Trường hai đứa cách nhau hơn hai mươi cây số, thời ấy chỉ có xe đạp, cách tuần hết đứa nọ đến đứa kia đạp xe đi thăm nhau. Ở với nhau tối thứ bảy và nguyên ngày chủ nhật, dắt nhau đi chợ đêm sinh viên, lê la quán xá ở cổng ký túc, cùng hộc tốc xốc gan đuổi theo thằng móc túi, lúc về còn khen nhau anh hùng nữ hiệp rồi lấy làm may mắn khi gặp trúng thằng nhỏ nhát gan còn đánh lẻ, nó mà kéo đồng bọn quay lại thì hai đứa bầm mình.
Ra trường, đi làm được hai năm, chị có ý định về quê, lúc nói với Hoài, không ngờ Hoài đồng ý luôn, hai đứa ngồi viết đơn xin thôi việc, mai cùng nộp. Ở đây làm lương có cao hơn thật nhưng tiền nhà tiền xăng cộ cũng hết. Chưa kể đau ốm thui thủi một mình, mỗi năm chỉ đủ tiền về tết, đi làm mấy năm mà chẳng có chút gì để dành.
Về quê, nhiều bạn bè. Chị ít gặp Hoài hơn, ai cũng có những mối quan hệ cũ, bạn cũ cần nối lại và những mối quan hệ mới khi đến môi trường mới. Chưa kể về nhà mình, thứ gì cũng quen thuộc, chị và Hoài ít gặp hay nói chuyện với nhau. Chị chặc lưỡi, thời gian này bận bịu bao chuyện, bạn bè cả đời, còn cả đó chứ đi đâu mất mà sợ.
Những tin về Hoài, chị nhận qua bạn bè. Rằng Hoài làm ở bên kia sông với mức lương cao hơn chị, công việc của Hoài cũng nhàn hơn, đồng phục là áo sơ mi trắng và váy ngắn. Chị nhìn lại mình, bố xin việc cho chị ở khu công nghiệp gần nhà, đồng phục là áo thun tối màu chiều nào cởi ra cũng nghe chua loét vì ngày hai ba lượt chị phải xuống xưởng. Ngày gội đầu một lần vì tóc bết rệt, mỗi lần chải lại xót xa vì mớ tóc xơ như rễ tre…
Hôm chị cưới, Hoài nói tao xin nghỉ làm lên với mày một ngày, lâu lắm rồi mình không ở cùng nhau như thời sinh viên. Chị đã ngạc nhiên, bấy lâu hai đứa có đi chơi riêng với nhau như hồi ở thành phố nắng đâu. Có gặp toàn là gặp chung khi hội khóa, họp lớp. Mấy lần Hoài không đi đám cưới bạn học, nói phải đi công tác. Chị hay tin, đã ghen tị rất lâu. Nghe nói người yêu Hoài cũng làm cùng công ty, Hoài được nâng đỡ lắm, thi thoảng còn được đi đây đi đó công tác, du lịch. Nay Hoài chủ động đề nghị lên phụ, chị có phần ngạc nhiên.
Hoài đến vào buổi chiều, khi ấy chị vừa gội đầu, còn đang cong người lau tóc thì Hoài dừng xe ở cổng. Chị tìm khăn túm mớ tóc ướt, thấy Vinh đã ra tới cổng, dựng xe cho Hoài.
- Em là bạn Loan hả, xinh thế.
Nhìn Hoài cười vui vẻ, chị đã không bước tiếp. Hoài theo Vinh vào nhà, chị đứng ở hiên vừa lau tóc vừa nghe họ nói chuyện. Hoài kể tụi em là bạn thân, hồi sinh viên cứ quấn lấy nhau, bạn bè còn tưởng hai đứa có vấn đề. Anh không biết đâu, hai tuần tụi em gặp nhau một lần, nếu vì lý do gì không gặp được là bứt rứt ghê lắm. Cứ tưởng hai đứa cứ mãi trẻ con thế, ai nghĩ đã đến lúc phải lấy chồng rồi. Lần gặp sau có khi đã tay ôm tay dắt. Loan chẳng kể gì với em về anh cả, đột nhiên báo tin lấy chồng làm ai cũng ngạc nhiên. Thế mà ngày xưa còn bảo hai đứa sẽ cưới chung một ngày. Đúng là trẻ con thật!
