Làm việc nhóm kém, không biết quản lý thời gian… là những kỹ năng mà người trẻ hiện nay còn thiếu.
Ngại làm việc nhóm vì khó hòa hợp
Nhiều bạn trẻ cho biết mình khó hòa hợp khi làm việc nhóm vì nhiều lý do khác nhau.
“Làm việc nhóm mình thường gặp phải những bạn bảo thủ về quan điểm, muốn mọi người làm theo ý mình nên mình thấy khó làm việc chung”, Trương Kim Nhung, sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói.
Còn đối với Nguyễn Thị Nghiệp, 22 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM, thì việc làm nhóm với những người quen lại chính là nguyên nhân khiến cô không thấy thoải mái. Nghiệp chia sẻ: “Làm việc với người quen thì mọi người có thói quen ỷ lại, cho rằng quen biết thì có thể làm việc hời hợt. Bản thân mình khi làm việc với người quen thì có vấn đề cũng ngại trách móc vì cả nể, hiệu quả công việc vì thế mà không tốt”.
Huỳnh Thị Thanh Thảo, chủ nhiệm một CLB kỹ năng tại TP.HCM, cho biết: “CLB mình tổ chức nhiều chương trình yêu cầu hoạt động nhóm, mình nhận thấy sẽ có tình trạng 'gánh team', công việc đổ dồn về một bạn, các bạn khác đôi khi không làm mà vẫn được hưởng thành quả. Có những bạn lại rụt rè, không dám đưa ra ý kiến của mình”.
tin liên quan
Nhiều lớp kỹ năng cho con trải nghiệm mùa hèThạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết khi tham gia nhóm học tập hay làm việc chúng ta sẽ chịu sự chi phối nhất định từ hoạt động nhóm nên không thể tự do làm điều mình thích. Điều này tất yếu dẫn đến sẽ có bạn không thoải mái.
“Mỗi cá nhân có nhãn quan khoa học và cái tôi riêng nên khi vào nhóm ắt hẳn sẽ có lúc bất đồng quan điểm. Học sinh, SV kinh nghiệm sống còn hạn chế, kỹ năng làm việc nhóm không phải ai cũng được trang bị tốt nên khi gặp vấn đề không giải quyết được dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như sự khó chịu, thất vọng, bất mãn và dần ngại làm nhóm”, anh An cho biết.
Anh An cho biết thêm: “Nhiều người có thói quen sống thực dụng nghĩ đến lợi ích cá nhân hơn tập thể, không ít bạn trẻ có tâm lý 'muốn đi nhanh thì đi một mình' mà quên rằng 'muốn đi xa thì đi cùng nhau'”.
Sử dụng quỹ thời gian không hợp lý
Quá giờ trưa, Lê Tuấn Anh, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, vừa ngấu nghiến ăn vội mẩu bánh mì, tay vừa gõ lạch cạch trên bàn phím máy tính, bắt máy nghe điện thoại ríu rít xin nộp trễ tiến độ công việc. “Mình chủ quan dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, nên giờ quýnh lên để giải quyết công việc”, Tuấn Anh nói.
|
Cũng tình trạng đó, Đoàn Lê Thu Hà, 21 tuổi, biên kịch một công ty sản xuất phim, thừa nhận mình không sắp xếp thời gian hợp lý.
Thu Hà chia sẻ: “Mình thường không lên thời gian biểu rõ ràng, để công việc đó nghĩ một chút nữa sẽ làm nhưng cuối cùng lại quên mất hoặc gần trễ hạn thì mới bắt đầu làm, không kịp kiểm tra lại”.
Nhiều trường hợp “tham công tiếc việc” dẫn đến việc không đáp ứng về mặt thời gian. Trần Ngọc Thương, 23 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông, chia sẻ: “Mình làm nhiều việc, cả công việc cố định và làm tự do bên ngoài, chưa kể đi học nữa, nên thường không sắp xếp được thời gian để làm hết”.
“Nhiều lúc mình cảm thấy đuối và ảnh hưởng đến kết quả học tập”, Ngọc Thương nói.
Anh Trần Nghĩa, 28 tuổi, quản lý nhân sự một công ty truyền thông, chia sẻ bí quyết để có thể quản lý thời gian để đảm bảo tiến độ công việc tốt hơn. “Các bạn cần phải nắm rõ những công việc mình cần làm, từ đó lên thời gian biểu rõ ràng cho từng công việc và phải tuân thủ nó. Để đảm bảo an toàn, cần phải lên thời gian dự phòng cho mỗi công việc, nghĩa là phải có thời gian dư cho công việc”.
“Cũng đừng ôm đồm quá nhiều công việc dẫn đến 'bể show' lại không giải quyết tốt được công việc nào cả. Tập trung đầu tư cho công việc chính mà mình làm”, anh Nghĩa cho biết thêm.
Bình luận (0)