Cụ thể, với thời hạn làm việc từ 3 tháng trở lên, người nước ngoài sẽ được tự do mua, bán nhà ở tại đặc khu, thời hạn sở hữu vĩnh viễn đối với nhà ở riêng lẻ và biệt thự, sở hữu có thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư. Đặc biệt, Kiên Giang đề nghị cho phép đồng đô la Mỹ (USD) được lưu hành tự do trong đặc khu, cho phép chuyển đổi tự do các đồng tiền khác sang USD... Hoặc cho phép người nước ngoài chơi tại các dự án casino Phú Quốc, sau khi nộp các khoản thuế, được phép mang tiền ra khỏi đặc khu mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước...
Cho đây là đề xuất khá “bình thường”, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành phân tích: “Khi đã chuyển đổi thành một đặc khu, thường các luật lệ trong đặc khu không còn liên quan đến quốc gia đó nữa. Nó có những chính sách đặc biệt riêng và nếu xét về đồng tiền trong một thị trường tự do thì việc dùng đồng tiền nào cũng là bình thường. Và nếu coi Phú Quốc là một đặc khu của VN, như một Hồng Kông của Trung Quốc, phải tách Phú Quốc ra khỏi VN theo cơ chế luật pháp. Như vậy, việc lập luật riêng cho đặc khu mới có tác dụng”. Ông Thành thông tin thêm, năm 1949, lần đầu tiên ông sang Singapore, tại thời điểm đó chính phủ Singapore đang có ý tưởng phát triển kinh tế bằng các đặc khu kinh tế, đã cho sử dụng tự do các loại ngoại tệ trong mua bán nhà.
Đi ngược chủ trương chống đô la hóa
|
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng không đồng ý với đề xuất này và cho rằng không có tác động tích cực để tạo nên một Phú Quốc khác biệt. Ông Doanh nói: “Đề nghị này mang tính hấp dẫn thu hút mời gọi đầu tư mà thôi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đặc khu lại nằm ngoài quy định về chính sách tiền tệ của một quốc gia. Không nên áp dụng nếu so sánh đặc khu kinh tế Phú Quốc với đặc khu Hồng Kông. Vì có một đặc thù là Hồng Kông vốn là thuộc địa của Anh từ 100 năm trước, nó thuộc về di sản. Còn với Phú Quốc, cho phép bán những tài sản bất động sản thuộc sở hữu toàn dân cho người nước ngoài sở hữu vĩnh viễn, sử dụng ngoại tệ để giao dịch sẽ gây nhiều phản ứng tiêu cực hơn là tích cực”.
Nguy cơ đồng VN bị lép vế
Theo các chuyên gia, có một quy luật đồng tiền mạnh sẽ lấn át đồng tiền yếu. “Đặc khu ưu ái cho ngoại tệ tham gia các dự án mua bán lớn, vậy đồng tiền VN chỉ dùng để ăn phở, uống cà phê thôi sao? Rồi vai trò của đồng tiền Việt tại đặc khu như thế nào?”, chuyên gia Lê Đăng Doanh băn khoăn và nhấn mạnh: “Đề nghị này cần hết sức thận trọng, đặc biệt về chính sách tiền tệ quốc gia”.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề: Nhà đầu tư muốn mua bán nhà tại Phú Quốc cũng phải tuân thủ các chính sách về thuế, như vậy sẽ nảy sinh tình huống liệu tiền thuế có tính theo ngoại tệ không. “Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước sẽ không mặn mà với đề xuất này. Hoặc giả nếu được đồng ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có quy định quản lý ngoại hối riêng cho đặc khu. Điều này sẽ tạo tiền lệ rất khó kiểm soát sau này, khi chúng ta phát triển đến ít nhất 3 đặc khu kinh tế”, ông Hiếu nói.
Bình luận (0)