Chồng qua đời vì Covid-19, chị Bùi Thị Cẩm Tú (41 tuổi, ngụ P.2, Q.4, TP.HCM) và hai con cũng từng bị nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Từ trong mất mát, chị tự vực dậy bằng những hoạt động thiện nguyện, thậm chí chị đã bán chiếc nhẫn kim cương của mình để giúp các bệnh nhân.
Trong cao điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra khốc liệt tại TP.HCM (từ tháng 7 - 9.2021), chị Bùi Thị Cẩm Tú đã không quản ngại khó khăn đến tận nơi cách ly của nhiều F0 để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc thang... Cho đến nay, chị vẫn thường xuyên giúp đỡ những F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Xuống tóc sau 30 cuộc gọi không hồi âm
Trong lúc đi cứu trợ cho những người dân tại TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị Tú nhận tin chồng con ở nhà bị bệnh nên đã thu xếp về với gia đình. Chị Tú cho biết kết quả test nhanh Covid-19 vào ngày 23.7.2021 cho thấy các thành viên trong nhà (trừ chị) đều dương tính.
Chị Cẩm Tú tặng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho người dân ở đường Bùi Minh Trực, P.6, Q.8, TP.HCM |
Như Lịch |
Buổi chiều cùng ngày, chồng chị Tú trở bệnh nặng, khó thở và được chuyển vào điều trị tại một bệnh viện ở Q.4 (TP.HCM). Thời điểm đó, hai con của chị (đứa 9 tuổi, đứa 12 tuổi) ở nhà cũng là F0, đang sốt cao. Chị Tú vừa trực tiếp chăm sóc hai con, vừa lo tiếp tế cho chồng. Vài hôm sau, chị cũng mắc Covid-19.
Theo chị Tú, ngày 27.7.2021, mẹ chồng chị đã qua đời vì Covid-19. Đêm hôm đó, chồng chị gọi điện bảo: “Anh không qua khỏi được đâu”. Chị Tú trấn an chồng, giấu việc mẹ anh vừa mất: “Anh còn khỏe, còn trẻ. Má anh đã khỏe về nhà rồi, chị giúp việc cũng khỏe về rồi, còn có mình anh thôi. Anh ở đó mấy ngày nữa khỏe là về liền”. Chồng chị than: “Ở trong đây bệnh nhân chết nhiều lắm...”. Chị Tú an ủi: “Tại người ta có bệnh nền, còn anh không sao đâu”. Chồng chị cúp máy.
Khoảng 10 phút sau, giật mình nhớ lại câu nói như điềm gở của chồng, chị Tú gọi điện liên tục cho anh khoảng 30 cuộc nhưng không ai nghe máy. Linh cảm chồng đang nguy kịch, chị Tú quỳ trước bàn thờ Phật trong nhà xin phát nguyện xuống tóc, cầu cho anh vượt qua kiếp nạn. Tuy nhiên, hôm sau (ngày 28.7.2021), chồng chị đã tử vong vì Covid-19 trên đường chuyển viện.
Chịu nhiều cú sốc lớn, bản thân lại cũng nhiễm Covid-19, có lúc chị Tú như ở lằn ranh sinh tử với chỉ số ô xy máu (SpO2) xuống thấp. Trong khi đó, con lớn của chị cũng có triệu chứng nặng, ho liên tục. Khi đã đi qua những ngày bão tố, chị Tú rùng mình nhớ lại: “Lúc đó cơ thể tôi rất yếu, nhưng nghĩ trong đầu là chồng mình vừa mới chết, hai đứa con đang bệnh, nếu bây giờ mình gục ngã, chết đi thì ai nuôi con? Con mồ côi cha rồi, không thể mồ côi mẹ nữa”.
Trong đầu luôn thôi thúc hai chữ “phải sống”, chị Tú dặn mình phải ráng ăn uống dù bị mất khứu giác vị giác, đau rát họng. Đi đứng không vững, thậm chí té lên té xuống, chị cũng cố “lết” xuống bếp nấu đồ xông và những thức uống giúp gia tăng sức đề kháng. Mặt khác, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của bác sĩ, mẹ con chị có được một số thuốc điều trị Covid-19 phù hợp... Sau khi kiên cường chống chọi bạo bệnh, cộng với tận dụng mọi điều kiện đang có, mẹ con chị Tú đã vượt qua nguy nan.
Bán nhẫn kim cương giúp đỡ F0
Hậu Covid-19, chị Tú vẫn bị mất khứu giác, cơ thể mệt mỏi kéo dài. Tuy vậy, chị quyết nối lại các hoạt động giúp những người khó khăn trong đại dịch.
Trước đó, vào đầu tháng 5.2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại TP.HCM, chị Tú tham gia phát hàng cứu trợ cho những xóm trọ nghèo ở đường Nguyễn Trãi (Q.5).
