Theo quy định, trên bảng cân đối kế toán, khi phát hành CP dưới mệnh giá sẽ phải hạch toán vào cột thặng dư vốn là một con số âm (bởi CP được quy định có mệnh giá 10.000 đồng/CP). Như vậy, phần thặng dư vốn TTF sẽ phải ghi âm 98 tỉ đồng mới cân đối được nguồn vốn. Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc TTF, cho biết công ty vẫn đang có phần thặng dư vốn gấp đôi số tiền phát hành nên không khó khăn khi thực hiện. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) phải có kế hoạch sử dụng vốn dài hạn để thuyết phục được các cổ đông, nhất là những cổ đông lớn bỏ thêm tiền vào. Bởi phát hành thêm đồng nghĩa sẽ pha loãng CP. Trên thực tế, vào thời điểm cuối năm 2009 Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn cũng đã bán 20 triệu CP với giá 7.520 đồng/CP cho các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, việc chào bán riêng lẻ có những điều kiện khác với việc chào bán rộng rãi cho cổ đông hiện hữu như TTF.
|
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận xét nhiều DN sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn để tiếp cận vốn vay của ngân hàng trong năm nay. Vì vậy, việc chào bán CP với giá thấp để có thêm nguồn vốn là giải pháp sau cùng các DN thực hiện khi đã bị khó khăn tứ bề.
Không dễ thành công
Việc TTF được chào bán rộng rãi CP dưới mệnh giá đã mở ra một cánh cửa mới cho các DN nếu muốn huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Thậm chí đối với những DN không có thặng dư vốn sẽ ghi thặng dư âm trong báo cáo tài chính, khi nào có lãi hoặc phát hành CP mới có thặng dư thì bù đắp lại. Thế nhưng, trên thực tế, không dễ để việc phát hành CP dưới mệnh giá trở thành xu hướng.
Bà Ngô Thị Hồng Thu chia sẻ: Để phát hành CP với giá thấp trong thời điểm này, DN cần chuẩn bị đầy đủ các yếu tố như kế hoạch sử dụng vốn thu được rõ ràng, tìm được đơn vị bảo lãnh phát hành và thuyết phục các cổ đông lớn. Ngoài ra, vẫn còn phụ thuộc vào một yếu tố khách quan là thị trường chứng khoán không suy giảm mạnh. May mắn là vào thời điểm phát hành, giá của TTF trên thị trường cao hơn 20% (khoảng 6.000 đồng/CP) so với giá phát hành CP mới nên các nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền ra. Còn ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng xét về luật DN có thể bán CP với bất kỳ giá nào miễn là các cổ đông đồng ý thông qua. Ở thời điểm hiện tại, bán giá cao thì sẽ khó tìm được người mua bởi thị trường chứng khoán VN đã qua giai đoạn CP “đắt như tôm tươi” nên bán giá thấp là dễ hiểu. Nhưng đối với những công ty đang gặp khó khăn thì dù bán CP với giá thấp hơn giá giao dịch cũng chưa chắc thành công. Ví dụ những công ty bị lỗ liên tục, giá trị mỗi CP tính ra chỉ có 5.000 - 6.000 đồng thì dù chào bán giá dưới mệnh giá là 7.000 - 8.000 đồng cũng không thể thuyết phục được nhà đầu tư bỏ thêm tiền vào DN. Bản thân các DN khi phát hành thêm CP là đã pha loãng và đó là một sự thiệt thòi cho cổ đông vì thu nhập trên mỗi CP (EPS) sẽ bị giảm xuống. Bởi vậy, ngoài các yếu tố như giá chào bán, thời điểm phát hành thuận lợi thì tình hình hoạt động kinh doanh, tính minh bạch của DN cũng phải luôn được đảm bảo để thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Mai Phương
>> Công bố thông tin chào mua công khai cổ phiếu
>> Cổ phiếu ngành bất động sản và xây dựng ồ ạt tăng trần
>> Thận trọng đầu tư cổ phiếu
>> Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh
Bình luận (0)