Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, động viên và trao tiền hỗ trợ khẩn cấp cho các cháu mồ côi |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Trong ngày cả nước cùng hướng về để tưởng niệm những nạn nhân của đại dịch Covid-19 hôm nay 19.11, tôi đã ngồi trước máy rất lâu, lặng người điểm lại và hình dung những gì mình cùng các đồng nghiệp đã đi hơn 2 tháng qua.
Bước chân của những người làm báo Thanh Niên không chỉ một mình, mà luôn có bên cạnh những bạn đọc nhiệt huyết đồng hành, dìu dắt những em thơ tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn lên những chiếc bàn thờ tạm bợ, lâu lâu như lại ánh lên một dấu hỏi: Ba (mẹ) con đâu?
Tận cùng nỗi đau thương ấy, khó có thể nói bằng lời. Những em bé còn nhỏ xíu, là cháu của ông bà ngoại H.H.N trong căn phòng trọ ở Q.8, bỗng dưng rời bầu sữa và vòng tay mẹ; những đứa học trò cấp 2 cấp 3 mà cả 3 chị em đều khiếm thị bỗng dưng mất đi người cha, bây giờ nép mình nương náu trong lòng người mẹ yếu ớt là chị N.T.H ở Q.Bình Tân, làm nghề giúp việc nhà.
Cả ông N. là ông ngoại của 3 cháu ở Q.8 hay bố của 3 đứa trẻ khiếm thị ấy đều là người chạy xe ôm. Một người mất đi con gái để lại cho ông bà 3 đứa cháu cút côi; một người thì đã ra đi đột ngột để lại cho người vợ 3 đứa con học rất chăm ngoan dù rằng chúng đều bị mù. Có nỗi đau nào lớn hơn thế?
Cùng con đi tiếp cuộc đời: Cùng trẻ mồ côi viết tiếp tương lai |
Hàng ngàn đứa trẻ bỗng chốc rơi vào cảnh ngộ như vậy. Vòng xe quay chở khách để đem về cho các con bữa rau bữa cháo đã ngừng quay. Tay bay tay thước phụ hồ đã ngưng lại giữa chừng để rồi giao lại con cái cho những người vợ vốn tảo tần lam lũ một gánh nặng khôn cùng. Hàng chục người mẹ là công nhân trong các xưởng may hay nhận hàng về may gia công tại nhà, bỗng chốc rời cây kim sợi chỉ và chân đạp xành xạch tiếng máy may mỗi sớm mỗi chiều, giờ đây đã rời tâm thức con trẻ, vốn vẫn quấn quýt bên cạnh hằng ngày, để lại cho những người bố trẻ tay bồng tay bế, mà lệ ứa chan run run đút từng muỗng sữa cho con…
Dồn dập, như một cơn bão ập đến, cuốn phăng những trụ đỡ gia đình như vậy. Chơi vơi giữa một vùng thảm họa, những người bố người mẹ ra đi, dồn gánh nặng lại trên đôi vai một nửa của đời mình. Họ, những đồng bào của chúng tôi, đã mất đi với một định mệnh khắc nghiệt không lường. Có ai thấu cảm nỗi đau ấy, bằng những người ngày đêm sống trong vùng đỏ vùng cam khi mở cổng nhìn ra là nghe tiếng khóc? Là thấy bóng những chuyến xe cấp cứu chạy đi tức tốc, để rồi khi về là nhẹ tênh những hũ tro cốt, như một người hàng xóm tốt bụng của tôi, hồi trước ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) sau đó chuyển lên Bình Dương, dường như linh cảm số phận của mình khi bước lên chuyến xe chiều ấy, đã ngoái lại nói với chị mình: “Đi vậy, chứ có khi về là còn một nắm!”. Và đúng y như vậy, 10 ngày sau anh ra đi…
Chẳng có điều gì đoán định được trong đại dịch Covid-19, nhưng chẳng lẽ ngồi nhìn và đắm chìm trong bi quan. Những ngày ấy, tòa soạn Báo Thanh Niên âm ỉ sục sôi một chức phận làm báo. Phải hành động và phải quyết liệt. Từ đó, chúng tôi cùng nhau hoạch định một chương trình xây đắp nhịp cầu nối đầy ắp nhân nghĩa cuộc đời. Nhìn thấu rõ trong mỗi một bạn đọc, trong từng cộng đồng những đợt sóng cồn cảm xúc với mạch nguồn nhân ái trường tồn, và Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã quyết định phát đi Lời kêu gọi để bảo trợ các cháu mồ côi do đại dịch.
