Bán dạo... bảo hiểm

31/07/2013 11:00 GMT+7

Tại TP.HCM xuất hiện nhiều điểm bán bảo hiểm xe máy di động, trên lề đường với giá thấp hơn quy định, ẩn chứa không ít rủi ro cho người mua...

“Loạn” giá

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, việc bán bảo hiểm xe máy (BHXM) dạo khá phổ biến trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM. Hỏi mua BHXM tại một điểm trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, người bán tên Nguyễn Thanh Lợi cho biết giá 40.000 đồng (giá gốc là 66.000 đồng) đối với bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy và 15.000 đồng (giá gốc 20.000 đồng) cho BH tự nguyện dành cho người ngồi trên xe. Vừa tiếp thị, Lợi vừa đưa ra giấy chứng nhận BH do Tổng công ty CP bảo hiểm Bưu Điện (PTI) cấp. Thấy chúng tôi thắc mắc về giá, Lợi nhanh nhảu: “Giá rẻ do công ty đang khuyến mãi. Tụi em bán và hưởng theo sản phẩm. Mỗi sản phẩm bán với giá 55.000 đồng em được 7.000 đồng”. Khi chúng tôi đòi biên lai thu tiền, Lợi nói tỉnh queo: “Thuận mua vừa bán thôi, đâu có biên lai gì”.

 Bán bảo hiểm xe máy ở xa lộ Hà Nội - d
Bán bảo hiểm xe máy ở xa lộ Hà Nội - Ảnh: Lê Nga

 
Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần đến trụ sở làm việc của các đại lý bảo hiểm, hoặc liên hệ với số điện thoại của đại lý để xác định tính thật, giả của bảo hiểm khi mua

Ông Phùng Đắc Lộc,
Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm VN

Trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) cũng có 3, 4 điểm bán BHXM dạo. Còn dưới chân cầu Sài Gòn, lực lượng bán BHXM dọc xa lộ Hà Nội đông đúc hơn và mỗi người bán một giá, miễn sao bán được hàng mà không cần quan tâm người mua có đủ điều kiện được bồi thường BH hay không. Thấy chúng tôi vừa rà xe lại, một cô gái trẻ chìa ngay sấp BHXM, miệng tía lia: “Chị mua của em đi, bảo đảm rẻ nhất luôn. Em sinh viên bán cho công ty có ăn lương, chỉ 50.000 đồng thôi, vừa BH bắt buộc, vừa BH tự nguyện của PTI”. Trong khi đó, một cô gái khác bán BH cũng của PTI ở khu vực này đồng ý bán giá rẻ kèm “khuyến mãi đặc biệt để trống hoàn toàn phần thông tin của khách hàng” để nhận về 55.000 đồng. Theo chị Nguyễn Thị T., một người bán BHXM: “Trước đây, có công ty còn bán với giá 35.000 đồng/năm, 60.000 đồng/2 năm. Người mua BH chủ yếu mua để đối phó với CSGT là chính, chẳng ai hỏi BH của công ty nào, quyền lợi BH ra sao? Cuối tuần, người đi xa nhiều nên bán rất chạy, có ngày bán được hơn 50 giấy đăng ký, lãi nửa triệu đồng”.

Rủi ro cho người mua

Theo địa chỉ của PTI ghi rõ ở con dấu đóng trên giấy chứng nhận bảo hiểm, sáng 30.7 chúng tôi tìm đến số 200bis Lý Chính Thắng, Q.3. Văn phòng công ty là một phòng trong căn biệt thự và chỉ có 2 nhân viên nữ đang ngồi trước máy vi tính. Cả 2 nhân viên đều bảo lãnh đạo công ty đi vắng.

Đưa ra giấy chứng nhận BH đã mua nhờ kiểm tra là thật hay giả, cả 2 nhân viên này đều xác nhận đó là thật, do công ty phát hành. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao bán mà không có biên lai và giá quá thấp như vậy liệu có được bồi thường đầy đủ khi xảy ra sự cố…, hai nhân viên đều nói họ không biết đại lý và người bán lẻ bán giá bao nhiêu, nhưng giá công ty bán là 86.000 đồng (bao gồm BHXM và BH người ngồi trên xe máy). “Chừng đó tiền mà biên lai gì, giá trị hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên mới có biên lai. Việc người bán với giá thấp hơn giá ghi trên giấy chứng nhận, bán mà không ghi thông tin của khách là việc của đại lý và người bán, phía công ty không kiểm soát được, công ty chỉ biết thu tiền về đúng với giá trị ghi trên giấy chứng nhận”, một nhân viên trả lời.

