Thông tin này được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ tháng 4.2024 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 3.5.
Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 dự kiến diễn ra từ ngày 31.5 - 9.6. So với lần 1, quy mô và thời gian diễn ra hoạt động đều tăng. Sở Du lịch đang triển khai kế hoạch chi tiết đến 30 đơn vị phối hợp.
Nêu một số điểm mới, bà Hoa cho hay, sau lễ khai mạc sẽ có màn bắn pháo hoa. Hiện Sở Du lịch đã có văn bản trình UBND TP.HCM xin chủ trương bắn pháo hoa tại 3 điểm tầm thấp và bắn hỏa thuật trên tàu lữ hành. Sau khi UBND TP.HCM chấp thuận, Sở VH-TT sẽ lấy ý kiến của Bộ VH-TT-DL để thực hiện. "Đây là nội dung mới so với lễ hội sông nước lần thứ nhất", bà Hoa nói.
Đối với hoạt động trình diễn mô tô nước, bà Hoa thông tin, Sở Du lịch đang phối hợp Công ty CP Bình Định F1 mời các vận động viên quốc tế về tham gia trình diễn.
Về tình hình du lịch 4 tháng đầu năm, bà Hoa cho biết, lượng khách quốc tế đến TP.HCM tiếp tục gia tăng, đạt 1,8 triệu lượt, tăng 32% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng khách nội địa giảm.
TP.HCM mở rộng quy mô, thời gian cho Lễ hội sông nước lần 2 năm 2024
Theo bà Hoa, đã xây dựng đề án phát triển trở lại sản phẩm ngắm TP.HCM từ trên cao bằng trực thăng. Đề án này đang lấy ý kiến của Cục Tác chiến (thuộc Bộ Quốc phòng) trước khi tham mưu UBND TP.HCM. Trong tháng 5, ngành du lịch cũng sẽ tập trung xúc tiến thị trường ở nước ngoài (Úc, Đức, Nhật Bản) để chuẩn bị cho mùa cao điểm.
Đánh giá chung về kinh tế 4 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhận định kinh tế phục hồi nhưng chưa có cú hích đủ mạnh. Tính chung 4 tháng, tổng thu ngân sách TP.HCM ước thực hiện 183.444 tỉ đồng, đạt 38% dự toán và tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tăng 5,1% nhưng nếu tính chung các năm sau dịch Covid-19 thì trung bình hằng năm chỉ tăng 2,4% trong khi bình quân cả nước là 6%. Các đơn hàng ngành sản xuất công nghiệp quay trở lại nhưng thời gian đơn hàng ngắn, giá không tăng, biên lợi nhuận không tạo được động lực cho doanh nghiệp.
Tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm tăng 14,2% nhưng ông Hoàng cho biết xét về quy mô thì chỉ tương đương tháng 4.2022. Hiện sức mua đang thấp nên cần giải pháp kích cầu tiêu dùng hơn nữa.
Về đầu tư công, số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho thấy tính đến ngày 26.4, tổng vốn đã giải ngân là 5.969 tỉ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao. Dù con số giải ngân tuyệt đối bằng 3 lần năm ngoái nhưng so với kế hoạch đề ra chưa đạt.
Tương tự, chi ngân sách 4 tháng cũng ở mức thấp nhất từ năm 2022 trở lại đây. Trong đó, chi thường xuyên giảm 13,3% ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 2. Ông Hoàng cho rằng, cần có giải pháp để tăng chi thường xuyên từ khu vực nhà nước.
Bình luận (0)