Bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân

13/02/2012 09:17 GMT+7

(TNO) Tết Nguyên đán phát xuất từ Trung Hoa, ảnh hưởng đến các nước Á Đông, song mỗi nước có bản sắc riêng. Ở nước ta, từ lâu đã hình thành bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân. Để lễ hội càng ngày càng thể hiện tính văn hóa cao đẹp, phải dứt khoát loại bỏ tình trạng “buôn thần bán thánh”...

(TNO) Tết Nguyên đán phát xuất từ Trung Hoa, ảnh hưởng đến các nước Á Đông, song mỗi nước có bản sắc riêng. Ở nước ta, từ lâu đã hình thành bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân. Để lễ hội càng ngày càng thể hiện tính văn hóa cao đẹp, phải dứt khoát loại bỏ tình trạng “buôn thần bán thánh”...

Một trong những sự khác biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc là tính cộng đồng qua đình làng và lễ hội làng trong dịp tết cũng như trong suốt mùa xuân.

Đình làng với sân đình, ao đình, giếng đình là nơi đã diễn ra hội làng mùa xuân mang bản sắc Việt.

Với tinh thần thượng võ, trong hội làng luôn có trò chơi hay hội thi như kéo co, đẩy cây, cây đu, tập trận cờ lau, leo cột, bắt vịt, cướp bóng, ném chài, đua thuyền... Đặc biệt có hội vật làng Mai Động (Hà Nội); cướp phết, hất phết Hiền Quang; cướp còn Bạch Hạc (Phú Thọ); hội chạy cờ làng Triều Phúc, Thanh Trì; chạy thẻ, kéo nước làng Đồng Nhân (Hà Nội)…

Với đời sống tâm linh, các đền, đình tổ chức hát chầu văn Bắc đến Huế - một loại nhạc rất độc đáo, một loại hát thơ lục bát rất Việt Nam. Loại nhạc này đi vào vũ trụ, tiết tấu nhanh mạnh, kích động song không gây cuồng loạn mà lại có khả năng chữa bệnh, giải thoát những ức chế tâm lý của con người.

Khắp nơi nhất là ở các tỉnh phía Bắc tổ chức nhiều lễ hội mùa xuân, khởi đầu tết kéo dài cả mùa xuân, nhất là tháng giêng (tháng ăn chơi), lúc chuyện đồng áng đã xong.


Hát quan họ Bắc Ninh trong một lễ hội - Ảnh: Vương Anh

Người người đua nhau đi trẩy hội. Lễ hội gồm phần lễ rước kiệu cúng tế và phần hội vui chơi. Chính lễ hội là dịp trai thanh nữ tú gặp gỡ trao duyên, vượt khỏi lễ giáo khắt khe của Nho giáo “nam nữ thụ thụ bất thân”.

Cũng chính lễ hội thể hiện tính thuần Việt nhất như hát quan họ. Có nơi như ở Thị Cầu hát ngay trước sân chùa vốn tối kỵ sử dụng nhạc bình thường chứ đứng nói đến loại  nhạc tình, giao duyên nam nữ. Như thế mới là chuyện lạ ở Việt Nam!.

Với tình yêu thơ ca, từ đình, hội làng ở đình đã sản sinh ra hát xoan cửa đình ở Phú Thọ hay hát cửa đình, múa bài bông của ca trù hay hát bài chòi ở xứ Quảng…

Bản sắc Việt còn thể hiện tính hòa đồng, tam giáo đồng nguyên, nên ngoài đình còn có điện (thờ thần) và chùa (thờ Phật) là những nơi diễn ra những lễ hội mùa xuân.

Giữa tháng giêng là thời điểm khởi đầu những lễ hội lớn cho làng, cho một khu vực hay cả nước.

Lễ hội lớn cho cả 49 làng quan họ ở Bắc Ninh (mà tiêu biểu là Hội Lim ở đình làng Lim) thể hiện cao tính bản sắc Việt với 200 làn điệu ca quan họ...

Cũng đầu mùa xuân là lễ hội Bà chúa xứ ở miền Nam, lễ hội Tây Sơn, lễ hội cầu ngư, đua thuyền  ở miền Trung đến lễ hội ở miền Bắc như chùa Phật Tích, chùa Yên Tử, chùa Hương...

Với tất cả di sản, vốn quý như vậy, mọi người phải có trách nhiệm làm cho lễ hội càng ngày càng thể hiện tính văn hóa cao đẹp, dứt khoát loại bỏ tình trạng “buôn thần bán thánh” dường như đang hoành hành một cách thô bạo chưa từng có.

Các lễ hội, văn hóa dân gian, văn hóa làng phát triển, chính là thành trì bảo vệ bản sắc Việt và sự độc lập cũng như sự trường tồn Việt Nam.

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)

>> Tìm bản sắc trong sự hỗn tạp
>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.