Hoài kể những chuyện ngày xưa của chị và Hoài, Vinh nghe vui vẻ. Hai người họ chưa từng gặp chưa từng quen mà nói chuyện với nhau thoải mái thế. Từ lúc đến nhà, Hoài chưa hề hỏi chị đâu. Vinh cũng không nói chị đang làm gì phía sau hay ngoái cổ gọi em ơi có bạn đến này…
Chị theo Vinh về tỉnh khác, chỉ về thăm nhà vào dịp lễ tết nên không có nhiều thời gian. Mỗi lần về lịch trình đều kín mít, ngày đó đi thăm ông này, giờ đó thăm chú kia. Chừng này dành mua quà, quà mua những thứ này thứ này… Chị thường nhận điện thoại trách móc, nói về mà không báo để bạn bè ghé chơi, và chị lại hứa, lần sau.
Hoài lấy chồng, chị không về dự được vì còn chừng hai tuần nữa là “vỡ chum” đứa thứ hai, Hoài gắt trong điện thoại, dưỡng sức đi bà, áy náy gì. Cưới xong tụi này có chuyến công tác kèm tư tác gần tháng, chắc không gặp bà lúc sinh được. Tui có mua ít đồ, mai tui nhờ ai đó gửi cho hai đứa nhỏ, thông cảm nha, tui bận quá. Nhớ gửi hình bé con cho tui lây nha. Bạn bè gửi ảnh cưới của Hoài cho chị, nói hình đó chụp trong ngôi nhà mới của hai vợ chồng Hoài đó. Vừa cưới đã có nhà riêng to đẹp, thấy thèm chưa?
Chị nhìn quanh căn nhà gạch cũ mình đang ở, chưa biết bao giờ mới có tiền xây sửa lại, lòng dấy lên những ghen tị. Từ ngày bắt đầu đi làm Hoài đã hơn chị. Công việc nhẹ hơn, lương cao hơn. Giờ có gia đình cũng có điều kiện hơn. Chị luôn thua kém Hoài dù đã cố gắng rất nhiều, chị vẫn nhớ vẻ mặt tươi tắn xinh đẹp của Hoài hôm Hoài đến nhà trước ngày chị cưới.
Ghen tị như một con sâu đục thân. Nhìn thì hiền lành vô hại nhưng mỗi ngày nó mỗi đào sâu, gặm nhấm từng tí một, âm thầm mà mãnh liệt. Nghe tin chồng Hoài mất vì bệnh, còn là bệnh lâu ngày, chị mới sực nhớ không biết từ bao giờ chị không liên lạc với Hoài, chị chưa một lần đi thăm chồng Hoài hay an ủi động viên Hoài một câu. Thông tin về Hoài chỉ là chồng giỏi con ngoan công việc tốt. Đâu như chị, úi xùi một nách hai con, nhà cửa tuềnh toàng thiếu trước hụt sau, đôi khi có dịp về mẹ cũng không dám về. Đi ba phiên chợ mới dám mua cho con bộ đồ…
Vinh, hẳn đã ngán ngẩm với căn nhà của bố mẹ mỗi ngày mỗi ẩm thấp bệ rạc, đã dọn vào ở trong căn nhà ba tầng có giàn hoa giấy ngũ sắc với người đàn bà hơn anh năm tuổi nhưng nhìn còn trẻ đẹp hơn chị. Vinh đi, không thèm mang theo thứ gì, từ cái xe máy hư đề phải đạp ít nhất chục cái mới khèn khẹt nổ máy, quần áo cũng không cần, đến cái điện thoại Vinh cũng bỏ lại bên gối mẹ đẻ thì mẹ con chị có là gì. Mẹ con chị ở lại ngôi nhà cũ với bà mẹ chồng ốm yếu bệnh tật.
