Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang suy thoái và đồng USD trượt giá thì mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên ảnh hưởng này không đồng đều: những nước đang phát triển bị tác động mạnh và những nước mà 70% dân chúng sống bằng nông, lâm, hải, và khoáng sản là chủ yếu như Việt Nam thì không phải đứng vào vị thế mạnh để chống trả với những áp lực quốc tế bằng những quốc gia công nghiệp phát triển.
Hai nhân tố góp phần vào sự mong manh này là bất ổn của khí hậu đang nóng lên, thiên tai ngày càng khó kiểm soát và sự bất ổn của hối suất tiền tệ trên thị trường quốc tế.
Cà phê có mặt mạnh là sức tiêu thụ ngày càng gia tăng, nhất là khi kinh tế toàn cầu chuyển dần sang kinh tế thông tin tri thức đòi hỏi nhu cầu sáng tạo mà cà phê là chất xúc tác cực kỳ quan trọng.
Cà phê có mặt yếu kém và nghịch lý là người nông dân sản xuất, trực tiếp là 25 triệu người trồng tỉa, và gián tiếp là thêm 100 triệu nữa lao động trong dây chuyền từ sơ chế đến dịch vụ, chỉ được hưởng từ 1 -10% lợi nhuận từ thứ hàng hóa này trong khi những trung gian xuất và nhập khẩu, cung cấp và phân phối cà phê được hưởng thụ phần lớn nhất trong tổng số thương vụ lên tới khoảng 100 tỉ USD trên toàn cầu.
Người nông dân và các nước xuất khẩu cà phê bán những hạt cà phê xanh rẻ mạt, còn những dây chuyền phân phối tới người tiêu thụ lại nằm trong tay giới tư bản ở các quốc gia công nghiệp Mỹ và Tây u.
Bốn tập đoàn khống chế thị trường bán lẻ cà phê đặc chế toàn cầu là Nestlé, Proctor & Gamble, Sara Lee, và Tchibo. Nghịch lý này là tàn dư của những chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà thế giới ngày nay phải tìm cách giải quyết.
Vì vậy người ta nói mâu thuẫn lớn nhất toàn cầu bây giờ là mâu thuẫn giữa những nước công nghệ phương bắc và những nước đang phát triển phương nam.
Cà phê là một sản phẩm đặc thù của những nước nhiệt đới cho nên thể hiện mâu thuẫn này một cách tiêu biểu và gay gắt hơn cả. Trong một thế giới đã nhờ cách mạng công nghiệp và thông tin trở thành như một ngôi làng, thì ly cà phê bạn uống buổi sáng hay mỗi ngày đều có tương quan đến mọi chuyện lớn lao của toàn thể loài người.
Có những cách để nông dân Việt Nam vượt qua những trở ngại kia. Đầu tiên họ phải lựa chọn việc làm gia tăng giá trị của sản phẩm mình làm ra - nghĩa là chuyển dần sang việc trồng tỉa sản phẩm cao cấp và phù hợp với đòi hỏi của thị trường hiện nay, đó là cà phê đặc sản (specialty coffee); cẩn trọng trong việc sử dụng phân bón hoặc kiểm soát bằng sinh học, hữu cơ để tránh ô nhiễm môi trường và tác hại cho sức khoẻ cũng như thu được những sản phẩm nông sản tốt nhất để cung ứng cho thị trường.
Các nhà sản xuất cà phê cũng nên ý thức về vấn đề này và khuyến khích những nhà nông đồng thời trợ giúp họ về những vấn đề kỹ thuật, kinh doanh và tài chính để nâng cao tay nghề chuyên môn để có thể cạnh tranh trên toàn cầu.
Mặt khác, các nhà ra chính sách trong ngành cà phê cũng nên xây dựng những chính sách bảo vệ nền kinh tế bản địa. Vì những tập đoàn kinh tế tài chính lớn của các cường quốc có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn, và sự thông thạo về luật pháp để xâm nhập những thị trường, sản xuất và thu mua hạt cà phê xanh vào những lúc giá cả xao động, hoặc cấp vốn cho nông dân vốn luôn bị eo hẹp về vốn liếng để mua mão và đầu cơ tích trữ hàng hóa này đề phòng những năm mất mùa hoặc giá cả tăng vọt.
Tình trạng cà phê xanh ở Việt Nam bị những tập đoàn quốc tế này thu mua tại gốc đến 50% là một sự cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ mất kiểm soát vùng nguyên liệu khi giá trị ngành cà phê Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào giá trị xuất thô. (Còn tiếp)
Bình Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Các xu hướng quán mới ở Việt Nam
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Cà phê và làm đẹp
>> Bạn hiểu gì về cà phê?: Sự dịch chuyển từ trà qua cà phê
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Tiêu thụ càng nhiều, càng sáng tạo, giàu có
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Hơn 500 tỉ ly cà phê được tiêu thụ mỗi năm
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Cà phê Việt Nam và triết lý khoảng lùi
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Ý: định danh với Espresso và Cappuccino
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Nguồn gốc cà phê Việt Nam
Bình luận (0)