Băn khoăn chuyện sớm, muộn giờ bay

17/07/2014 03:15 GMT+7

Dù các hãng hàng không khẳng định đều có bồi thường thiện chí cho hành khách khi chậm chuyến, nhưng thực tế không có nhiều khách hàng nhận được mức bồi thường này, dù có chuyến bay chậm đến 5 - 6 tiếng.

Hành khách đi TP.HCM - Đà Nẵng chiều qua bức xúc với tiếp viên do bị chậm chuyến  - Ảnh: M.Hà
Hành khách đi TP.HCM - Đà Nẵng chiều qua bức xúc với tiếp viên do bị chậm chuyến 
- Ảnh: M.Hà
 

Lỡ chuyến vì máy bay bay...  sớm

Trong ngày 16.7, một hành khách đã gửi tin nhắn đến Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng với nội dung “chúng tôi - những hành khách đi Vietjet Air trên chuyến bay VJ8812 theo lịch bay vào 16 giờ hôm nay, chúng tôi ra sân bay lúc 15 giờ thì được thông báo là máy bay đã cất cánh sớm 1 tiếng trước đó. Chúng tôi vô cùng thất vọng”.

Đáng chú ý, sự việc diễn ra khi đại diện lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Cục Hàng không VN, các hãng hàng không đang tọa đàm thảo luận về Quyền lợi cho khách hàng và các giải pháp chậm hủy chuyến (do Báo Giao thông tổ chức cùng ngày).

Theo giải thích của ông Dương Hoài Nam, Giám đốc văn phòng miền Bắc của Vietjet Air, hãng đã 3 lần liên hệ qua điện thoại di động với 6 hành khách, trong đó có hành khách đã nhắn tin, để thông báo lịch bay được điều chuyển sớm hơn nhưng không được. Vietjet sẽ sớm hoàn tiền lại cho những hành khách này. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, nếu không sớm khắc phục, từ giờ đến cuối năm sẽ còn xảy ra nhiều vụ việc tương tự.

Hỗ trợ thiện chí ?!

Theo Quyết định số 10 của Bộ GTVT, khi chuyến bay bị hủy 24 tiếng so với giờ ghi trên vé thì hãng hàng không phải trả tiền bồi thường không hoàn lại cho hành khách (cao nhất là 300.000 đồng cho chặng bay trên 1.000 km), nhưng hãng sẽ được miễn trách nhiệm nếu thông báo cho hành khách trước 24 giờ so với giờ khởi hành trên vé mà hành khách đã mua hoặc không liên hệ được với hành khách qua địa chỉ đã đăng ký. Còn theo Thông tư 06, chậm trên 16 phút thì cứ 15 phút hãng phải thông báo, xin lỗi hành khách, trên 2 giờ phục vụ nước uống, trên 3 giờ phục vụ đồ ăn, trên 6 giờ phục vụ chỗ nghỉ và trên 12 giờ phải đổi chuyến cho hành khách.

Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific (JPA), với những chuyến bay chậm dưới 3 giờ, hãng ưu tiên cho hành khách đổi chuyến, hoàn vé, chuyển sang các chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) nếu còn chuyến. Chậm từ 3 - 6 giờ, hành khách có thể hoàn vé, đổi sang chuyến bay khác của JPA hoặc VNA, được nhận voucher bồi thường thiện chí (mức cao nhất là 400.000 đồng với chặng trên 1.000 km)… Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cũng cho biết việc hỗ trợ thiện chí cũng đang được hãng này thực hiện (mức cao nhất trên 300.000 đồng chặng trên 1.000 km). Đại diện VNA cho biết, có những giai đoạn hủy chuyến từ 1 tuần đến 10 ngày, hãng cũng đã từng bồi thường thiện chí cho hành khách tại Thanh Hóa, Hải Phòng…

Nhưng thực tế cho thấy, không nhiều hành khách bị chậm chuyến được hưởng các mức bồi thường này của các hãng. Hành khách N.T.N (Hà Nội) cho biết chị đã bị chậm chuyến so với giờ khởi hành ban đầu gần 5 tiếng trong chuyến bay từ Cam Ranh - Hà Nội (hôm 26.6) nhưng không được bồi thường thiện chí.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, ở châu u, mức bồi thường không hoàn lại cho khách hàng rất cao (mức thấp nhất là 250 euro), nhưng ở VN mức này quá thấp vì phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của hãng và khách hàng. Chưa kể các hãng hàng không nước ngoài phải đối mặt với vô số vụ kiện đòi bồi thường của khách vì vi phạm hợp đồng dân sự. “Đặc thù của VN là xã hội chưa quen, hành khách chưa có tiền lệ yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua hợp đồng dân sự”, ông Thanh cho biết.

Còn theo ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, Quyết định số 10 là văn bản duy nhất quy định chính sách bồi thường, chỉ áp dụng với hủy chuyến, không quy định trách nhiệm bồi thường với chậm chuyến, mà mới chỉ xuất phát từ hỗ trợ thiện chí của các hãng. Vì vậy, ông Nam đề nghị cơ quan quản lý xem xét mở rộng quy định về mức bồi thường. Đặc biệt để hành khách nắm được chính sách bồi thường thiện chí của các hãng, cần công bố công khai trên website, các điểm giao dịch, quầy sân bay để nhắc nhở quyền lợi được hưởng cũng như nhắc chính nhân viên của hãng khi “quên” bồi thường. 

Chuyến bay chậm vì... lông chim

Ngày 16.7, hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết một chuyến bay của hãng từ TP.HCM đi Hà Nội đã phải tạm ngừng thực hiện theo lịch dự kiến để kiểm tra toàn bộ hành lý và khu vực khoang chứa hàng của máy bay.

Theo đó, chuyến bay BL800 dự định cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 14 giờ 30, sau khi hành khách đã ổn định chỗ ngồi, máy bay lăn bánh từ sân đỗ để ra đường băng thì hệ thống máy tính báo hiệu có khói trong khu vực khoang chứa hàng. Cơ trưởng bật hệ thống dập cháy tự động ở khoang chứa theo quy trình và cho máy bay quay trở lại để kiểm tra. Sau khi kiểm tra, các kỹ sư phát hiện có lông chim bám vào hệ thống cảm biến trong khoang hàng dẫn đến hệ thống máy tính đưa ra cảnh báo. Đến 18 giờ cùng ngày chuyến bay mới khởi hành và kéo dây chuyền sang làm chậm các chuyến bay khác.

M.Vọng

Mai Hà

 >> Chậm chuyến bay do... hành khách?
 >> Chậm chuyến, hủy chuyến bay có được bồi thường?
 >> Vietnam Airlines phủ nhận vụ 200 khách chậm chuyến vì chờ 1 khách quan trọng
 >> Vietjet Air có thể sớm thoát khỏi tình trạng giám sát đặc biệt
 >> Vietjet Air xin lỗi vì sự cố bay nhầm
 >> Vụ 'mua vé Đà Lạt, chở tới Nha Trang': Lập tổ điều tra xác định sự cố nhầm lẫn của Vietjet
 >> Tạm đình chỉ tổ bay Vietjet Air sau sự cố hạ cánh nhầm
 >> Khách mua vé đi Đà Lạt, Vietjet chở tới... Nha Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.