Bạn văn thương nhớ Nguyễn Huy Thiệp, một kiếp người gian truân và tài hoa

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
20/03/2021 20:16 GMT+7

Tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến thì nhiều người đã biết nhưng tin tác giả Tướng về hư u qua đời khiến giới văn chương và độc giả bất ngờ. Theo nhà thơ Văn Công Hùng, "văn đàn Việt vắng đi một bóng cây lớn".

Nhớ về kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh không quên những lần gặp gỡ tác giả Tướng về hưu. Nữ giảng viên trường ĐH KHXH và NV TP.HCM kể lại: “Tôi gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tổng cộng ba lần. Lần thứ nhất là do nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh rủ khi anh Thiệp vào Nam chơi. Lần thứ hai khi trường tôi mời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ dân gian Bảo Sinh đến nói chuyện với sinh viên và lần thứ ba là khi tôi ra Hà nội dự hội thảo của Viện Văn. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự với một túi lạc luộc và khoai lang rồi mời mọi người ăn. Anh vẫn nhớ tên tôi (có lẽ vì cái tên đặc biệt chứ không phải vì cái gì khác). Ngoài đời anh ít nói, không hoạt ngôn, cứ im im ngồi, thi thoảng nói vài câu. Người như vậy để hết tâm vào con chữ rồi..."

Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh (bìa trái) và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn văn chương

Ảnh: FBNV

Gặp trực tiếp chỉ ba lần, nhưng với tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh “gặp” truyện của ông thì không biết bao nhiêu lần: Tướng về hưu, Không có vua, Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Trương Chi, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết... Cô nhận xét: "Những trang văn gai góc, không màu mè, xoáy sâu vào tim gan độc giả với những cảnh tình nhiều khi rùng rợn và không tưởng tượng nổi. Tôi đọc đi đọc lại nhiều tác phẩm, nhất là Không có vua, một mảnh vỡ chông chênh của những giá trị giao thời, mà khi đọc Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài, tôi chỉ phục thôi chứ không cảm và lặng người như đọc Nguyễn Huy Thiệp. Gần nhất, năm ngoái, khi dạy truyện Tướng về hưu qua bản dịch tiếng Anh, sinh viên Mỹ rất thích. Nhiều bạn trẻ bày tỏ rằng nhờ truyện này mà họ hiểu được cái tâm tình đổ vỡ của người lính hậu chiến, thì ra người chiến thắng cũng đổ vỡ chứ không phải chỉ người thua".
Cũng theo tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh: “Nếu chọn vài nhà văn lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, có lẽ chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh (giống như tôi chọn Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn nhất Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 vậy). Một kiếp người gian truân, vất vả, nhưng để lại cho đời từng đó tác phẩm hay, âu cũng là phần thưởng xứng đáng".

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Ảnh: T.L

Còn nhà văn Bùi Anh Tấn thì chia sẻ trên trang cá nhân với những dòng cảm động: “Dẫu biết đời người là một vòng quay sinh - bệnh - lão -tử, không ai tránh khỏi. Tuy nhiên biết tin, vẫn rất buồn. Ra đi ở tuổi 71 không gọi là trẻ nhưng cũng chưa hẳn là quá già. Xin tiễn ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: “Anh Thiệp biết tôi ra Hà Nội nên mời tôi đi ăn. Anh Thiệp là một nhân vật nổi tiếng nên thật ra người ta thường mời anh chứ anh ấy rất ít mời ai (!?). Điều này cũng dễ hiểu. Anh nói hụt hơi trong điện thoại: - "Minh, Minh. Phải gặp nhau nhé! Việc gì cũng phải bỏ! Chiều mai đến cà phê Nhân nhé! Tôi cũng sẽ cố gắng để ra sớm... Đúng rồi! Đúng rồi! Cái quán ấy. Góc ngồi ấy..".

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (phải) và nhà văn Trần Nhã Thụy tại sự kiện gặp gỡ cộng tác viên Viết & Đọc tại Hà Nội, tháng 10.2019

Ảnh: NVCC

Nguyễn Hữu Hồng Minh tâm sự: “Cả buổi chiều đó Hà Nội quá nóng, bất chợt đổ một cơn mưa lớn. Cơn mưa lớn đến nỗi, hai phụ bàn chạy lăng xăng đóng lại mấy cửa kính. Tôi phải đổi qua một cái bàn mới khuất sâu hơn để tránh mưa. Và gọi cho anh Thiệp. Tiếng anh lòe nhòe trong mưa: -"Đang tới Minh. Mưa to.Tắc đường. Tôi đang chờ ngớt mưa để đi....Tôi quay lại thì nghe loảng xoảng phía ngoài sân. Nhìn ra phía ngoài một giỏ hoa quán cà phê Nhân đã bị gió cuốn đứt xõa một đống trước sân. Nhân viên chỉ thò đầu ra, rồi rụt cổ thè lưỡi chứ không ai dám đổ ra dọn. Mưa Hà Nội. Hà Nội cũng bất thần có những cơn mưa lớn như thế mà lần đầu tôi được biết khi hẹn với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp".
Còn nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ ngắn ngủi: "Vĩnh biệt ông, nhà văn - cây bút truyện ngắn tầm cỡ của văn học Việt Nam. Một cuộc đời trầm luân nhưng đáng giá. Danh càng lớn họa càng cao - đó là câu của Nguyễn Huy Thiệp mà tôi xem như là công án tu tập cho đời mình".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.