Băn khoăn đề xuất đóng BHXH bằng 70% bình quân tổng thu nhập

Kim Lan
Kim Lan
05/05/2021 04:32 GMT+7

Mặc dù chỉ mới dừng ở mức độ đề xuất, nhưng viễn cảnh doanh nghiệp 'đóng BHXH cho người lao động bằng 70% bình quân tổng thu nhập' đã khiến bạn đọc Báo Thanh Niên tranh luận sôi nổi.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đề xuất sửa đổi quy định đóng BHXH theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động (NLĐ). Đề xuất này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đóng nhiều, hưởng nhiều

Có bạn đọc (BĐ) đã giật mình khi lướt qua con số 70%, như BĐ Paul Lữ viết: “Mức đóng hiện tại hơn 30% chút thôi mà DN còn nợ, thì 70% thu thế nào? Đề xuất khó thực hiện”. Tuy nhiên, cách hiểu này chưa chính xác và ngay lập tức được nhiều BĐ… nói lại cho rõ. BĐ Thịnh Nguyễn nêu: “BHXH đề nghị mức lương làm căn cứ đóng BH phải ít nhất là 70% mức lương bình quân thực tế, vì hiện giờ các DN chỉ đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu, thấp hơn nhiều so với tiền lương thực tế, chứ không phải là tăng tỷ lệ đóng từ 30% lên 70% đâu”.
Mục tiêu hướng đến của đề xuất vẫn là tăng mức đóng BHXH bắt buộc đối với các DN sử dụng NLĐ. BHXH Việt Nam cũng cho hay đề xuất trên căn cứ vào nội dung Nghị quyết 28-NQ/T.Ư về cải cách chính sách BHXH, trong đó nêu rõ: “Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ”. Phân tích về căn cứ này, BĐ va***@gmail.com cho rằng: “Rõ ràng là đóng cho NLĐ. Phần đóng của NLĐ hay chủ DN đều là của NLĐ. Và đóng vô quỹ cũng là để quyền lợi của NLĐ hưởng cao lên. Mức lương đóng BHXH cao thì sau này thất nghiệp hay về già hưởng cao”.
Vậy tại sao đề xuất này lại khiến nhiều DN than khó?

Cần đánh giá thật kỹ

Phát biểu trên Thanh Niên, ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Hà Nam, chia sẻ: “Nếu sửa đổi, quy định trên rất nặng nề với DN, đặc biệt là DN dệt may và da giày, bởi việc đảm bảo nguồn thu đều đặn hằng tháng và nộp BHXH cho tất cả NLĐ đã quá nặng với DN. Tăng mức đóng BHXH hơn nữa trong bối cảnh này thì không hợp lý chút nào”.
Tán thành, BĐ Ngoc Khoa lưu ý: “Nghĩa là DN và NLĐ sẽ phải đóng tổng 32% của 70% lương bình quân. Thay đổi này là tốt nhưng theo tôi không phù hợp trong tình hình hiện nay...”. BĐ Hải Lý bày tỏ lo lắng: “Đóng 32% trên lương cơ bản mà nhiều DN còn nợ lên nợ xuống, vậy giờ đóng 32% trên 70% tổng thu nhập cũng khó khả thi?”. BĐ Hải Lý cũng cho rằng hiện nay mức hưởng bảo hiểm tính theo số năm quá thấp so với thời gian đóng quá dài, chính vì vậy mà NLĐ không theo được, đã chọn cách rút ra để tính việc khác làm ăn.
Đồng ý với ý kiến các DN là “cần khảo sát và có lộ trình” để thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc, BĐ Vi Van Chien nêu ý kiến: “Khi đưa ra một phương án hoặc quyết định cần phải tham khảo các mô hình và vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của đất nước, tránh ảnh hưởng đến tinh thần của người dân, DN và NLĐ”.
Khi xây dựng chính sách cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thật kỹ từ thực tiễn sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện tại để đưa ra giải pháp hợp lý và hợp tình.
Thuan Nguyen
Cách này “khó” cho NLĐ và DN. Đóng 70% bình quân thu nhập thì người sử dụng lao động và NLĐ đóng bao nhiêu? Thiết nghĩ BHXH tính toán sự bình đẳng trong việc trả lương hưu thì có ý nghĩa hơn.
Dương Văn Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.