Bán ngoại tệ cho ngân hàng, khi cần mua có được ưu tiên?

21/03/2016 09:00 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân có ngoại tệ bán lại cho ngân hàng, nhưng nhiều người đặt vấn đề khi họ cần mua lại liệu có được ưu tiên?

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân có ngoại tệ bán lại cho ngân hàng, nhưng nhiều người đặt vấn đề khi họ cần mua lại liệu có được ưu tiên?

Người dân có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ như đi du lịch, thăm người thân... đều có thể mua tại ngân hàng - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNgười dân có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ như đi du lịch, thăm người thân... đều có thể mua tại ngân hàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chị Hà Trang (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) phản ánh khi bán ngoại tệ cho ngân hàng (NH), có nơi cấp cho chị một bảng kê chi tiết số ngoại tệ, loại mệnh giá, tỷ giá mua/bán... có đóng dấu chứng thực của NH. Tuy nhiên, không phải NH nào cũng cấp bảng kê này cho người bán.
“Có nơi tôi đến bán, nhân viên chỉ ghi nháp, lấy máy tính ra nhân tỷ giá rồi thông báo cho khách biết số tiền, đồng ý thì bán. Không có giấy tờ chứng thực gì”, chị Trang cho biết và đặt câu hỏi: “Việc cấp bảng kê này có liên quan gì đến việc mua ngoại tệ trong tương lai? Giả sử tôi mang bảng kê đến đúng NH đã cấp để xin mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp, như đi du lịch, thăm thân nhân, chữa bệnh... thì có được ưu tiên hơn về thủ tục hay hạn mức?”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, NH thương mại không phân biệt người dân bán hay không bán ngoại tệ cho NH để ưu tiên mua ngoại tệ trong tương lai. Khi người dân phát sinh nhu cầu chính đáng, theo đúng quy định nhà nước, thì đều được mua ngoại tệ tại NH.
Cụ thể, cá nhân được mua ngoại tệ để chi tiêu cho bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha/mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài có liên quan đến mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng... Để mua được ngoại tệ, người mua cần cung cấp một số giấy tờ chứng minh các chi phí phát sinh, chẳng hạn như đi học thì có giấy báo của nhà trường về học phí và sinh hoạt phí, đi chữa bệnh thì có giấy báo chi phí từ phía bệnh viện nước ngoài...
Theo quy định hiện hành, cá nhân được mua ngoại tệ là đồng tiền của nước nơi công dân VN đến. Trường hợp không có đồng tiền của nước đến, tổ chức tín dụng được phép bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác. Hạn mức ngoại tệ mặt được mua từ 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng với trẻ em có hộ chiếu chung hộ chiếu cha/mẹ. Căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, NH có thể bán vượt mức quy định trên để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.