Tôi cứ băn khoăn mãi về những đôi mắt đỏ hoe ở Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (Q.7, TP.HCM), khi tôi gặp ê kíp bác sĩ và một người bệnh Covid-19 vừa thoát chết đầy kỳ tích sau 85 ngày nằm thở ECMO trong phòng ICU. Những đôi mắt ấy đỏ hoe vì điều gì?
Vì những đêm không ngủ để chiến đấu giành lại sự sống mong manh giữa ranh giới sinh tử? Hay bởi những đôi mắt đỏ hoe rưng rưng vì sắp được đoàn tụ cùng gia đình, khi đã vượt qua được thời khắc nguy nan nhất một đời người?
Hành trình vượt cửa tử Covid-19 của bệnh nhân nặng 140 kg: ‘Em muốn ra viện, về nhà ôm con’ |
Trong phòng hồi sức tích cực (ICU), Vũ Quang Dũng, 28 tuổi với đôi mắt đỏ hoe, nói bằng giọng ngắt quãng giữa cơn thở khó nhưng rõ ràng, dứt khoát rằng anh sắp được về nhà đoàn tụ sau gần 100 ngày đối diện với cửa tử. Dũng cố gắng nhấc hai cánh tay lên xuống theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, như cách mà anh chàng nặng 140 kg vừa vượt qua 84 ngày thở ECMO ở Bệnh viện (BV) dã chiến 3 tầng số 16 vì Covid-19.
Gia đình Dũng đang từng ngày mong con về đoàn tụ |
LÊ VÂN |
100 ngày trở về từ cửa tử
Chiều mùng 6 tết, trong ngôi nhà ấm cúng ở một con hẻm trên đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM, gia đình của Phương Uyên (vợ Dũng) đang chuẩn bị để đón con rể về ăn tết muộn. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, mẹ vợ Dũng, sụt sùi mừng tủi kể: “Bố mẹ đẻ Dũng chỉ có mỗi nó là con trai, nhà vợ rất ưng cậu rể, bà cố của Uyên còn cưng Dũng hơn cả cháu gái. Con gái Khánh An của Dũng thì chưa tới 3 tháng tuổi… Gần 100 ngày qua là những ngày mà chúng tôi phập phồng theo từng hồi chuông điện thoại gọi đến báo tin con mình”.
Khoảng đầu tháng 11.2021, khi TP.HCM bắt đầu trở lại nhịp sống sau giãn cách thì Dũng mắc Covid-19. Sau 3 ngày theo dõi điều trị tại nhà, chiều ngày 10.11, chỉ số SpO2 của Dũng đột ngột giảm xuống chỉ còn 85 kèm theo ho nhiều và khó thở nặng. Dũng phải vào BV Nhân dân Gia Định cấp cứu. Ông Vũ Quang Trung, bố vợ Dũng vẫn còn xúc động kể lại: “Sáng, bố của bé Khánh An vào BV Gia Định, chiều thì hai mẹ con cũng phải vào BV Nhi đồng TP cấp cứu do mắc Covid-19. Bé ở viện 2 tuần, sốt 5 ngày, không chịu ăn, bác sĩ phải truyền nước liên tục. Phương Uyên, vợ Dũng sau đó cũng mắc Covid-19 do chăm con nhưng may mắn chỉ 3 ngày là âm tính. Cả nhà lúc đó chỉ trông chờ tin tức từ các BV báo về. Mỗi hồi chuông điện thoại kêu là mỗi lần tim tôi nhói lại…”.
Nhưng tình trạng của Dũng là nguy hiểm nhất. Sáng Dũng nhập viện còn tỉnh táo, tự lên xe công an chở đi cho kịp thời. Tới 2 giờ sáng 11.11.2021, BV báo về gia đình, Dũng phải đặt nội khí quản. 10 giờ sáng, các bác sĩ tiếp tục thông báo gia đình chuẩn bị tâm lý vì Dũng nặng quá rồi, phải can thiệp ECMO, sợ không qua khỏi.
Ngày 28 tết (30.1), sau hơn 84 ngày Dũng nhập viện là lần đầu anh được nói chuyện với vợ khoảng 10 phút trong ngắt quãng. Trước đó, gia đình chỉ được một tình nguyện viên trong BV gọi báo tình hình mỗi ngày. “Lúc em nhập viện BV Nhi đồng TP, chồng còn gọi video call, bảo ráng ở nhà lo cho con. Tới hôm sau là không gọi được, mẹ nói bác sĩ đưa điện thoại về nhà rồi nên không gọi được, mẹ vẫn giấu không dám nói, sợ hai mẹ con em đang nằm viện lại thêm lo lắng”, Phương Uyên kể. “25 năm ở Sài Gòn, sau biến cố ba mẹ ruột mất thì đây là biến cố đau lòng nhất của tôi. Sự mong manh trước cửa tử của con khiến cả nhà chỉ biết khóc. Hai ông sui nói chuyện qua điện thoại cũng khóc. Còn Uyên thì tối nào nhìn con cũng khóc…”, bà Cúc xúc động nhớ lại.
Hành trình gần 100 ngày của Dũng và gia đình được bà Cúc đúc kết lại: “Chúng tôi đã trải qua rất nhiều cảm xúc lên xuống theo sức khỏe của con mình. Chỉ khoảng một tháng trở lại đây, trước Tết Nguyên đán 2022 thì cả nhà mới ổn định tinh thần hơn, đỡ phập phồng. Từ 23 tết, được báo tin Dũng đã phục hồi từng ngày, đang tập thở là thấy mừng lắm rồi”.
