|
Cuốn sách quý này ra mắt đúng thời điểm biển Đông đang nóng vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc (TQ). Những tư liệu Hán Nôm, bản đồ cổ in màu chứ không phải đen trắng như thường thấy. Kèm theo bản chụp văn bản là chữ Hán, phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa sang tiếng Việt.
“Trong nhiều năm, Viện Hán Nôm chúng tôi thực hiện công trình thư mục Hán Nôm về thực thi chủ quyền VN về biển đảo gồm cả biển Đông. Đề tài này được nghiệm thu với lượng tư liệu là hơn 3.000 trang. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị, chúng tôi công bố tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của VN với Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của VN ở biển Đông qua cuốn sách này”, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm đồng thời là chủ biên cuốn sách, nói.
|
Theo ông Mạnh, cuốn sách chọn giới thiệu 46 tư liệu trong số 3.000 trang tài liệu đã được nghiệm thu trên. Chúng gồm bản đồ, bộ sử, hội điển trong các tập thơ văn, văn bản hành chính. Có nhiều tư liệu đã dịch ra tiếng Việt, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận dưới dạng đen trắng, photo. Nhưng giờ đây chúng được công bố nguyên bản theo đúng bản gốc lưu trữ tại Viện Hán Nôm. “Trong đó có 18 bản đồ, 17 bộ sử, hội điển. Chúng đều thể hiện sự nhất quán quản lý nhà nước VN trong lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của VN ở biển Đông”, ông Mạnh nói.
Thực thi chủ quyền biển đảo
PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh nhận định cuốn sách cho thấy tư liệu về thực thi chủ quyền của VN qua các bộ sử như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục. Nhà nước vẫn cử người ra Hoàng Sa đo vẽ bản đồ. Hằng năm các vua triều Nguyễn đã ra đảo thực hiện chủ quyền. Thành lập đội Hoàng Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa, cho xây miếu lập bia trồng rau đậu. Còn có tư liệu tàu buôn Macao (TQ) dâng trình bản đồ cho vua Gia Long thể hiện rõ với họ Hoàng Sa là của VN. “Sách VN cũng ghi là người hai nước ra biển gặp nhau còn chào hỏi, chứ bây giờ ra biển gặp nhau là va húc”, ông Mạnh nói.
“Mọi người đều biết Đại Nam thực lục đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Mộc bản ở Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, còn bản sách có ở Viện Hán Nôm, Pháp, Tokyo - Nhật Bản”, ông Mạnh nói về giá trị toàn cầu của một số tư liệu Hán Nôm công bố lần này.
Tư liệu trong toàn tập Thiên Nam địa đồ, thời Lê chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: Thúy Nguyễn |
Nhưng chủ quyền của VN với Trường Sa, Hoàng Sa và chủ quyền trên biển Đông không chỉ có trong những bộ sử lớn, có giá trị toàn cầu được UNESCO công nhận. Tư liệu Hán Nôm cũng cho thấy điều này đã được đưa vào những cuốn sách rất phổ thông. Chẳng hạn, theo ông Mạnh, cuốn Tu thân luân lý khoa, cuốn sách về gia đình, về tình vợ chồng cũng có phần về biên giới lãnh thổ nói rõ chủ quyền. Tư liệu Hán Nôm cũng cho thấy cả tư liệu tương tự trong sách giáo khoa. Chẳng hạn, cuốn Khải đồng thuyết ước đã trình bày rõ về ranh giới này.
Sách giáo khoa TQ viết biên giới chỉ đến đảo Hải Nam
Trong bản sách này có tư liệu về cuốn Giao châu dư địa chí. Cuốn này được đề là viết lại vào thời Nguyễn, theo một cuốn sách thời Minh, trong đó khẳng định rõ Hoàng Sa là của VN. Đây là tư liệu lần đầu được công bố, được chú thích rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và công bố rõ hơn trong một chuyên đề thích hợp.
