Bạn trẻ nhìn quê nhà miền Tây căng mình chống dịch Covid-19: 'Đường về sao xa quá'!

12/07/2021 14:36 GMT+7

Những bạn trẻ 'mắc kẹt' lại TP.HCM nói cha mẹ ra đồng hái rau, câu cá thay vì đi chợ, trấn an gia đình bình tĩnh… khi quê nhà ở miền Tây đang căng thẳng vì dịch Covid-19 .

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu lan ra các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, các bạn trẻ “mắc kẹt” lại TP.HCM bày tỏ sự lo lắng cho gia đình ở quê.

Đường về nhà sao xa quá…

Nhiều người trẻ đang học tập và làm việc tại TP.HCM cảm thấy bất an khi số ca nhiễm ở các tỉnh miền Tây ngày càng tăng.
Nguyễn Thị Minh Hoa (22 tuổi) đang tạm trú ở H.Nhà Bè, TP.HCM bị “kẹt” lại thành phố gần 3 tháng. Nhớ nhà, nhớ quê nhưng không thể về, cô gái trẻ chỉ biết xem tin tức thường xuyên và gọi điện về gia đình, nhắc nhở cha mẹ cẩn thận mỗi khi ra đường.
Quê nhà của Hoa ở H.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cha mẹ gọi lên hỏi thăm con gái, còn con điện về lo sốt vó cho gia đình. Khác với trước kia, cha mẹ của Hoa giờ đây cũng phải mang khẩu trang y tế phòng dịch Covid-19 khi làm việc trên những cánh đồng.

Một chốt phong tỏa ở phường Tân Phú, TP.Thủ Đức

Ảnh minh họa Thanh Dung

“Tôi dự tính về quê đầu tháng 7 nhưng dịch tại TP.HCM quá căng thẳng nên không thể về. Xa nhà khá lâu, tôi nhớ cha mẹ và em nhiều lắm. Bây giờ, tình hình dịch bệnh dưới quê lại căng hơn, con đường về nhà sao xa quá”, Hoa nói.
Giống như Minh Hoa, Bùi Hữu Trước (26 tuổi, nhân viên kinh doanh), tạm trú tại khu phố 6, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng lo lắng không kém khi khu phố 5 đã bị giăng dây phong tỏa. Còn quê nhà của anh ở tỉnh An Giang cũng đang gồng mình chống dịch Covid-19.
“Tôi ở TP.HCM, đã trải qua nhiều đợt chống dịch nên có chút kinh nghiệm và cảnh giác. Còn dưới quê, cha mẹ loay hoay không biết nên làm gì lúc này. Đi chợ thì chợ đông, bà con trong xóm thì hay trò chuyện với nhau, không biết ai là F0 hay F1”, anh chia sẻ.
Mỗi sáng thức dậy, Hữu Trước xem tin tức đầu tiên, rồi báo về cho gia đình, dặn dò thêm nhiều việc. Anh tâm sự: “Dù tôi phải một mình chống chọi với dịch thì cũng không lo bằng việc cha mẹ già ở quê nhà. Sợ có gì không ai chăm sóc, rồi ruộng vườn, mùa màng mất hết”.

Người dân miền Tây đa phần sống nhờ ruộng vườn

Minh Hoa

“Ra đồng hái rau, câu cá, hạn chế đi chợ”

Không còn cảnh yên tĩnh thường thấy, ở mọi ngóc ngách, đường làng, chính quyền đều phát loa tuyên truyền phòng chống Covid-19 gần như xuyên suốt. Nguyễn Diễm Hương (sinh viên năm 2, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết, cách nhà cha mẹ cô khoảng 200 mét, tại xã Mỹ Hội (H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) vừa có gia đình “khăn gói” đi cách ly tập trung.
“Sáng sớm mẹ gọi điện kể, tôi đơ cả người. Tôi chỉ biết dặn mẹ đóng cửa rào nguyên ngày, không tiếp xúc với bà con trong xóm nữa. Còn ăn uống thì tranh thủ ra đồng hái rau, câu cá dùng qua ngày, ổn một chút rồi đi chợ sau”, Hương kể.

Giăng lưới, cắm câu và hạn chế đi chợ

Hữu Trước

Mỗi ngày là một nỗi lo, nhìn từng đoàn y bác sĩ chi viện về các tỉnh miền Tây, nhiều người trẻ chỉ thầm ước đừng có thêm thông báo chi viện nào nữa. “Không còn chi viện tức là tình hình đã ổn, mong các đoàn y bác sĩ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và bình an ra về, quê nhà sẽ sớm yên bình trở lại”, Diễm Hương chia sẻ.
Chưa từng nghĩ quê nhà có cảnh tượng phong tỏa, cách ly phòng dịch Covid-19 như thế này, nhiều bạn trẻ buồn bã vì không thể bên cạnh cha mẹ lúc khó khăn nhất. “Tôi lo một thì cha mẹ lo gấp 10 lần như vậy. Tôi chỉ mong gia đình bình an, dịch Covid-19 qua mau để cùng đoàn tụ”, Hoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.