Dũng và ê kíp bác sĩ trong những ngày chiến đấu giành lại sự sống |
Điều kỳ diệu sau cánh cửa phòng ICU
“Mỗi bệnh nhân là một người thầy! Covid-19 là điều chưa từng trải qua với nhiều nhân viên y tế như mình. Chính trong những ngày chiến đấu với dịch, mình không chỉ giúp đỡ được bệnh nhân mà còn nhận được từ họ những bài học lớn. Như ở Dũng là nghị lực sống, ý chí kiên cường không hề bỏ cuộc dù có lúc sinh mạng mong manh nhất”, bác sĩ Nguyễn Quang Khải, Trưởng khoa Vật lý trị liệu thổ lộ. Trải qua 90 ngày chiến đấu sinh tử với Covid-19 cùng Dũng, bác sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng khoa Dược lâm sàng nhớ lại: “Có thời điểm bệnh nhân phải sử dụng phối hợp cuối cùng nhiều loại kháng sinh mạnh và cùng lúc nhưng may mắn là bệnh nhân không trải qua đợt suy thận cấp nào, có một thời gian ngắn phải điều trị men gan cao nhưng sau đó đã ổn định”.
Tuần đầu Dũng nhập viện, các bác sĩ điều trị cho Dũng luôn trong trạng thái căng thẳng. Hội chẩn, TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc BV dã chiến 3 tầng số 16 đồng ý can thiệp ECMO cho Dũng - ca đầu tiên từ khi ông tiếp quản cơ sở của BV dã chiến Bạch Mai. Bác sĩ Hải nhấn mạnh với ê kíp trực tiếp điều trị: “Bệnh nhân 140 kg, BMI (chỉ số khối cơ thể) 48, trường hợp rất khó khi can thiệp ECMO, sẽ phải đối đầu với nhiều biến chứng. Nhưng chúng ta sẽ không bỏ cuộc khi còn cơ hội cứu sống bệnh nhân”.
Bác sĩ Giang Minh Nhật cũng nhớ lại khoảnh khắc sinh tử của ê kíp: “Can thiệp ECMO cần phải đặt kim qua chân, cổ bệnh nhân. Do bệnh nhân quá to lớn nên phải cần đến 8 bác sĩ chuyên khoa ICU của nhiều BV để thực hiện ECMO. Thêm vào đó, do lớp mỡ, da rất dày nên suốt 3 giờ các bác sĩ mới can thiệp xong ECMO. Sau khi can thiệp, bệnh vẫn nặng vì bệnh nhân bị “bão cytokine”. Chúng tôi lọc máu liên tục suốt 4 ngày mới tạm ổn nhưng phổi vẫn xấu - trắng xóa hai bên, can thiệp ECMO hoàn toàn nhưng ô xy hóa máu vẫn rất tệ”.
Theo WHO, bệnh nhân Covid-19 có BMI cấp độ 3 trở lên khả năng tử vong lên tới 80 - 90%. BMI từ 40 trở lên khi can thiệp ECMO nguy cơ biến chứng lớn vì nhiễm trùng cơ hội, bội nhiễm, sức đề kháng yếu, “bão cytokine” nặng hơn người bình thường. Trong khi đó, BMI của Dũng là 48, cao nhất trong số các bệnh nhân béo phì trước nay BV dã chiến 3 tầng số 16 từng điều trị.
Hiện tại, Dũng mới được rút nội khí quản 14 ngày. Anh nói còn hơi yếu, nhưng rõ ràng, dứt khoát trong đôi mắt đỏ hoe vì xúc động: “Tôi mong được về nhà, cảm ơn các bác sĩ thật nhiều. Được sống là điều kỳ tích nhất mà tôi từng có trước tới nay”. Tuy đã âm tính nhưng Dũng bị tăng viêm, nhiễm trùng đa kháng, do nằm ICU kéo dài cần tiếp tục điều trị phục hồi. Với ê kíp bác sĩ thì ca của Dũng là một kỳ tích bởi những ca can thiệp ECMO trước đây chỉ kéo dài 50 - 60 ngày. Còn Dũng chạy ECMO tới 84 ngày.
Đó cũng là 84 ngày đầy cảm xúc buồn, vui, lo lắng và hạnh phúc của các bác sĩ về sự hồi phục dần của bệnh nhân. Ngày 23.1, Dũng đã có thể rút nội khí quản, anh cai ECMO đúng vào mùng 2 tết. “Dường như mọi thất vọng, mọi nỗi buồn qua hết. Bệnh nhân có nghị lực rất lớn, hồi phục thấy rõ từng ngày nằm. Đó là lì xì tết lớn nhất năm nay cho ê kíp bác sĩ chúng tôi”, bác sĩ Nhật xúc động nói.
Dường như tết bây giờ mới ghé nhà của Dũng, ở nhà mọi người đều đang đợi anh về để thực hiện thật nhiều điều anh nhắn gửi từ trong BV: “Tôi muốn được ẵm con gái Khánh An, muốn được chụp hình cùng con gái và vợ. Muốn được đi Đà Lạt đón tết muộn cùng gia đình và chụp lại ảnh cưới…”.
Bình luận (0)