này làm dấy lên nhiều quan điểm trái chiều, trong đó nổi bật ý kiến cho rằng nhà khoa học có quyền "bán" bài báo khoa học, việc "bán" bài giống như mọi hoạt động làm thêm hợp pháp khác (chẳng hạn như "thỉnh giảng"). Những người ủng hộ luồng ý kiến này cho rằng nhà khoa học nói chung không sai trong việc "bán" bài vì họ đã hoàn thành nghĩa vụ với nhiệm sở chính, trong khi đó nơi này không cấm nhà khoa học "làm thêm".

Nhưng những ý kiến bảo vệ hành vi "bán" bài mới chỉ căn cứ vào lời tự bạch một chiều của nhà khoa học xin rút khỏi hội đồng ngành. Còn thực tế dữ liệu mà chúng tôi tìm hiểu được nói lên nhiều điều khác.

Công bố tăng nhờ hợp tác quốc tế thực chất của trường ĐH Quy Nhơn

Dữ liệu mà chúng tôi tìm hiểu ở đây dựa chính vào trường hợp nhà khoa học nói trên, PGS Đinh Công Hướng.

Trong hồ sơ khoa học Google Scholar mang tên "Dinh Cong Huong" được xác thực qua hộp thư điện tử dưới tên miền Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (iuh.edu.vn), các công bố quốc tế đầu tiên của tác giả này được viết trong khoảng năm 2004 - 2006, với 4 bài cùng đứng tên với hai tác giả khác là "Nguyen Van Mau" (GS Nguyễn Văn Mậu) và "Vu Dang Giang" (cố TS Đặng Vũ Giang). Hai đồng tác giả này là những người hướng dẫn luận án tiến sĩ của PGS Hướng (tại ĐH Quốc gia Hà Nội). Sau khi bảo vệ luận án, PGS Hướng tiếp tục cộng tác với GS Mậu đăng 3 bài quốc tế trong 4 năm (2009 - 2013). Bên cạnh đó là 11 bài đăng tạp chí khoa học trong nước, một mình hay cùng đứng tên với người khác, trong 7 năm từ 2006 đến trước 2013. Như vậy trong 9 năm đầu của sự nghiệp nghiên cứu, PGS Hướng công bố tổng cộng 7 bài quốc tế và 11 bài trong nước.

Trong 11 năm tiếp theo (2013 - 2023), số công bố quốc tế của PGS Hướng tăng vọt lên 62 bài (tăng hơn 8 lần). Hồ sơ khoa học Google Scholar có thể không chính xác, không đầy đủ, nhưng đây là điểm xuất phát để chúng tôi kiểm chứng thông tin gốc (bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế).

Rất dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về số lượng công bố quốc tế của PGS Hướng diễn ra từ khi có sự hợp tác với tác giả Hieu Trinh (GS Trịnh Minh Hiếu) của ĐH Deakin, Úc, đồng tác giả của 21 bài có tên PGS Hướng (chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 trong tổng số bài quốc tế của PGS Hướng). Hai bài báo đầu tiên hai người đứng tên chung vào năm 2013 là kết quả của một dự án hợp tác nghiên cứu do Hội đồng nghiên cứu Úc tài trợ. Sự hợp tác với ĐH Deakin này được Trường ĐH Quy Nhơn chính thức ghi nhận trong các hoạt động hợp tác quốc tế của trường cũng như thông tin rộng rãi trước giảng viên và sinh viên.

Có thể nói năng lực nghiên cứu của PGS Hướng nói riêng và Khoa Toán - Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn nói chung được nâng cao rõ rệt nhờ mối quan hệ hợp tác này. Điều đó đã giúp Trường ĐH Quy Nhơn được thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu của nhà nước, thông qua ít nhất 2 đề tài cấp Bộ (Bộ GD-ĐT) và 2 đề tài NAFOSTED trong giai đoạn năm 2016 - 2022, cũng như các đợt làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM). Ít nhất có 10 bài báo của PGS Hướng cùng đứng tên với GS Hiếu đã ghi công các quỹ tài trợ và chương trình hợp tác nói trên.

'Bán' bài báo khoa học có thực là chỉ bán chất xám của mình? - Ảnh 2.

"Mô hình" nhà khoa học nhận tiền tài trợ của nhà nước với tư cách người của cơ quan A nhưng khi công bố công trình lại ghi địa chỉ cơ quan B

DOÃN MINH ĐĂNG

XUẤT HIỆN THỦ THUẬT LUÂN PHIÊN MẠO DANH NHIỆM SỞ

Điều đáng nói, các tác giả phía ĐH Deakin cùng đứng tên các bài báo với PGS Hướng, như GS Hiếu 21 bài và TS Van Thanh Huynh 10 bài, đều nhất quán từ trước tới sau chỉ ghi duy nhất nhiệm sở chính thức của mình. PGS Hướng cũng ghi nhiệm sở duy nhất là Trường ĐH Quy Nhơn trong hầu hết các bài này.

