Băn khoăn từ một cuộc hội thảo

11/06/2016 15:36 GMT+7

Tuần rồi, tham dự xong một hội thảo chuyên đề do một Thứ trưởng chủ trì, lòng cứ thấy nặng nề. Mấy người bạn bảo: Hội thảo nào chả thế, hơi đâu mà ‘ôm rơm rặm bụng’. Quả là cái ‘mớ rơm’ ấy làm tôi khó chịu quá.

1. Hội thảo làm việc rất đúng giờ, điều đáng mừng hiếm hoi; nhưng tới lúc giải lao thì đại biểu đã vơi hơn phân nửa. Dường như hội thảo nào cũng vậy. Mấy nhà báo nhấp nhổm về trước cười, bảo: “Tham luận đã in và gởi cho đại biểu. Kết luận cũng đã viết sẵn hết rồi. Ngồi lại cũng vậy thôi”. Cũng như các hội thảo khác, kết thúc, ban tổ chức tuyên bố hội thảo đã thành công tốt đẹp. Chưa thấy hội thảo nào thành công chưa tốt đẹp hoặc thất bại. Hội thảo nào cũng “bách chiến bách thắng”.
2. Dù rằng các tham luận đã in và gởi trước nhưng vẫn được đọc từ đầu đến cuối, cứ như sợ có ai đó mù chữ không đọc được. Đại biểu nào cũng chăm chú đọc… báo, chơi game, nhắn tin, chát… Sao không yêu cầu trình bày tham luận chỉ được tóm ý và nêu vấn đề hoặc biện pháp để thảo luận. Dành thời gian cho phần hiến kế và biện pháp thực hiện. Hội thảo nào cũng vậy, rất lãng phí thời gian. Có đại biểu phát biểu cuối cùng, vẫn chúc“hội thảo thành công tốt đẹp” như một công thức khiên cưỡng.
3. Các đại biểu vẫn lễ phép kính thưa… đủ thứ, đến nỗi vị Thứ trưởng chủ trì hội thảo phải đề nghị các phát biểu chỉ cần “kính thưa hội thảo là đủ”. Hội thảo có cả người nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân nhưng mấy đại biểu nhà nước vẫn vô tư xưng hô “các đồng chí” tuốt luột. Có doanh nghiệp gọi lãnh đạo là ngài, có doanh nghiệp gọi là ông… Cần thống nhất xưng hô trong các hội thảo. Danh xưng “đồng chí” chỉ nên sử dụng trong các đoàn thể chính trị, nhưng đang lạm phát khắp nơi. Nên làm như các nước, giới thiệu chức vụ trước tên gọi. Ví dụ “Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong” thay vì “Đồng chí Nguyễn Thành Phong…” hoặc “Đồng chí Chủ tịch…”.
4. Hội thảo bàn chuyện dân sinh, liên quan chủ yếu đến người tiêu dùng nhưng không người dân nào được mời tham dự. Chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tự bàn, tự quyết. Cũng không có những số liệu điều tra xã hội học cần thiết để tham khảo, trước khi quyết định.
Giải quyết bất cứ vấn nạn gì, phải tìm hiểu cái gốc của vấn đề. Muốn xóa cái gì đang tồn tại thì phải có cái thay thế tốt hơn. Mọi giải quyết phải trên cơ sở lợi ích của người dân, không trái ngược với lợi ích nhà nước và doanh nghiệp. Đây phải là mối quan hệ hữu cơ, hình tam giác đều thì mới bền vững…
Muốn đất nước cất cánh phải thay đổi nhiều thứ, trong đó có việc tổ chức các hội thảo, hội nghị. Những thay đổi này không quá khó, không tốn nhiều tiền, thậm chí còn tiết kiệm được nhiều thứ. Nên kiên quyết dọn dẹp mọi cản trở cho nền kinh tế tăng tốc, bằng không, cứ mãi ì ạch và tụt hậu so với bạn bè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.