Bạo lực chết người leo thang ở Bangladesh: viễn thông gián đoạn, truyền hình ngừng phát sóng

Khánh An
Khánh An
19/07/2024 19:36 GMT+7

Cảnh sát Bangladesh cấm biểu tình ở thủ đô Dhaka sau khi bạo lực leo thang liên quan các cuộc biểu tình phản đối một chính sách tuyển dụng công chức của chính phủ.

Bạo lực chết người leo thang ở Bangladesh: viễn thông gián đoạn, truyền hình ngừng phát sóng- Ảnh 1.

Người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh ở thủ đô Dhaka của Bangladesh

REUTERS

Theo Reuters, ít nhất 3 người thiệt mạng tại Bangladesh vào ngày 19.7 trong đợt biểu tình mới nhằm phản đối chính phủ giới hạn tuyển dụng công chức, trong khi viễn thông bị gián đoạn và truyền hình ngừng phát sóng.

Cơ quan chức năng cắt một số dịch vụ điện thoại di động từ ngày 18.7 nhằm hạ nhiệt tình trạng bất ổn ban đầu do sinh viên khởi xướng. Chính phủ chưa bình luận về việc liên lạc bị gián đoạn. Trong khi đó, những cuộc biểu tình mới vẫn xảy ra bất chấp lệnh cấm tụ tập nơi công cộng.

Các trường hợp tử vong mới nhất được trang Prothom Alo đưa tin nhưng không đề cập chi tiết. Bản tin cho biết dịch vụ tàu điện đã tạm ngưng hoạt động trên cả nước, trong khi người biểu tình chặn đường và ném đá vào lực lượng an ninh.

Bạo lực chết người leo thang ở Bangladesh: viễn thông gián đoạn, truyền hình ngừng phát sóng- Ảnh 2.

Một viên cảnh sát bị người biểu tình tấn công tại Dhaka hôm 18.7

REUTERS

Cảnh sát tại Dhaka ngày 19.7 cấm mọi cuộc biểu tình nơi công cộng. Theo AFP, bạo lực đã khiến ít nhất 50 người thiệt mạng.

"Hôm nay chúng tôi đã cấm tất cả các cuộc biểu tình, diễu hành và tụ tập công cộng ở Dhaka", cảnh sát trưởng Habibur Rahman cho biết và nói rằng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo an toàn nơi công cộng.

Phát ngôn viên Faruk Hossain của cảnh sát thủ đô Dhaka cho biết cảnh sát đã bắt giữ ông Ruhul Kabir Rizvi Ahmed, đồng bí thư đảng đối lập chính là đảng Dân tộc Bangladesh. Ông cho biết ông Ahmed "đối diện hàng trăm vụ án", nhưng chưa nêu chi tiết.

Cảnh sát thủ đô trước đó cho biết những người biểu tình đã đốt phá nhiều cơ sở như văn phòng cảnh sát và chính phủ. Trụ sở Đài truyền hình quốc gia Bangladesh cũng bị đốt vào ngày 18.7.

Ông Hossain cho hay khoảng 100 cảnh sát bị thương trong các vụ đụng độ với người biểu tình.

Các cuộc biểu tình diễn ra hầu như hằng ngày trong tháng này nhằm yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch vốn dành hơn một nửa số vị trí công chức cho các nhóm cụ thể, trong đó có con của các cựu chiến binh trong cuộc chiến giải phóng đất nước năm 1971.

Những người biểu tình cho rằng chính sách này có lợi cho các nhóm ủng hộ chính phủ Bangladesh của Thủ tướng Sheikh Hasina, người thắng cử nhiệm kỳ thứ 5 hồi tháng 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.