Là thủ khoa toàn quốc khối C00 vào năm 2020, Nguyễn Hữu Hưng chọn học ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Sau một thời gian học, Hưng cảm thấy ngành học này không phù hợp với bản thân và có nhiều điểm khác biệt so với suy nghĩ khi đăng ký xét tuyển đại học.
Thêm ngành học để có nhiều cơ hội việc làm
Sau năm thứ nhất tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Hữu Hưng xin chuyển qua ngành văn học. Nam sinh viên chia sẻ: "Mình mạnh dạn làm thủ tục xin chuyển qua Khoa Văn học của trường và do điểm của mình cao hơn điểm xét tuyển nên được chuyển ngành. Ban đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn, phải cố gắng để theo kịp chương trình học của ngành mới".
Sau 4 năm, Hữu Hưng hoàn thành chương trình cử nhân văn học và xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra toàn trường. Từ hành trình của mình, Hữu Hưng khuyên nếu các bạn có suy nghĩ muốn chuyển ngành thì hãy cứ trải nghiệm, mạnh dạn đưa ra quyết định theo trái tim mách bảo.
Cảm nhận ngành mình đang học có nhiều khác biệt so với suy nghĩ ban đầu, Phạm Ngọc Quỳnh Như, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, quyết định thử sức học thêm một ngành mới để có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường.
Quỳnh Như chia sẻ: "Thấy trường tạo điều kiện chuyển điểm của chuyên ngành chính qua nên sau khi hoàn thành năm đầu của ngành văn học thì mình học thêm một ngành có liên quan là Sư phạm ngữ văn".
Trong quá trình học song ngành, khó khăn lớn nhất với Quỳnh Như là việc sắp xếp thời gian, đặc biệt là lịch thực tập cho cả hai chuyên ngành. Nữ sinh viên tốt nghiệp cử nhân văn học vào năm 2022 và dự kiến tốt nghiệp cử nhân sư phạm ngữ văn vào năm 2025. Quỳnh Như chia sẻ: "Mình nghĩ rằng học song ngành sẽ giúp các bạn có thêm cơ hội nghề nghiệp mới phù hợp với sở trường và đam mê của bản thân. Trong trường hợp cảm thấy không phù hợp với ngành học hiện tại, các bạn cũng đừng nôn nóng mà cứ thử trải nghiệm thực tế đã. Nếu vẫn cảm thấy không phù hợp, hãy tìm hiểu việc học song ngành và tìm kiếm thêm những cơ hội khác để làm việc trái ngành".
Sau 3 tháng học ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Nguyễn Hồng An nhận thấy bản thân không phù hợp. Hồng An tìm hiểu và muốn được chuyển qua ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. An tâm sự: "Mình thấy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng nằm trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế nên quyết định chuyển trường".
Hồng An kể khi cô đến Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM hỏi cách thức chuyển trường thì được cho biết cần phải học hết năm đầu tiên của trường đang học. Do đã có kế hoạch nên khi bước qua học kỳ 2 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Hồng An không đăng ký học các môn chuyên ngành mà chỉ học các môn đại cương để tiết kiệm thời gian và chi phí. Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, Hồng An quay lại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM để làm hồ sơ chuyển trường.
Trong quá trình chuyển trường, Hồng An cũng gặp không ít khó khăn. "Chỉ được chuyển chung chuyên ngành hoặc đúng ngành mình đang học và phải nhận được sự đồng ý của hiệu trưởng cả 2 trường. Trường mới cũng giải quyết điểm khá lâu và một số môn mình chuyển qua có khác tên nên buộc phải học lại", nữ sinh viên chia sẻ.
Sau một năm theo học tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Hồng An cảm thấy hài lòng với quyết định của mình. Nữ sinh nói: "Với những bạn mong muốn chuyển trường, mình nghĩ rằng nên quyết định từ sớm để hồ sơ được hoàn tất nhanh hơn nhằm theo kịp chương trình. Nếu hồ sơ bị trễ thì các bạn có thể sẽ phải đăng ký học chung với khóa sau".
Lời khuyên từ chuyên gia
Ước mơ được làm trong lĩnh vực ngoại giao nhưng Vũ Trường Huy đã bỏ lỡ cơ hội theo học ngành Quan hệ quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Trường Huy quyết định học ngành ngữ văn Pháp và có kế hoạch cụ thể để học thêm ngành Quan hệ quốc tế của trường này.
Tuy nhiên, học song ngành không phải đơn giản. "Có khoảng thời gian một ngày kết thúc công việc của mình là sau 23 giờ. Mình nhớ có lần vì lịch học thay đổi nên các môn học của 2 ngành trùng nhau, khi ấy đã bị giảng viên cấm thi vì không đảm bảo thời gian lên lớp. Đó cũng là lần đầu tiên mình bị rớt môn và trượt học bổng. Nhưng học song ngành cũng đã cho mình nhiều trải nghiệm và có cơ hội đến gần hơn với ước mơ", Trường Huy cho biết.
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Có khá nhiều sinh viên khi bước vào đại học, thấy sự khác biệt giữa cảm nhận của mình về ngành học so với thực tế mà có ý định chuyển ngành hay chuyển trường, học song ngành. Thông thường sinh viên cần một khoảng thời gian để cảm nhận và quan sát kỹ hơn về ngành, các hoạt động của khoa và có khi những cảm nhận đó chỉ là cảm giác ban đầu".
Cũng theo thạc sĩ Trần Nam, trước khi quyết định chuyển sang ngành mới, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo và các hoạt động hỗ trợ, vấn đề liên quan tới việc làm sau khi ra trường... Sinh viên lưu ý khi chuyển trường cũng có thể không hòa nhập được với môi trường mới nên cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra quyết định chuyển trường, ngành hay học song ngành. Theo quy chế hiện nay thì phải học hết một năm đầu sinh viên mới được chuyển hay học song ngành và có những quy tắc để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh.
Với những sinh viên đã chọn sai ngành học và mong muốn có thêm lựa chọn để phát triển bản thân, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khuyên các bạn có thể đăng ký học song ngành trong chính trường mình đang theo học để học cùng một lúc. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi sự quyết tâm cả về thời gian lẫn tài chính để có thể học cùng lúc 2 ngành nếu như cả hai không thuộc một khối ngành.
Bình luận (0)