Nhưng từ năm 2018 bắt đầu xuất hiện các bài báo PGS Hướng viết riêng, một mình hay với các cộng sự khác, đứng tên các nhiệm sở khác tại VN như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 16 bài; Trường ĐH Thủ Dầu Một, 6 bài (không có tên nhiệm sở Trường ĐH Quy Nhơn). Đây là lý do PGS Hướng xin rút khỏi HĐ ngành toán Quỹ NAFOSTED sau khi bị tố cáo.

Cụ thể, trong 16 bài PGS Hướng đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ năm 2018 - 2022, có 8 bài (50%) ghi công các nguồn hỗ trợ cấp cho Trường ĐH Quy Nhơn của Bộ GD-ĐT, NAFOSTED và VIASM. Còn 6 bài PGS Hướng đứng tên Trường ĐH Thủ Dầu Một có 2 bài (33%) viết cùng với GS Hiếu, tức là trên cơ sở hợp tác giữa ĐH Deakin với Trường ĐH Quy Nhơn, chứ ĐH Deakin hoàn toàn không có quan hệ gì với Trường ĐH Thủ Dầu Một trong đề tài nghiên cứu của PGS Hướng.

Trong số các đồng tác giả của PGS Hướng, chúng tôi chú ý tới TS Đào Thị Hải Yến (Trường ĐH Phú Yên), người cùng đứng tên 6 bài báo với PGS Hướng. TS Yến là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn từ năm 2018 - 2022, mà PGS Hướng là thầy hướng dẫn. Trong cả 6 bài cùng đăng với thầy hướng dẫn, bà Yến đều nhất quán ghi nhiệm sở chính là Trường ĐH Phú Yên. Nhưng ngược lại, thầy hướng dẫn của bà có đến 4 bài (67%) ghi nhiệm sở là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một đơn vị không liên quan gì trong việc TS Yến làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Quy Nhơn.

Ngoài ra, PGS Hướng còn có 15 bài đồng tác giả với TS Mai Viết Thuận, thuộc biên chế ĐH Thái Nguyên. Trong số 15 bài này, 6 bài (40%) PGS Hướng ghi nhiệm sở Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ông Thuận ghi nhiệm sở ĐH Thái Nguyên, 2 bài (13%) ông Thuận đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và PGS Hướng lại ghi nhiệm sở chính của mình là Trường ĐH Quy Nhơn. Như vậy, tổng cộng 8 bài (53%) hai tác giả Hướng và Thuận luân phiên mạo danh nhiệm sở, mặc dù trong 8 bài này hai ông đều ghi công các nguồn hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, NAFOSTED và VIASM đã cấp cho Trường ĐH Quy Nhơn và ĐH Thái Nguyên.

LÀM THẤT THOÁT NGUỒN LỰC CỦA NHIỆM SỞ CHÍNH

Qua những minh chứng trên có thể thấy trong thời kỳ đầu làm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của các thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội cũng như đối tác ĐH Deakin, PGS Hướng đã từng được thụ hưởng các đề tài hợp tác nghiên cứu chính thức, công bố hoàn toàn liêm chính, để phát triển năng lực chuyên môn đến mức được thừa nhận rộng rãi như ngày hôm nay. Tiếc là khi năng lực nghiên cứu đã định hình theo thời gian, PGS Hướng lại không đủ tỉnh táo dẫn đến lạm dụng các nguồn lực nghiên cứu từ trường mình (đề tài cấp Bộ GD-ĐT, đề tài NAFOSTED, hợp tác nghiên cứu ngắn hạn tại VIASM, hướng dẫn nghiên cứu sinh) để công bố các bài báo dưới tên trường khác, với tỷ lệ vi phạm không hề nhỏ như đã liệt kê trong bảng tổng hợp.

Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này cũng cho thấy không có chuyện PGS Hướng và một số tác giả khác không sử dụng thời gian, phương tiện, kinh phí của trường mình mà hoàn toàn dùng nguồn lực cá nhân để làm nghiên cứu rồi "bán chất xám" của mình một cách chính đáng cho các trường khác có nhu cầu. Thông tin trên bảng tổng hợp này cho phép chúng tôi khẳng định, một phần đáng kể nguồn lực nhà nước đầu tư cho nghiên cứu cho các trường ĐH đã bị thất thoát thông qua các nhà khoa học "bán" bài báo cho nơi khác, làm đơn vị thụ hưởng mất đi các lợi ích chính đáng, và tiếp tay cho những nơi mua bài thu lợi ích bất chính.

Trách nhiệm thu hẹp vùng xám, tăng cường sự minh bạch và trung thực trong nghiên cứu và công bố khoa học thuộc về tất cả chúng ta, từ các cơ quan quản lý nhà nước tới lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH và nghiên cứu, từ nhà khoa học tới các cơ quan báo chí truyền thông, từ giới học thuật tới cộng đồng xã hội.

Vi phạm liêm chính hay đạo đức trong nghiên cứu, đặc biệt khi có các chứng cứ trục lợi rõ ràng, về bản chất là vi phạm các quy định pháp luật liên quan. Nhà khoa học với trình độ tri thức của mình, hơn ai hết, cần phải là người tiên phong trong việc giữ gìn liêm chính trong nghiên cứu với các nguyên tắc tin cậy, trung thực, tôn trọng và trách nhiệm, cũng là cốt lõi của tinh thần thượng tôn pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.