Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM

02/09/2023 15:49 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thích thú trải nghiệm thang máy có từ năm 1963.

Dịp lễ Quốc khánh 2.9, các điểm di tích lịch sử tại TP.HCM thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan, trong số đó có Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nằm tại 145 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1. Bảo tàng có khoảng 300 hiện vật, tư liệu từ vũ khí, vật dụng sinh hoạt đến thiết bị thông tin liên lạc… của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, được sưu tầm, gìn giữ qua hàng chục năm.

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 1.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là điểm đến thu hút bạn trẻ dịp lễ

HUỲNH NHI

Võ Minh Chiến, thuyết minh viên, cho biết bảo tàng nằm tại căn nhà 3 tầng được xây dựng từ năm 1963. Khu vực bảo tàng nằm tại tầng 2, 3 và một phần tầng trệt của căn nhà.

Chiến nói: "Nơi này từng là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập với tên gọi Nghiệp đoàn Ngọc Quế, do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài, thực chất là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn". 

Chiến cho biết thêm tới nay căn nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc và một số đồ dùng của gia đình ông Trần Văn Lai khi xưa. 

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 2.

Bên trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

HUỲNH NHI

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 3.

Những vật dụng trong căn nhà của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai khi xưa tới nay vẫn còn lưu giữ

HUỲNH NHI

Một trong những điểm làm bạn trẻ thích thú khi thăm bảo tàng là được trải nghiệm thang máy có từ 60 năm về trước, hiện vẫn còn hoạt động tốt. Bên ngoài thang là khung sắt trang trí họa tiết tinh xảo, phía trong là thùng gỗ có lỗ thoáng khí, cảm giác dễ chịu, không bị bí bách. Thang máy nhỏ nên mỗi lượt chỉ đi được khoảng 4 người. 

Theo thuyết minh viên tại bảo tàng, chiếc thang hiện đã được cải tiến, gắn thêm thiết bị điện tử để bấm tầng lên xuống.

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 4.

Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy

HUỲNH NHI

Nguyễn Hoàng Mai Thảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), rất ấn tượng về địa điểm lịch sử này. "Trải nghiệm thang máy này, em có cảm giác như "quay ngược thời gian", không gian cũ nhưng mọi thứ đều chỉn chu, ấm cúng. Nhìn các hiện vật và nghe câu chuyện ở bảo tàng, em rất khâm phục các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, lực lượng ít nhưng rất mưu trí và dũng cảm, có những trận đánh gây tiếng vang lớn".

Theo nhân viên tại bảo tàng, từ khi mở cửa tới nay, mỗi ngày nơi này đón khoảng 10 đoàn khách lớn nhỏ, có đoàn hơn 30 người. Ngoài ra, khách gia đình và nhóm bạn trẻ cũng đến khá đông, nhất là vào buổi sáng.

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 5.

Bản đồ vẽ các mũi tiến công của Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968

HUỲNH NHI

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định mở cửa từ 7 giờ đến 21 giờ 30 mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Vé tham quan có giá 50.000 đồng/người. Điểm đến nằm ven đường Trần Quang Khải, có chỗ đậu xe máy và cả xe ô tô, xe khách lớn, thuận tiện di chuyển. 

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 6.

Góc trưng bày vũ khí được lực lượng Biệt động Sài Gòn sử dụng trong thời chống Pháp và chống Mỹ

HUỲNH NHI

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 7.

Thiết bị thông tin liên lạc hơn 50 năm về trước

HUỲNH NHI

Lễ 2.9: Bạn trẻ thích thú trải nghiệm thang máy hơn nửa thế kỷ ở TP.HCM - Ảnh 8.

Một góc trang trọng trong bảo tàng dành để tri ân, tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

HUỲNH NHI

Trải nghiệm đi thang máy trong Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.