Theo SCMP, công ty Inke đã rút Duihuaba khỏi các cửa hàng ứng dụng với lý do sản phẩm cần hoàn thiện thêm. Duihuaba tự giới thiệu mình là giải pháp thay thế cho Clubhouse và sao chép gần như mọi tính năng của ứng dụng tiền nhiệm, cả giao diện người dùng cũng có nhiều điểm tương đồng.
Trang công nghệ 36kr cho rằng công ty Inke tạo ra Duihuaba chỉ trong vòng 4 ngày. Họ nảy ra ý tưởng tạo bản sao Clubhouse từ ngày 3.2 rồi đưa sản phẩm lên hầu hết cửa hàng ứng dụng một tuần sau đó. Duahuiba được cộng đồng mạng chú ý sau khi Allen Zhu Xiaohu - giám đốc điều hành GSR Ventures mở cuộc trò chuyện trực tuyến với tỉ phú công nghệ Zhou Yahui trên nền tảng. Tính đến ngày 20.2, Duihuaba có 4.000 người đăng ký, trong đó 1.000 thành viên hoạt động thường xuyên.
Mọi ứng dụng quốc tế đang gây tiếng vang trên thế giới đều có bản sao nội địa ở Trung Quốc, Clubhouse cũng không ngoại lệ. Dù nhiều công ty Trung Quốc đang muốn lợi dụng cơn sốt hiện tại để tạo ra phiên bản Clubhouse của riêng họ, thế nhưng nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi và đặt vấn đề: liệu một ứng dụng hội thoại âm thanh có thể tồn tại ở quốc gia kiểm duyệt phát ngôn khắt khe như Trung Quốc hay không?
SCMP cho rằng thất bại của Inke phản ánh sự phức tạp của thị trường Trung Quốc, buộc các hãng công nghệ phải thay đổi hướng tiếp cận mới có thể phát triển trong bối cảnh chính phủ nước nhà ngày càng siết chặt các quy định trên internet.
Số phận của Clubhouse tại Trung Quốc cũng thuộc diện "sớm nở tối tàn". Lần đầu ra mắt tháng 3.2020 nhưng đến khi tỉ phú Elon Musk xuất hiện trên Clubhouse, ứng dụng này mới được cư dân mạng quốc tế lẫn Trung Quốc chú ý. Clubhouse trở thành nền tảng hiếm hoi cho phép người dân Đại lục thảo luận các vấn đề nhạy cảm mà không lo sợ kiểm duyệt. Tiếc rằng chỉ một tuần từ lúc Elon Musk khơi lên cơn sốt Clubhouse, người dùng Trung Quốc không thể truy cập vào ứng dụng được nữa.
Bình luận (0)