Bạn có tò mò: Khủng hoảng gì đang xảy ra ở Peru?
Sau nhiều vụ đụng độ chết người vào cuối tuần giữa cảnh sát và người biểu tình, tân tổng thống của Peru hôm 12.12 cho biết bà sẽ yêu cầu Quốc hội tổ chức bầu cử trước kế hoạch - nhưng có thể là không kịp để xoa dịu tình hình bất ổn hiện nay ở đất nước Nam Mỹ này.
Tự động phát
Tổng thống Dina Boluarte nói đang tìm cách để cuộc bầu cử có thể diễn ra, nhưng phải mất thêm ít nhất 15 tháng nữa, tức đến tháng 4.2024.
Bà Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức vào tuần trước sau khi quốc hội lật đổ cựu lãnh đạo Pedro Castillo.
Ông Castillo đã bị sa thải và bắt giữ vì cố gắng giải tán cơ quan lập pháp và ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu luận tội chống lại ông. Tuy nhiên, việc lật đổ cựu tổng thống đã dẫn đến phong trào biểu tình để đòi hỏi phải cho người dân được chọn lãnh đạo của đất nước chứ không phải các chính trị gia.
Người biểu tình ở Lima, Peru hôm 12.12 |
reuters |
Trong các cuộc biểu tình, nhiều người kêu gọi phục chức cho ông Castillo.
Ông Juan Calle, người ủng hộ ông Castillo, cho biết: "Bà Dina Boluarte không đại diện cho chúng tôi. Bà ta phản bội, không đủ năng lực. Và bà nên bị bắt giam vì đã có rất nhiều người chết trong nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tổng thống của mình được thả tự do".
Có đến hàng trăm và đôi khi hàng nghìn người đã xuống đường phản đối ở khắp các thành phố ở Peru, kể cả thủ đô Lima, và đôi khi xảy ra bạo lực.
Tổng thống Boluarte đã tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" tại các khu vực "xung đột cao", một biện pháp cho phép các lực lượng vũ trang kiểm soát nhiều hơn nếu cần thiết. Giới chức cho biết 2 thiếu niên đã thiệt mạng và 4 người bị thương trong các cuộc biểu tình hôm 11.12.
Bạo lực không chỉ có bên ngoài đường phố, mà cả ở trong tòa nhà quốc hội khi một nghị sĩ đã cố gắng tấn công một nghị sĩ khác.
Trong những năm gần đây, Peru đã trải qua những đợt bất ổn chính trị dữ dội. Chỉ trong 5 năm qua, 5 tổng thống đã nhậm chức và không thể hoàn thành nhiệm kỳ.
Ông Pedro Castillo, tổng thống vừa bị phế truất, là một cựu giáo viên và nhà hoạt động công đoàn, người đã giành được chiến thắng sít sao vào năm 2021 nhờ sự ủng hộ của các cử tri bản địa và nông thôn nghèo khó.
17 tháng cầm quyền ngắn ngủi của ông được đánh dấu bằng những đảo lộn chưa từng có trong nội các, cũng như nhiều cáo buộc tham nhũng chống lại ông, Ông Castilo nói những cáo buộc trên là mưu toan có động cơ chính trị của các thành viên cánh hữu trong Quốc hội. Ông Castillo bị cơ quan công tố buộc tội nổi loạn và âm mưu.
Ngoài ra còn có thêm một điều có khả năng thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Peru, đó là cuộc đình công của các nhóm bản địa được phát động vào hôm 12.12 tại khu vực Apurimac, nơi có các hoạt động khai thác đồng lớn. Peru là nước sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới.
Bình luận (0)