Bận lòng với quỹ phụ huynh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/06/2024 06:05 GMT+7

Kết thúc năm học 2024, dư luận trĩu nặng bởi những ồn ào liên quan đến việc thu - chi của phụ huynh và nhà trường. Mỗi chuyện một lý do khác nhau nhưng đối tượng bị ảnh hưởng nhất vẫn là học sinh.

Vấn đề ban đại diện phụ huynh và quỹ phụ huynh có cần thiết không, nên tồn tại như thế nào lần nữa lại được đặt ra.

Bận lòng với quỹ phụ huynh- Ảnh 1.

BẤT ĐỒNG THU - CHI, NGƯỜI LỚN LÀM TỔN THƯƠNG CON TRẺ

Nếu như đầu năm học dư luận bức xúc về chuyện thu quỹ trong trường học, thì cuối năm học lại căng thẳng với nhau về chuyện chi quỹ khi tổng kết các khoản.

Ồn ào việc phụ huynh học sinh (HS) lớp 1 ở Hải Dương lên mạng "tố" con mình "không được ăn đùi gà" trong liên hoan bế giảng năm học vì mẹ không đóng quỹ lớp chỉ là một câu chuyện điển hình về bất đồng quan điểm trong thu - chi quỹ phụ huynh của mỗi lớp, mỗi trường. Dù dư luận chia rẽ sâu sắc trong câu chuyện này nhưng có một điều không thể tranh cãi: người tổn thương nhất vẫn là đứa trẻ.

Khi câu chuyện này chưa lắng xuống thì lại xảy ra sự việc hiệu trưởng, phụ huynh "đấu khẩu" trong thu - chi xã hội hóa tại lễ tổng kết năm học, ngay trước mặt hàng trăm con trẻ tại Trường mầm non số 1 Quy Đạt, H.Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Bận lòng với quỹ phụ huynh- Ảnh 2.

Bận lòng với quỹ phụ huynh- Ảnh 3.

Những bức xúc về quỹ phụ huynh được cha mẹ học sinh chia sẻ trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Trong clip đăng trên mạng xã hội cho thấy, Hội trưởng phụ huynh Trường mầm non số 1 Quy Đạt khi lên bục phát biểu về lễ tổng kết đã "tố" hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu khuất tất trong xã hội hóa việc mua sắm thiết bị bằng kinh phí từ quỹ hội phụ huynh. Hai bên lời qua tiếng lại căng thẳng, thậm chí giật micro của nhau trước mặt trẻ con…

Buổi lễ tổng kết của trẻ lẽ ra phải thật vui và ấn tượng bỗng trở thành màn đấu khẩu vì chuyện thu - chi của người lớn. Nhiều phụ huynh dẫn con bỏ về để tránh cho trẻ phải chứng kiến cảnh này. Nhiều người xem clip đã rất bất bình. Bởi việc đúng sai của các bên liên quan có thể được nêu ra trong các cuộc họp phụ huynh, hoặc làm đơn gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tố cáo, cãi vã ngay trước mặt các cháu là điều không thể chấp nhận.

Cũng liên quan việc chi cuối năm học vừa qua khiến phụ huynh và HS phiền lòng là câu chuyện ở Trường THCS Phú Lâm (H.Tiên Du, Bắc Ninh). HS đạt danh hiệu HS giỏi được giáo viên (GV) chủ nhiệm cho ký nhận 100.000 đồng tiền thưởng, nhưng thực chất HS không nhận được số tiền này mà chỉ nhận giấy khen và vở viết. Khi các cháu hỏi thì cô nói cho ký nhận tiền chỉ là hình thức, tiền này sẽ dành để tặng các bạn HS đạt học giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Khi phụ huynh phản ứng, hiệu trưởng nhà trường giải thích: "Nhà trường thống nhất không thưởng tiền cho các con nên để dành tiền đó mua vở viết khen thưởng cho các con".

Số tiền không lớn nhưng cách hành xử của nhà trường khiến phụ huynh và trước hết là HS thấy ấm ức, kể cả khi hiệu trưởng đã giải thích như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không ai thắc mắc thì làm sao biết số tiền này sẽ mua quà tặng là vở cho HS, tại sao không công bố trước? Không ai quan tâm đến việc HS sẽ nghĩ gì khi ký nhận tiền mà không thấy tiền đâu hay sao?...

NHỮNG KHOẢN CHI GÂY "SANG CHẤN TÂM LÝ"

Một phụ huynh có con học lớp 1 của một trường tư thục ở Hà Nội dùng từ "sang chấn tâm lý" khi cho biết lớp con chị thu quỹ lớp 3 triệu đồng/HS/năm, với dự kiến là chi 90 triệu đồng nhưng cuối năm học này tổng kết thì thực tế chi đã lên tới hơn 120 triệu đồng. Do vậy, phụ huynh phải đóng thêm mỗi người 1 triệu đồng...

Bận lòng với quỹ phụ huynh- Ảnh 4.