Trải qua hơn 2 tháng, miệt mài ngày đêm, không ngoài ý nghĩa ấm áp yêu thương dang rộng vòng tay nâng đỡ, Báo Thanh Niên đã nhận được sự chung tay góp sức của rất nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Bằng tiền mặt để hỗ trợ khẩn cấp, bằng lời nhắn gửi yêu thương để chu cấp hằng tháng lâu dài cho các cháu, bằng sự động viên “các anh chị đã làm một việc vô cùng ý nghĩa với đồng bào”… Trong muôn vàn thao thức của gần 500 con người của Báo Thanh Niên, ở góc này hay góc khác, đã lan tỏa một ngọn lửa bỏng cháy: phải tìm mọi cách nâng đỡ các cháu. Nói như lời của nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, trong lần trao tiền hỗ trợ khẩn cấp và ký kết bảo trợ lâu dài cho các cháu mới đây, rằng Thanh Niên sẽ quyết tâm dựng mái nhà chung nâng đỡ tương lai cho trẻ mồ côi trong đại dịch!
Các cháu bé đột ngột mất đi cha hoặc mẹ trong đại dịch Covid-19 tại buổi nhận quà hỗ trợ ở tòa soạn Báo Thanh Niên |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Mang tinh thần ấy, những người làm báo Thanh Niên ngược xuôi đến với vùng tâm dịch Q.8, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, Q.Gò Vấp… và một số địa bàn ở tỉnh Bình Dương để chuyển tải tình cảm của bạn đọc muôn phương xoa dịu nỗi đau, cùng chống đỡ phần nào sự chông chênh trong mỗi mái nhà không may bị dịch ngó tới. Biết bao cảm xúc ùa đến trong mỗi chuyến đi. Có lúc những PV Thanh Niên phải thốt lên “trời ơi”, khi nhìn hàng trăm em bé mồ côi nắm tay bố hoặc mẹ đến nhận chút quà của chương trình. Nghĩa cử của bạn đọc thì đầy ắp, nhưng mỗi khi đại diện trao gửi, chúng tôi cố gắng động viên an ủi, mà vẫn chưa thể nào vơi được suy nghĩ về sự khốn cùng, gian lao bất tận của những bậc phụ huynh kia. Ngày mai họ và con cái sẽ ra sao?
Nhưng, may mà nhà nước và xã hội đồng lòng. Niềm tin về một ngày mới, khi dịu đi nỗi đau, khi gửi gắm con cái vào trường học, vòng xe của người bố ấy lại quay trên những chặng đời, nhịp chân người mẹ lại giẫm nhẹ lên bàn đạp chiếc máy may để đem về chút sữa cho con. Những người ông người bà lại thay cha thay mẹ đút mớm cho những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, và có lẽ họ sẽ dịu lòng khi nghe tiếng cười con trẻ vọng lên sau những vành nôi.
Cảm thức ấy, niềm tin ấy và sự thôi thúc quyết liệt của những người làm báo Thanh Niên sẽ biến nỗi lo của mỗi gia đình bất hạnh thành nỗi lo của mình. Mỗi dòng nước mắt rồi sẽ trôi đi và nụ cười chợt hé của các cháu mồ côi, sẽ là nguồn động viên quý giá vô biên cho mỗi thành viên trong ngôi nhà Thanh Niên, với tâm nguyện sẽ cùng bạn đọc dắt tay trẻ mồ côi để Cùng con đi tiếp cuộc đời!
Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên đã nhận được sự ủng hộ của bạn đọc như sau: Số tiền gửi về hỗ trợ các cháu mồ côi tính đến 16 giờ ngày 17.11 là 4.486.173.678 đồng. Trong đó, đã trao hỗ trợ khẩn cho hơn 1.000 cháu, với số tiền hơn 3 tỉ đồng, sắp tới sẽ tiếp tục trao cho các cháu. Số trẻ mồ côi nhận được sự bảo trợ bằng hình thức chu cấp hằng tháng và bảo trợ học bổng hằng năm từ bạn đọc là hơn 500 cháu, đã ký kết bảo trợ 47 cháu; bạn đọc nhận lời với chương trình để nuôi dưỡng là 70 cháu. Sắp tới sẽ diễn ra các đợt ký kết bảo trợ tiếp theo và kéo dài cho đến khi bạn đọc còn nhận lời bảo trợ.
Bình luận (0)