Hàng tỉ USD tự sản tự tiêu
|
Tương tự, nhà ông Hương Trường (xã Xuân Sơn, H.Sơn Tây, Hà Nội) năm nào cũng nuôi 1 - 2 con heo. Tết đến 4 - 5 nhà “ăn đụng” một con, tiền thu được ông Trường đưa vợ sắm tết cho gia đình, lì xì con cháu. “Ngay từ đầu năm hàng xóm đã xí phần rồi. Giờ thực phẩm bẩn nhiều quá, họ sợ nên mình nuôi thì vừa đảm bảo an toàn, thịt lại ngon không sợ ăn thuốc tăng trọng hay siêu nạc”, ông Trường nói và cho biết khoảng 5 năm nay, ông không lo đầu ra vì ngày càng nhiều người muốn “đụng”.
Theo TS Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, đây là hình thức hộ gia đình tự sản tự tiêu. Một gia đình ở nông thôn trồng cây, nuôi con bò, con trâu, con gà... rồi mang phần dư ra bán. Những hàng hóa này trở thành hàng hóa đưa ra thị trường, nên khác với tự cung tự cấp.
Tự sản tự tiêu là cách gọi dành cho những hộ buôn bán hàng tự nuôi trồng, có gì bán nấy. Thường họ chỉ ngồi một góc của chợ hoặc bưng thau, xề đi bên vỉa hè. Bởi, hầu hết người bán đều không ổn định, phần lớn là các hộ dân quanh vùng tự sản xuất tự cung ứng cho gia đình, phần còn lại thì đem bán để mua lại sản phẩm khác.
“Một gia đình thuê người giúp việc nhà thì đây được gọi là dịch vụ, cần được thống kê. Nhưng khi gia đình không thuê người giúp việc mà những công việc này do người vợ, chị em của gia đình làm thì không tính đó là dịch vụ”, ông Lịch dẫn chứng để thấy rõ sự khác biệt giữa kinh tế tự sản tự tiêu và tự cung tự cấp.
tin liên quan
Lợi nhuận ma túy, mại dâm... sẽ được làm rõThống kê không ảnh hưởng đến người dân
TS Lê Viết Thái, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu thể chế kinh tế - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), phân tích: Hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Hàng trăm việc khác phục vụ cho đời sống con người không có thống kê hay ước lượng được. Hoạt động đo đếm chỉ có thể ước lượng được khi hàng hóa được mang ra trao đổi với nhau. Đó là chưa kể ở các vùng nông thôn, các huyện miền núi xa xôi cán bộ thống kê còn thiếu và yếu về chuyên môn nên cũng không có khả năng để thu thập số liệu.
Đơn cử việc các bà các chị hay các xe đẩy bán hàng rong trên đường phố ở những tỉnh thành lớn từ trước đến nay, hầu như chỉ thống kê theo kiểu ước tính. Vì vậy, chuyện dữ liệu bị bỏ sót hay khó có con số chính xác là chuyện bình thường.
Điều quan trọng nhất theo TS Lê Viết Thái trong đề án thống kê “kinh tế ngầm” là nên xác định trong đó có hoạt động nào có thể chuyển sang chính thức được hay không? Cần giải pháp nào để hoạt động đó trở thành kinh tế chính thức và phát triển hơn? Chuyên gia này ví dụ: Hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu cũng có thể nói là phi chính thức. Vậy giờ nhà nước nên làm gì để bà con nông thôn có những việc làm phi nông nghiệp, giúp gia tăng thu nhập mà không phải tự nuôi con heo con gà để cải thiện đời sống? Khi chuyên môn hóa hoạt động thì năng suất sẽ gia tăng. Người nông dân có thể lấy tiền lương và ra chợ mua thực phẩm tốt hơn là cứ tự trồng lúa tự nuôi heo nuôi gà, nhưng vẫn luôn đói nghèo.
“Việc ước tính có thể được tiến hành nhưng phải mất nhiều công sức, thời gian lẫn chi phí của xã hội. Hơn nữa, việc thống kê được cũng không giúp nhiều cho nền kinh tế phát triển tốt hơn mà quan trọng nhất là giải pháp để làm gì cho các hoạt động ngầm ít đi. Chẳng hạn kinh tế hàng hóa càng phát triển, phủ rộng khắp cả nước thì các hoạt động tự sản tự tiêu sẽ thu hẹp. Hay làm thế nào để các bà bán hàng rong, các xe bán hàng lưu động được tập trung vào một khu vực, một chợ bán thì sẽ thống kê được ngay hơn là đi ước lượng...”, TS Lê Viết Thái chia sẻ thêm.
Bình luận (0)