Con trai đi, bà hờ ngày hờ đêm, hờ không mệt mỏi. Ông trời ơi sao không để cho tôi chết đi, tôi còn sống làm gì trên đời, sống nhục sống nhã sống khổ sống sở thế này thì sống làm gì. Mỗi ngày tôi vẫn phải ba bữa cơm, tôi chết sớm ngày nào thì cháu tôi được no sớm ngày đó. Chúng nó có tội tình gì mà phải bớt cơm dè miệng nhường bà nội.
Chị im lặng nghe bà hờ, hết than thân trách phận, kêu trời gọi đất ăn ở không cân, kêu gào ông chồng quá cố sao chưa về đón đi, bà quay sang chửi thằng con trai, rồi chửi con dâu có chồng không biết giữ chồng. Chị điên tiết quẳng cái nồi vừa lấy hơn lon gạo ra sân, gạo văng tung tóe khiến đàn gà nhao vào mổ lấy mổ để và kêu quang quác mừng rỡ, mặc cái nồi lăn veo veo ra tận chỗ sân giếng.
- Kêu chết mà chết được thì chẳng ai dám kêu đâu bà ạ. Sống mới khó chứ chết dễ mà. Đây, con đã viết thư xong rồi, thuốc diệt cỏ con cũng mua rồi. Bà viết mấy chữ vào đây rồi nhà mình cùng uống. Đi một lần cho làng xóm đỡ mệt.
Bà mẹ chồng ôm ngực, mặt tái xanh rồi im bặt, sau đó trở nên im ắng. Ngẫm ra, so với chị, bà hẳn đau đớn hơn nhiều khi con trai mình dứt ruột đẻ ra chẳng thèm ngoái nhìn mình một cái. Vinh thậm chí còn vô liêm sỉ đến mức ôm thắt lưng đi vui vẻ, quăng mẹ mình lại cho người vợ bị anh ta bỏ rơi. Vinh bỏ lại cái điện thoại ý định sẽ gọi về hỏi thăm mẹ nhưng anh ta không cho mẹ số của mình, và hẳn anh ta cũng không nghĩ là mẹ anh sẽ ném cái điện thoại ra sân khiến nó vỡ tan nát. Là anh ta không quan tâm đến người đẻ ra mình, hay nghĩ chị sẽ không đối xử tệ với bà?
Vinh chỉ về khi đưa mẹ ra đồng và xác nhận với chị, căn nhà chị đang ở thuộc về anh ta. Dù sao cũng có mấy năm vợ chồng nên Vinh cho mẹ con chị ở miễn phí. Về đám tang mẹ ruột mà Vinh sang ngủ nhờ nhà cậu, thậm chí không ẵm bồng hai đứa con đang ngơ ngác không hiểu vì sao bà nội lại có giường ngủ mới và ngủ lâu thế không dậy dù có bát cơm đơm rõ đầy.