Ông Phùng Đắc Lộc, Chủ tịch Hiệp hội BH VN, cho biết việc đại lý bán phá giá BH do hoa hồng cho đại lý được quy định rất cao. Chi phí hoa hồng cho đại lý khoảng 30%, cộng thêm chi phí lương khoảng 10%, nên dù hạ giá bán các đại lý vẫn không bị lỗ. Mới đây, Hiệp hội đã gửi công văn đề nghị Cục Quản lý và giám sát BH (Bộ Tài chính) kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng bán BHXM phá giá, đồng thời đề nghị xử phạt, cách chức giám đốc chi nhánh, tạm dừng có thời hạn việc triển khai bảo hiểm xe cơ giới với các công ty bán BH kiểu này. Đại diện Hiệp hội và Cục cũng đã thực hiện các đợt kiểm tra, rà soát và xử lý nhiều trường hợp tại TP.HCM, Bình Dương.

Đáng lưu ý, theo ông Phạm Đình Trọng, Cục phó Cục Quản lý giám sát BH, thực tế đã xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp mất ấn chỉ BH. Khi phát cho đại lý thì đại lý kê khai mất ấn chỉ, sau đó lại lấy ấn chỉ này bán rất rẻ ra thị trường để trục lợi. “Nếu mua phải những ấn chỉ này, người mua sẽ không được bồi thường khi xảy ra sự cố”, ông Trọng nói và cho biết thực tế cũng đã phát sinh tình trạng làm ấn chỉ giả của một số doanh nghiệp BH rồi tung ra thị trường khiến các doanh nghiệp phải nhờ công an vào cuộc. “Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần đến trụ sở làm việc của các đại lý BH, hoặc liên hệ với số điện thoại của đại lý để xác định tính thật, giả của BH khi mua”, ông Phùng Đắc Lộc khuyến cáo.

Làm giả giấy chứng nhận BHXM bán ra thị trường

Cuối tháng 12.2012, TAND TP.HCM tuyên phạt Lê Phi (31 tuổi, nhân viên thiết kế bao bì, in ấn) 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hòa (28 tuổi, nguyên nhân viên khai thác BH tại chi nhánh Công ty cổ phần BH PJICO Sài Gòn) 3 năm 6 tháng và Nguyễn Hoàng Nam (31 tuổi, nguyên nhân viên của PJICO Gia Định) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “lừa đảo” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo cáo trạng, lợi dụng sơ hở trong quản lý, Nam và Hòa lấy mẫu BHXM thật, làm con dấu và ấn chỉ giả, sau đó Phi thiết kế, đặt in 2.500 cuốn Giấy chứng nhận BHXM giả cung cấp cho các đại lý với giá thấp hơn giá các công ty. Một BHXM được bán ra thị trường, các bị cáo hưởng 32%, đại lý hưởng lợi 68%. Chỉ trong một thời gian ngắn, các bị cáo đã bán 1.311 bảo hiểm giả cho 13 đại lý, thu lợi hơn 993 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 28 khách hàng làm đơn tố cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cần tìm hiểu quy định khi mua BH

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, các thông tư 126/2008/TT-BTC, 103/2009/TT-BTC, 151/2012ATT-BTC của Bộ Tài chính ban hành để cụ thể hóa Nghị định 103 quy định các doanh nghiệp BH phải bán đúng giá và không được khuyến mãi sản phẩm BHXM bắt buộc dưới mọi hình thức. Cụ thể, giá bán BH bắt buộc là 66.000 đồng/năm (60.000 đồng là phí BH, 6.000 đồng là tiền thuế giá trị gia tăng). Bộ Tài chính cũng quy định doanh nghiệp BH được trích lại tối đa 20% hoa hồng cho các đại lý. Như vậy, giá bán BHXM không thể dưới 54.000 đồng/năm. Việc BHXM dạo bán giá như trên là vi phạm các quy định này.

Cũng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, hiện nay nhiều người mua BHXM chủ yếu để đối phó với công an, nên không tìm hiểu kỹ các trường hợp miễn trừ trách nhiệm BH của đơn vị bảo hiểm, dẫn đến tình trạng khi xảy ra sự cố không được bồi thường. Bên cạnh đó, do giá trị BH thấp nên giữa doanh nghiệp BH và người mua không có hợp đồng, khi xảy ra sự cố thì thiệt thòi luôn về người mua.

Thanh Niên

Thanh Niên

>> Băng làm giả bảo hiểm xe máy lãnh án

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.