Phụ huynh và giáo viên to tiếng tranh cãi nhau về quỹ phụ huynh

CẮT TỪ CLIP

Còn ở một trường tiểu học công lập tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 3 cho hay đi họp phụ huynh cuối năm học về mà cứ tâm tư mãi về những khoản chi từ quỹ phụ huynh, chủ yếu là dành để chi cho thầy cô và nhà trường, toàn những khoản mà quy định rõ là không được phép chi. Quỹ thì phụ huynh đóng, mang danh nghĩa là của phụ huynh nhưng phần lớn lại do GV chủ nhiệm chi, nhiều khoản rất tốn kém. Thậm chí, ngày 8.3 chi mua hoa, quà cho GV nữ nhưng vì GV dạy thể dục là nam nên dùng quỹ để chi quà cho… vợ thầy để đảm bảo "công bằng" GV nào cũng có quà. "Tôi có cảm giác là quỹ đang chi lấy được, thu lấy được chứ không phải thực sự cần chi thì mới thu", vị phụ huynh chia sẻ.

Trên các nhóm mạng xã hội dành cho phụ huynh Hà Nội những ngày gần đây cũng nhiều lời phàn nàn về việc tổng kết chi quỹ lớp. "Ban phụ huynh lớp em chi tiêu không bao giờ thông báo hay hỏi ý kiến phụ huynh khác, chỉ khi hết tiền mới lên nói là âm tiền cần đóng thêm. Cả năm các con chỉ nhận được mấy món nhỏ như cờ và hoa khai giảng, chiếc giỏ nhựa, lì xì tết 20.000 đồng, sinh nhật 3 quyển vở… Vậy mà lớp 45 HS chi 72 triệu đồng tiền quỹ vẫn bị âm đấy ạ", một phụ huynh viết.

Phụ huynh khác chia sẻ: "Lớp con mình có 38 HS. Ban phụ huynh đầu năm thu quỹ lớp 800.000 đồng/HS/học kỳ, chi tiêu tự quyết, đến giữa năm họp phụ huynh thì đứng lên đọc bảng quyết toán thu - chi như "một tờ sớ" rồi chỉ đọng lại trong đầu phụ huynh kết luận cuối cùng là con số âm. Trong đó có khoản khiến mình "hết hồn" là mâm cỗ Trung thu gần 7 triệu đồng, chưa kể còn rất nhiều "hạng mục mập mờ" khác"…

Đầu năm học 2023 - 2024, dư luận xôn xao về bảng thu chi quỹ lớp của một lớp 1 Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lên đến hơn 300 triệu đồng, mỗi phụ huynh HS của lớp này đóng 10 triệu đồng… Trước việc này, Giám đốc Sở GD-Đ TP đã phải yêu cầu tất cả các khoản thu của trường đều phải được thực hiện thu trên hệ thống và không có khái niệm "quỹ lớp, quỹ trường".

Tại sao năm nào cũng có ấm ức về quỹ phụ huynh ?

Lạm thu, thu sai, chi sai, thu của phụ huynh để chi cho việc biếu xén, lễ tết cán bộ, GV trong nhà trường nhưng dưới danh nghĩa một nhóm phụ huynh cũng là một dạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong giáo dục.

Có một hiện tượng khá phổ biến là việc thu - chi chỉ dựa vào một nhóm phụ huynh mà không nhìn vào số đông, vào mặt bằng chung để đưa ra những quyết định phù hợp, dẫn tới năm nào cũng có khiếu kiện, ấm ức. Câu hỏi là tại sao hàng chục năm qua năm nào chuyện này cũng lặp lại như vậy? Cơ quan quản lý từ bộ đến sở khi nào hỏi đến cũng nói có đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rồi. Vấn đề là văn bản ấy có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không, những cơ sở giáo dục làm sai so với quy định có bị xử lý nghiêm đủ sức răn đe hay không thì không được quan tâm đúng mức.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông

Quỹ phụ huynh ở các nước hoạt động ra sao ?

Các quốc gia trên thế giới có Hội phụ huynh nhưng có tên gọi khác nhau như Hội phụ huynh HS hay Hội phụ huynh - giáo viên (PTA).

PTA của mỗi quốc gia có cách thức hoạt động khác nhau, nhưng nhìn chung là phụ huynh cùng đóng góp tiền giúp nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, hỗ trợ tổ chức các hoạt động cho HS…

Một số quốc gia ở châu Á như Ấn Độ từ năm 2007 đã ban hành quy định về mức thu tối đa của PTA trong một năm học, áp dụng trên toàn quốc sau những vụ lạm thu. Ngoài những khoản thu do chính phủ quy định, phụ huynh không phải đóng góp thêm bất kỳ khoản nào khác cho PTA. Tuy nhiên, theo tờ The New Indian Express, trên thực tế, các trường vẫn "lách luật" bằng cách thu tiền dưới danh nghĩa quỹ đóng góp tự nguyện nhằm phát triển trường lớp thông qua PTA.

Còn tại một số quốc gia như Mỹ và Anh, phụ huynh thường quyên góp tiền cho trường thông qua PTA, theo tờ The Guardian (Anh). PTA có cấp quốc gia và địa phương. Ban giám hiệu nhà trường không can dự vào những hoạt động gây quỹ của PTA. Các trường công lập gặp khó khăn tài chính có thể kêu gọi hiệp hội phụ huynh hỗ trợ, chứ không bắt ép hay thu tiền cào bằng.

PTA do chính phụ huynh điều hành, thường chỉ lấy ý kiến của nhà trường để xem trường còn thiếu kinh phí tổ chức hoạt động hay thiếu thiết bị dạy học, sách vở cần thiết…; rồi từ đó tổ chức những hoạt động gây quỹ. 

Phúc Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.