Chị Bùi Thị Cẩm Tú hỗ trợ thực phẩm cho người dân khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM hồi giữa năm 2021 |
NVCC |
Dịch bệnh lan rộng, chị Tú càng bận rộn với việc phân phối, tặng quà cho người dân trong những khu trọ, khu cách ly tại TP.HCM. Không chỉ gạo, chị còn mua hàng chục tấn rau củ quả để cứu trợ. Biết chị Tú làm việc thiện, một số người bạn và nhà hảo tâm tự nguyện chung sức. Chị Tú cho hay: “Từ cuối tháng 5.2021 trở đi, tôi làm ngày làm đêm cùng với những tình nguyện viên để kịp đưa quà đến bà con nghèo. Nơi nào cần là tôi đến, kể cả những địa bàn xa hoặc có nhiều chốt chặn”.
Sau biến cố gia đình, thương những bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong tình trạng giãn cách xã hội tại TP.HCM, chị Tú tiếp tục lao vào công việc thiện nguyện từ giữa tháng 8.2021. Đó là khi dịch bệnh diễn ra khốc liệt, như nhìn nhận của nhiều người rằng “ai dính Covid-19 trong giai đoạn đó là cứ tưởng bị án tử tới nơi”. Chị Tú dốc tiền túi mua hàng chục ngàn phần thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tặng cho những F0 điều trị tại nhà, mượn máy tạo ô xy cho bệnh nhân cần liệu pháp trợ thở. Ngoài khu vực TP.HCM, chị Tú còn gửi tặng 200 phần thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho các F0, 200 phần thuốc ho, hạ sốt cho trẻ em ở tỉnh An Giang...
Được biết, chị Tú có nhiều năm làm trong ngành xây dựng. Sau này, chị chuyển sang lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và học y sĩ y học cổ truyền chuyên về châm cứu bấm huyệt. Chị Tú chia sẻ: “Tôi lấy hết tiền dành dụm sau nhiều năm đi làm để mua thuốc, lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Số tiền mua thuốc dần trở nên quá lớn, mấy người bạn tôi đóng góp nhưng cũng không đủ. Do đó, tôi quyết định bán chiếc nhẫn kim cương của mình được hơn 160 triệu đồng để giúp những F0 khốn khó”. Theo chị Tú, chiếc nhẫn đó chị rất yêu thích. Dù vậy, chị không hề hối tiếc vì cho rằng của cải có thể sắm lại được, còn thấy người ta trong cơn ngặt nghèo mà không giúp mới là điều ray rứt đối với chị.
Là một trong những “cựu F0” từng được nhận hỗ trợ từ chị Tú, chị Nguyễn Thị Liên (ngụ P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay vào đầu tháng 9.2021, cả nhà chị bị nhiễm Covid-19. Khi đó, nhà chị đã cạn kiệt thực phẩm, thiếu sữa cho con uống, thuốc men ít ỏi, khu vực đang ở lúc đó là vùng đỏ... Dù không quen biết chị Liên, nhưng khi hay tin, chị Tú đã tận tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của một cựu F0 và đến tận nơi trao những gói thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vận chuyển giúp sữa và gạo (do bạn chị Liên gửi tặng)... Đặc biệt, khuya 10.9.2021, chồng chị Liên đột ngột trở bệnh nặng, chị Tú gấp rút xin được xe cứu thương của một nhóm từ thiện để đưa anh đến Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cấp cứu kịp thời.
Tai qua nạn khỏi, nhiều cựu F0 gần xa gọi điện cảm ơn chị Tú. Trong đó, nữ sinh viên Ngọc Mai (quê Đắk Lắk, ở trọ đường Tùng Thiện Vương, Q.8, TP.HCM) còn tặng chị Tú 3 kg cà phê, kèm lời nhắn: “Đây là món quà quê gia đình em gửi tặng chị, ân nhân của nhà em. Chị mà không nhận, ba mẹ em buồn lắm”...
Chị Tú tâm niệm cuộc đời luôn có nhiều biến cố, nên chị cố gắng sống tốt và chuẩn bị tâm lý đón nhận bất cứ điều gì xảy ra. (còn tiếp)
Tặng quà cho “những phụ nữ không có 8.3”
Đã thành thông lệ, hằng năm vào đêm 8.3 chị Tú hay mua gạo, mì gói, sữa kèm ít tiền mặt mang tặng những phụ nữ vô gia cư, lượm ve chai, bán vé số, bán hàng rong... Chị Tú thổ lộ: “Tôi chưa bao giờ nhận được quà 8.3, nên tôi nghĩ sẽ có những người phụ nữ giống mình, họ cũng rất buồn. Vì ngày đó là dành cho phụ nữ, ai cũng muốn được nhận những món quà. Tôi tặng quà cùng lời chúc “8.3 vui vẻ nha”, nhiều người tỏ ra bất ngờ và vui lắm!”.
Bình luận (0)