Bangladesh áp lệnh giới nghiêm, nhóm biểu tình xông vào nhà tù

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
20/07/2024 08:18 GMT+7

Chính phủ Bangladesh đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc và công bố kế hoạch triển khai quân đội khi các cuộc biểu tình leo thang.

Hãng AFP đưa tin ít nhất 105 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, đặt ra thách thức chưa từng có đối với chính phủ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina sau 15 năm tại vị.

"Chính phủ đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội để hỗ trợ chính quyền dân sự", phát ngôn viên của chính phủ thông báo vào cuối ngày 19.7. Vào sáng cùng ngày, một lệnh hạn chế liên lạc đã được triển khai, với việc chính phủ chặn truy cập internet và mạng xã hội bằng điện thoại. Nhóm sinh viên biểu tình đã xông vào nhà tù và giải thoát hàng trăm tù nhân.

Các kênh tin tức truyền hình đã ngừng phát sóng sau khi trụ sở đài truyền hình nhà nước ở thủ đô Dhaka bị người biểu tình xông vào và đốt cháy, và một số trang web tin tức đã bị sập.

Bangladesh áp lệnh giới nghiêm, nhóm biểu tình xông vào nhà tù- Ảnh 1.

Tòa nhà bốc cháy ở thành phố Dhaka, Bangladesh trong cuộc biểu tình

AFP

Các trang web quan trọng của chính phủ, bao gồm trang web của ngân hàng trung ương, cảnh sát và văn phòng thủ tướng, dường như cũng đã bị tấn công bởi một nhóm tin tặc tự xưng là "THE R3SISTANC3", theo The Guardian.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng này tại các trường đại học, khi sinh viên yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch dành 30% việc làm của chính phủ cho các thành viên gia đình của những cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.

Những người biểu tình cho rằng chính sách này là không công bằng và phân biệt đối xử vì những người trẻ tuổi phải chật vật tìm việc làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế, thay vào đó chính sách lại có lợi cho các thành viên của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền, do bà Hasina lãnh đạo.

Các hãng truyền thông đưa tin những nhân chứng đã thấy cảnh sát bắn đạn thật để giải tán các cuộc biểu tình và nhóm người biểu tình cáo buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm về nhiều người thiệt mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.