Theo thuyết tam tài (Thiên - Địa - Nhân) trong văn hóa người Việt, bàn thờ gia tiên (Nhân thần) luôn ngự ở gian giữa, trục giữa (tượng trưng hành Thổ, trung tâm) của ngôi nhà còn gian bên trái (nhìn từ bên trong ra) là bàn thờ Thổ Công thờ Thổ thần, thần đất, cai quản gia cư, định đoạt phúc họa (mà tín ngưỡng dân gian Nam bộ thay bằng ông Địa).
|
Vị trí các bàn thờ
Do tính thực tế và xem trọng nhân nghĩa nên người Việt xếp bàn thờ trời ở ưu tiên thứ ba về mặt hình thức và sự gần gũi. Bàn thờ ông bà tổ tiên là tôn kính nhất. Tiếp theo là bàn thờ thổ địa, sau mới đến thờ thiên. Do đó, bàn thiên là bàn thờ có hình thức và cấu trúc giản dị hơn so với các bàn thờ nhân và địa kể trên.
Mặt khác, do chất âm tính của gốc văn hóa nông nghiệp nên người Việt có khuynh hướng sùng bái tự nhiên, trong đó khá phổ biến việc thờ các bà, các mẫu như bà trời, bà đất, bà nước, bà lửa, là những nữ thần cai quản tự nhiên, gắn bó thiết thân với sự sinh tồn của con người. Cộng thêm sự giao thoa với văn hóa Trung Hoa mà bà trời được thờ dưới dạng Cửu Thiên Huyền Nữ. Nhưng người Việt (nhất là ở Nam bộ, có đặc tính phóng khoáng, ít câu nệ tiểu tiết) đơn giản hóa hình thức thờ cúng hơn, sao cho hợp với sinh hoạt hằng ngày. Khi xác định thờ thiên phải đưa ra ngoài trời, thì hình thức thờ bà thiên đã dẫn đến tên gọi rút gọn là “bàn thờ thiên” hay “bàn thiên”. Về phong thủy, bàn thiên thường được đặt ở ngoài sân, góc vườn với một trụ (bằng gỗ hay gạch, đá) vuông hoặc tròn, đỡ một bệ vuông khoảng 40 x 40 cm, trên đó đặt bát nhang, bình bông, 1 hoặc 3 (số lẻ) chén nước lã hay ly rượu đế khá đơn sơ nhưng vẫn đủ lòng thành kính.
|
Nhất vị, nhị hướng
Trong dân gian và khoa phong thủy thường có câu “nhất vị, nhị hướng” để nói lên tầm quan trọng và thứ tự ưu tiên khi bố cục, sắp xếp các khu chức năng tại nơi cư ngụ. Đặt bếp, giường ngủ, bàn thờ... đều cần chọn vị trí thích hợp rồi mới xét đến phương hướng. Do tính chất bàn thờ thiên là để gia chủ thắp nhang ngoài trời nên cần đặt ở vị trí lộ thiên hoặc bán lộ thiên, nghĩa là có thể gắn trên ban công lan can trước nhà, gắn trước sân thượng sao cho tiện khi thắp nhang bàn thờ gia tiên, bàn thờ ông địa thì thắp nhang luôn bàn thờ thiên. Nhà trệt thì bước ra trước hiên, ngoài sân. Nhà lầu thì bàn thờ ở tầng nào sẽ đặt bàn thiên ngoài ban công tầng đó. Nếu bàn thờ ở trên sân thượng để không bị các sinh hoạt khác “đè” lên trên, thì bàn thiên cũng đặt ngoài sân thượng.
Cha ông ta cũng khuyên là nên thắp nhang trời đất vào các thời khắc âm dương giao hòa, chạng vạng nhá nhem (giờ Mão và Dậu) nên bàn thờ thiên cần nằm tại vị trí giáp ranh trong - ngoài của ngôi nhà, khu đất (ví dụ trước sân gần tường rào hoặc trên ban công hoặc cạnh hàng hiên tầng trệt).
Vị trí đặt đúng rồi thì xét đến hướng. Hướng của các dạng bàn thờ nói chung, theo phong thủy, là hướng ngược với người đứng khấn nhưng đối với bàn thiên thì do bốn phương tám hướng đều là trời nên vấn đề hướng không quan trọng lắm, chỉ cần lưu ý sao cho giữ được tính trang nghiêm chỉnh tề, tránh đặt ở các góc khuất, tránh hướng ra những chỗ thiếu quang đãng.
Về chiều cao, bàn thiên chỉ cần ngang ngực hướng lên (khoảng 1,2 - 1,5 m), không cao trên tầm mắt như bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ Phật, cũng không làm thấp kiểu hạ thổ như bàn thờ ông địa thần tài. Trừ bàn thờ ông Địa - thần Tài là tín ngưỡng dân gian mọi nhà giống nhau, đặt gần cửa để nghinh tiếp tài lộc, còn lại các bàn thờ thiên, gia tiên và tôn giáo riêng (thờ Phật, Chúa…) nên mang tính hướng nội, sắp xếp tùy hoàn cảnh.
|
Bình luận (0)