Trong 5 năm nay, Quốc hội đã 2 lần sửa đổi với 8 lần thảo luận cả ở tổ, ở hội trường về dự án luật này, nhưng đến nay vẫn tiếp tục tranh luận về số lượng cấp tướng cũng như tiêu chí phong tướng.
Đề nghị làm rõ cả số lượng tướng biệt phái
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), vấn đề phong tướng còn có ý kiến khác nhau giữa các đại biểu (ĐB), nên Thường vụ đã phải báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị) cho ý kiến. Theo đó, dự thảo luật quy định Bộ Công an sẽ có tối đa 201 tướng, trong đó có 1 đại tướng là bộ trưởng; tối đa 6 thượng tướng là thứ trưởng; không quá 35 trung tướng; không quá 159 thiếu tướng.
tin liên quan
13 giám đốc công an địa phương được phong tướngHàm thiếu tướng được áp dụng với cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ và chức vụ, chức danh tương đương (trừ những đơn vị quy định có trần trung tướng); phó cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ có trần cục trưởng là trung tướng; giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 (không quá 11 người); Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Công an T.Ư (số lượng không quá 3); Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, Phó giám đốc Công an TP.HCM (mỗi đơn vị không quá 3).
Tuy nhiên, điều làm nhiều ĐB băn khoăn là dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ tổng số lượng tướng của lực lượng công an, vì chưa rõ có bao nhiêu tướng trong số các sĩ quan biệt phái. Dự thảo luật chỉ thể hiện: các sĩ quan biệt phái tại Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH hoặc được bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; sĩ quan CAND biệt phái là Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH hoặc được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; sĩ quan CAND biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định trần thiếu tướng ở cấp tỉnh cho cả quân đội và công an?
Băn khoăn về số lượng tướng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng số lượng theo quy định như vậy là nhiều. “Một số quốc gia trên thế giới, bộ trưởng quốc phòng, công an chỉ là dân sự mà vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành. Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm, điều đó là không bàn cãi, nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thì hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không?”, ĐB đặt câu hỏi. “Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi, hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11? Hơn nữa, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm đại tá của tỉnh, thành khác. Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau nhưng lại có người mang hàm cấp tướng, người mang cấp tá...”, ĐB lưu ý.
Ngược lại, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) lại cho rằng giám đốc công an tỉnh, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng. Nếu 2 cấp bậc hàm này mà vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách. Do vậy, ĐB đề nghị giám đốc công an tỉnh, TP tại một số địa phương có vị trí chiến lược phức tạp và quan trọng về an ninh, trật tự (ngoài đơn vị hành chính loại 1) nên có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng; hoặc nếu có lộ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh thì trần cấp tướng nên quy định với tất cả, trừ Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, xem xét sửa cả luật Sĩ quan QĐND VN để đồng bộ theo hướng này.
Việc đề nghị cần tương xứng giữa lực lượng công an - quân đội cũng được nhiều ĐB góp ý, như ĐB Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) cho rằng phong tướng cần đảm bảo tính minh bạch và chặt chẽ, tương thích với luật Sĩ quan QĐND VN. ĐB Nguyễn Văn Được (Hà Nội), nguyên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng cho rằng: “Phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân”, không nhất thiết tỉnh loại 1 thì phong tướng, vì 10 năm sau có thể còn nhiều tỉnh loại 1 nữa. Giải pháp theo ông Được, cứ địa bàn nào tình hình trật tự trị an phức tạp thì phong tướng để lãnh đạo, chỉ huy quân. Mặt khác, theo ĐB, quân đội, công an đều là lực lượng vũ trang, mà bên thế này, bên thế khác thì không công bằng. “Giờ ngồi họp, một bên tướng, một bên tá cũng không vui lắm. Đề nghị Đảng, Nhà nước, QH xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia. Làm thế này bên quân đội buồn, tủi thân”, ông Được chia sẻ.
Quy định tại dự thảo để thẩm quyền cho UBTVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng cũng khiến nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Bùi Đức Hạnh cho rằng quy định như vậy là trái Hiến pháp, do đây là thẩm quyền của QH. Do đó, ĐB cho rằng cần thể hiện tất cả các chức danh được phong tướng vào luật cho rõ ràng, tránh vận dụng tùy tiện.
Chính quy hóa lực lượng công an xã không làm tăng biên chế
Giải trình trước QH về dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Để chuẩn bị cho việc chính quy hóa lực lượng công an xã, Bộ Công an, cơ quan soạn thảo đã có chuẩn bị kỹ càng. Đảng ủy Công an T.Ư đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy 63 tỉnh, thành, trong đó có 40 tỉnh đã có phản hồi. Theo Bộ trưởng Công an, các tỉnh cơ bản đều nhất trí, mong QH thông qua luật để sớm triển khai về địa phương. Cũng theo ông Tô Lâm, hiện có địa phương đã triển khai chính quy hóa công an xã được 5 tháng và qua sơ kết cho thấy kết quả rất tốt, không có địa phương nào có ý kiến khác. “Thậm chí, có địa phương đánh giá số lượng vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật giảm 50%, có ngày không xảy ra vụ vi phạm pháp luật nào”, ông Tô Lâm cho biết. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an nhắc lại chuyện “đã cam kết với QH từ khi trình dự án luật này là sẽ không tăng biên chế” và khẳng định đây là cam kết hoàn toàn có cơ sở, vì chỉ bố trí lại lực lượng, chứ không tuyển mới.
|
Đề xuất bí thư Đoàn là “thành viên đương nhiên” hội đồng trường
Thảo luận về luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại QH sáng 6.11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (ĐB TP.HCM) góp ý, cần xác định rõ, cơ sở GDĐH công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư và chủ sở hữu phải là người có 4 quyền: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật.
“Nếu không làm rõ điều này thì ĐH như không có chủ, sẽ rất nguy hiểm. Không thể có ĐH vô chủ. ĐH phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình”, ông Nhân nói.
Ông Nhân đề nghị phải xác định rõ ai là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu để quản lý, giám sát các trường. Không làm như vậy sẽ dẫn đến thực hiện quy trình ngược trong việc lựa chọn chủ tịch hội đồng trường và thành viên hội đồng trường. “Hội đồng trường họp để bầu ra chủ tịch hội đồng trường, các thành viên nhưng tất cả những người này về nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu. Như vậy, nếu dự thảo quy định sau khi hội đồng trường bầu xong rồi mới trình cho cơ quan chủ quản là bộ hoặc UBND để duyệt thì tôi nghĩ quy trình hơi ngược”, ông Nhân nêu và đề nghị quy trình và danh sách dự kiến bầu hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường phải được chủ sở hữu đồng ý trước rồi mới tiến hành bầu.
Cùng quan điểm, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong (ĐB tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng, dự thảo chưa quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng trường và đề nghị phải quy định rõ hội đồng trường do cơ quan chủ quản hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định thành lập. Đồng thời cũng tán thành với việc dự thảo quy định đại diện Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là người học của trường là “thành viên đương nhiên” của hội đồng trường. Tuy nhiên, ĐB Lê Quốc Phong đề nghị dự thảo cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ bí thư Đoàn trường ĐH sẽ tham gia vào hội đồng trường. Còn ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đề nghị làm rõ quan hệ giữa hội đồng trường và các thiết chế quyền lực khác trong trường, cụ thể là quan hệ giữa hội đồng trường và Đảng ủy của trường vì đây là vấn đề khiến các cơ sở GDĐH gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai chủ trương thành lập hội đồng trường.
|
Bình luận (0)