Cũng theo ông Mạnh, tư liệu bản đồ TQ in thời cận đại cũng như những năm đầu thế kỷ 20 thì biên giới TQ chỉ đến đảo Hải Nam. “Trong sách bậc tiểu học TQ in năm 1912, biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Chúng tôi mới sưu tập được một cuốn sách giáo khoa như vậy. Trong khi của ta từ thế kỷ 17 đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa rồi. Chúng tôi công bố dựa trên tiêu chí là các nhà khoa học Viện Hán Nôm phân loại, có sự xin phép của cơ quan nghiên cứu về vấn đề biển Đông xem tư liệu nào công bố trước, tư liệu nào công bố sau”, ông Mạnh nói. Như vậy, sau cuốn sách này còn có một lộ trình công bố tư liệu chặt chẽ tiếp theo.
Tới đây, theo GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, Viện đã có kế hoạch chuyển tài liệu đến nơi cần thiết. Các cơ quan báo chí, các cơ quan trung ương, địa phương đều được nhận cuốn này. “Chúng tôi cũng sẽ xuất bản bằng tiếng Anh để đưa ra thế giới, phục vụ việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta với Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông”, ông Thắng nói.
Trong lộ trình đưa tư liệu khẳng định chủ quyền này ra thế giới, ông Thắng cho biết cũng sẽ đưa tư liệu tới TQ: “Về việc này có nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, tổ chức đối thoại chuyên gia. Thứ hai là tổ chức diễn đàn hội thảo quốc tế. Với những tài liệu Hán Nôm này thì TQ hoàn toàn đọc được. Nên chúng ta chỉ cần gửi sang địa chỉ trao đổi tài liệu cũng là cách để truyền tải thông điệp về bằng chứng lịch sử của chúng ta”.
“Cuốn Khải đồng thuyết ước ngoài việc trình bày sơ lược về cương giới nước ta, còn có thêm mục bản đồ ở quyển thượng. Sau tấm bản đồ này, tác giả còn ghi chú rõ ràng về số phủ, huyện, tổng, xã, thôn của thành Thừa Thiên - kinh đô nước ta và 14 tỉnh thuộc Nam kỳ, 16 tỉnh thuộc Bắc kỳ. Điều đáng chú ý là, trong tấm bản đồ này, ngoài việc vẽ lại các vùng đất trong lục địa, tác giả còn ghi chú rõ ràng cả cương giới ở vùng biển nước ta bao gồm Hồng Đàm và Hoàng Sa chử (bãi Hoàng Sa hay còn gọi là quần đảo Hoàng Sa)”. Trích luận án TS của TS Nguyễn Thị Hường, Viện Hán Nôm |
Triển lãm 100 tư liệu quý và sách về Hoàng Sa - Trường Sa Hưởng ứng tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam (từ 1 - 8.6), sáng 3.6 tại TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã tổ chức giới thiệu cuốn sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu cùng hơn 100 tư liệu quý (bản đồ và văn bản) do ông sưu tầm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết: Để hoàn thành cuốn sách này ông đã bỏ ra khoảng 60 năm chuẩn bị, sưu tầm tư liệu và bản đồ, hải đồ từ các thời Hậu Lê, chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều đình Huế, giai đoạn từ 1945 - 1975 (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa), từ 1975 cho đến nay của nhiều tác giả, các nhà địa lý, sử học Việt Nam cùng các nước phương Tây, đặc biệt của các tác giả Trung Quốc.
Theo ông, tất cả các bản đồ Việt Nam trong giai đoạn từ 500 năm trước đây cho đến nay đều có một điểm chung, đó là khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 1.6 vừa qua Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) cũng đã công nhận Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (NXB Trẻ, 2013) là Cuốn sách viết về Quốc hiệu, cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ và hiện đại về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất (xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2013). H.Đ.N |
Trinh Nguyễn
>> Một lần nữa khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
>> Có đầy đủ bằng chứng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam!
>> Bản đồ châu u xuất bản năm 1827 minh chứng chủ quyền Việt Nam
>> Bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa
Bình luận (0)