Chị quyết định về quê một chuyến, mang theo cả hai đứa trẻ. Chồng Hoài mất, anh đi mang theo cái nhà và làm Hoài kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Nhìn Hoài, chị không nghĩ người đàn bà gầy gò hom hem này là bạn mình, con gái Hoài ngơ ngác như cái cây mọc sau khe cửa. Bạn bè nói Hoài cũng có bệnh nhưng giấu, bán nhà bán xe lo chạy chữa cho chồng nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Đưa tang chồng chưa kịp vào cổng đã có người đến lấy nhà lấy xe, may còn chừa thời gian cho Hoài thu dọn quần áo rồi hai mẹ con dắt nhau về ngoại. Chị đã bật khóc khi nghĩ mấy năm nay chị dung dưỡng lòng ghen tị, sau thành mặc cảm và cứ thế tự chôn mình. Bạn bè bao người khá giả xinh đẹp hơn nhưng chị chỉ nhắm vào Hoài. Có phải chị luôn bám vào những ngày tháng sinh viên khổ sở để đòi hỏi Hoài phải như chị. Ai bảo Hoài lại luôn trội hơn, may mắn hơn…
|
Chị từng nghĩ mình ghét Hoài vì Vinh đã khen Hoài xinh đẹp ngay trước mặt chị, người ngày mai sẽ nắm tay Vinh vào đám cưới. Hoài xuất hiện ở đâu là tỏa sáng tới đó, ánh sáng của Hoài khiến chị bị lu mờ, người ta chỉ thấy một Hoài giỏi giang mà không thấy chị đã cố gắng thế nào để vươn lên và thoát ra khỏi quầng sáng của Hoài. Khi quen Vinh, chị chưa từng giới thiệu Vinh với ai, chị sợ bạn bè so sánh Vinh với người yêu Hoài. Chị ôm con gái Hoài, giấu nước mắt trong mái tóc mỏng như tơ chua chua mùi mồ hôi của nó, nghe đau thắt trong ngực, không biết thời gian ấy mình đã nghĩ gì, đã sống kiểu gì.
Gì cũng thành lý do, là cái cớ để biện minh cho những nhỏ nhen trong chị. Để rồi thấy mệt mỏi hơn với những ghen tị, so bì lẫn mặc cảm. Ngày xưa đứa nào có hơn đứa kia một vài nghìn cũng có thể mua gì đó cùng nhau ăn, nay mỗi đứa một hoàn cảnh nhưng lại không dám để đứa kia biết. Có lẽ chị giấu vì xấu hổ, còn Hoài giấu vì không muốn chị bận lòng thêm.
- Khóc cái gì, tao biết thời gian qua mày vất vả lắm, tao không dứt ra mà tìm mày được. Tao biết mày thi thoảng có về quê, biết là mày đang tránh mặt. Mày nghĩ bậy quá! Lấy nhầm chồng thôi mà, coi như đi chợ mua phải mớ rau ế, con cá ươn thôi mà, có gì phải xấu hổ. Sao mày không nghĩ hắn ta phúc mỏng nên không có được mày? Hồi mình bị thằng nhóc móc túi đó, tối đó là nó không gặp may nên đã đụng trúng tụi mình, không lấy được gì còn bị gí cho chạy trối chết…
Nghe Hoài nói mà chị đang khóc cũng phải bật cười, bao lâu rồi chị không có được tiếng cười bật ra như vô thức thế này? Tối qua, bố mẹ nói chị mang hai đứa trẻ về đây, nhà mình sao không ở lại đi ở nhờ. Công việc thiếu gì, về đây bố mẹ trông coi hai đứa nhỏ cho, muốn đi đâu làm gì cũng được. Nếu gặp được ai đó thương yêu thì cứ đi tiếp, mai này về già có nơi có chỗ mà tựa nương. Bỏ chồng hay chồng bỏ ở thời này có gì ghê gớm mà phải giấu giếm hay xấu hổ. Cùng đi một chuyến xe, nhưng người xuống trước người xuống sau thôi mà. Lý do thì vô chừng lắm, có thể vì người ta chỉ trả tiền đến bến đó, hoặc có thể vì ăn bậy chột dạ nên phải xuống nửa chừng...
- Tao sẽ về luôn, mệt rồi, không đi đâu nữa - Chị mím môi. Hoài cười: “Lại một lần nữa hai đứa mình khai hồ sơ tìm việc. Cứ coi như mình vừa ra trường đi, à không, vừa ra trường làm gì có kinh nghiệm như giờ. Coi như mình mới ở trong đó về và làm lại từ đầu với đám con làm vốn. Mình còn trẻ mà!”…
Chị vỗ lưng Hoài, đưa cho nó tờ giấy ăn, lúc Hoài chưa kịp cầm, chị đã tự lau nước mắt lẫn mồ hôi cho nó. Ừ, ba mươi thì ba mươi, còn trẻ chán.
Bình luận (0)