Tuy nhiên, lâu nay tiềm năng này vẫn như “cô gái ngủ trong rừng” cần được đánh thức.
Sáng 29.9 tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM) và Trường ĐH KHXH - NV TP.HCM đã tổ chức hội thảo Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, nhằm rà soát lại những vấn đề còn hạn chế trong công tác bảo tồn, quản lý và khai thác di sản văn hóa, đề ra giải pháp và định hướng đổi mới hoạt động trong lĩnh vực di sản.
Theo thống kê mới nhất của Sở VH-TT TP.HCM: Toàn thành phố có 172 di tích đã được xếp hạng, 97 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, thạc sĩ Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, nhận xét: “Chỉ có khoảng 40 di tích, công trình, địa điểm thực sự thu hút công chúng, còn du khách có nhu cầu đến tham quan đa số là các di tích kiến trúc nghệ thuật - kiến trúc cổ đô thị, phân bố ở khu vực trung tâm thành phố. Người dân địa phương có xu hướng thích đến với lễ chùa, chiêm bái nhiều hơn. Số lượng những di tích tạo ra lợi nhuận chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó Dinh Thống Nhất là một trong những di tích thu hút lượng du khách nhiều nhất khi đến TP.HCM”.
tin liên quan
10 tỉ đồng phục hồi di tích thành Điện HảiLịch sử thành gắn với sự kiện quân dân Đà Nẵng do danh tướng Nguyễn Tri Phương (1858 - 1860) chỉ huy mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược.
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, nhận xét: “Vài năm gần đây, nhận thức về giá trị di sản có được nâng cao từ phía các nhà khoa học và cộng đồng, nhưng những nhà quản lý và nhất là nhà đầu tư thường coi giá trị đất đai của di sản quý hơn những giá trị lịch sử và văn hóa, cũng như chưa coi trọng giá trị “ký ức” của cộng đồng nên việc phá hủy Ba Son, Tax, Eden... và nhiều trường hợp khác đã liên tiếp xảy ra. Điều này để lại một khoảng trống về nhận thức lịch sử cho thế hệ cư dân mới của thành phố”.
Đau xót với hiện tượng chảy máu cổ vật, PGS-TS Trương Văn Món (Trường ĐH KHXH -NV TP.HCM) đưa ra thông tin: “Có đến 2/3 tượng thờ tại các tháp Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận đã bị mất cắp, nên những bức tượng hiện đang thờ chỉ là tượng phục chế bằng bột xi măng. Tháp Po Rome có 6 tượng chính nhưng mất tới 4 tượng, nhiều đồ trang sức bằng vàng 24 K nặng 1,7 kg cũng bị lấy mất, không biết tìm ở đâu. Nhiều trường hợp do sự mất cảnh giác của cơ quan chức năng nên tượng cũng… không cánh mà bay”.
Cũng theo ông Món, một điều rất bất cập là cổ vật Champa ở VN chưa được tập trung trưng bày, quảng bá đúng mức. Ngoài những phù điêu, tượng thờ còn gắn với di tích đền tháp từ Huế đến Bình Thuận, phần lớn hiện vật Champa chỉ tập trung ở Bảo tàng Điêu khắc Chàm (Đà Nẵng), Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, còn lại rải rác khắp nơi, mạnh ai nấy giữ: Hà Nội 5 hiện vật, Thái Nguyên 3 hiện vật; còn Bảo tàng Cung đình Huế thì mới mang ra trưng bày 28 hiện vật sau gần một thế kỷ để nằm ngủ trong kho. Nếu như giá trị cổ vật Champa ở Mỹ, Pháp... được định giá hàng triệu đô la và một số bảo tàng tại Singapore, Malaysia, Mỹ nhờ cách trưng bày hiện đại, hấp dẫn, mạnh về thông tin tuyên truyền, quảng bá đã thu hút du khách đến tham quan nườm nượp, thì ở VN đáng buồn là xảy ra ngược lại.
GS-TS Trần Ngọc Thêm kể: “Khi qua Hàn Quốc, tôi hay la cà đi hỏi thăm mấy thứ quý hiếm, họ dẫn tôi vào kho của họ, thấy cơ man nào là cổ vật của VN, trong đó có nhiều tượng Champa và hoành phi câu đối chất đống. Tôi thắc mắc sao không trưng bày đàng hoàng để thu hút khách thì họ nói mấy cái này bán được tiền lắm, chẳng cần mang ra trưng cũng có khối người tìm mua, tôi nghe thấy mà đau”.
tin liên quan
Triển lãm 1.000 hiện vật Óc EoÔng Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo (H.Thoại Sơn, An Giang), cho biết từ ngày 29.9 - 30.10 tại Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo sẽ diễn ra triển lãm trưng bày văn hóa Óc Eo Nam bộ với chủ đề Gốm Óc Eo - nghệ thuật đặc sắc Phù Nam.
Bà Hồ Kim Liên (Phòng VH-TT Q.5, TP.HCM) mang đến hội thảo sự lạc quan trong việc “buộc” di sản phải làm ra tiền, không ngồi trông chờ vào ngân sách nhà nước bằng các hình thức xã hội hóa. Bà Liên cho biết: “Trên địa bàn chúng tôi có 19 di tích cấp quốc gia và thành phố. Mỗi năm có 2 - 3 di tích được tu bổ bằng hình thức vận động xã hội hóa, trong đó có nhiều di tích tu sửa từ tiền hương dầu lên tới hàng chục tỉ đồng. Công tác quảng bá như in sách, chiếu phim giới thiệu di sản được quận tổ chức thường xuyên nên khách đến tham quan đông, có nơi như chùa Bà Tuệ Thành hay Hội quán Ôn Lăng thu hút gần 1.000 lượt khách mỗi ngày”.
Việc giới trẻ sử dụng mạng xã hội: Facebook, Instagram, Twitter và Blog ngày càng phổ biến cũng là cơ hội để quảng bá các di sản của VN. TS Phan Anh Tú (Trường ĐH KHXH - NV TP.HCM) cho rằng: “Các bạn trẻ đã mang đến những hiệu ứng tích cực cho những người có sở thích khám phá thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa, viện bảo tàng, phố cổ và các sưu tập hiện vật... Những hình ảnh, thước phim tự quay và lời bình luận của những người tham quan sẽ tạo sức hút cho những người yêu thích di sản tìm đến VN”.
Cần nhiều nguồn kinh phí
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho rằng: “Ngoài nguồn ngân sách ít ỏi của nhà nước dành cho việc bảo tồn di sản văn hóa cần có sự tham gia của nhiều nguồn kinh phí khác, chẳng hạn từ các nhà đầu tư bất động sản vào khu vực di sản hay cơ quan nhà nước sử dụng công trình di sản... Nhiều nước trên thế giới có chính sách về “thuế môi trường”: ở khu vực môi trường càng trong sạch, đẹp, có cảnh quan tự nhiên... thì thuế nhà đất ở đó cao hơn những nơi khác. Ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ di sản văn hóa cho các cá nhân và nhà đầu tư... như ở Campuchia và Thái Lan đã thực hiện cũng là một cách làm rất hiệu quả”.
|
Bình luận (0)