“Nghề gói bánh chưng ở Thủy Đường có tiếng từ rất lâu rồi. Đây là nghề cổ truyền các cụ để lại. Có gia đình đã 5 đời sống bằng nghề gói bánh chưng để bán. Như tôi đây cũng có 40 năm trong nghề gói bánh chưng”, bà Nguyễn Thị Chiều (58 tuổi, ngụ thôn Bấc 2, xã Thủy Đường) cho biết.
Ngày thường, bà Chiều cùng 2 người làm thuê gói những chiếc bánh chưng loại nhỏ. Buổi sáng, bà Chiều phải dậy sớm để ngâm gạo, đãi đỗ, vớt bánh đã luộc chín. Đến khoảng 14 giờ chiều là bắt đầu gói lượt bánh mới.
“Thời gian biểu ở đây ai cũng như thế cả. Mỗi ngày chúng tôi gói khoảng 50 cái. Ngày rằm, mùng một thì gói nhiều hơn một chút, đến tết thì gói gấp đôi. Tuy nhiên, làm như tôi thì nhỏ lẻ, không như một số nhà gói hàng trăm cái một ngày, đến tết thì cả nghìn cái”, bà Chiều cho biết.
Theo lời giới thiệu của bà Chiều, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tất Dương (46 tuổi, ở cùng thôn Bấc 2, xã Thủy Đường). Nhà ông Dương có 5 đời làm nghề gói bánh chưng. Đây cũng là địa chỉ được chính quyền và người dân Thủy Đường giới thiệu cho khách muốn tìm hiểu nghề gói bánh chưng của địa phương.
Ngồi cạnh một đống lớn lá dong, lá chuối, lạt tre, ông Dương vừa nặn đỗ xanh đã đồ chín thành những viên tròn để làm nhân bánh chưng, vừa cho biết: “Mấy hôm nay phải chạy nốt đơn bánh chưng loại nhỏ và bánh dậm. Đến 20 là nghỉ để chuyên tâm làm bánh to bán tết”.
Theo lời ông Dương, cứ qua rằm tháng Chạp là người người đổ về Thủy Đường đặt bánh chưng. Đến khoảng 25 tháng Chạp, các nhà đều không dám nhận thêm đơn hàng mới vì làm không xuể. “Dịp tết năm nào tôi cũng làm khoảng 1 vạn chiếc, phải thuê 10 người, trả công 200.000/ngày/người để gói. 2 nồi điện, 3 nồi than lúc nào cũng đỏ lửa, trong nhà ngoài ngõ luôn sáng đèn”, ông Dương cho biết.
Được biết, giá bánh chưng ở Thủy Đường trong dịp tết từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc. “Bánh được gói bằng tay nhưng rất vuông, thơm, ngon, xanh rền và để cả tuần cũng không mốc”, ông Dương cầm chiếc bánh chưng vừa gói lên, vừa vỗ vỗ, nói với vẻ tự hào.
Khi được hỏi về bí quyết làm bánh, ông Dương đúc kết chỉ một chữ “sạch”. “Gạo đãi sạch, ngâm 1,5 tiếng thôi. Ngâm ít hơn thì không ngon, mà nhiều hơn thì chua. Thịt chuẩn phải là ba chỉ loại ngon. Một chiếc bánh khoảng 3 lạng thịt là chuẩn. Đỗ đãi sạch vỏ, đồ chín, nặn thành viên nửa lạng. Lá dong, lá chuối phải rửa thật sạch sẽ, phơi khô. Lá bẩn thì chỉ vài ngày là bánh mốc”, ông Dương chia sẻ.
Gói bánh cầu kỳ như vậy nên khi luộc bánh cũng không vội được. Bánh chưng ở Thủy Đường được luộc đúng 11 tiếng, với ngọn lửa không quá to cũng không quá nhỏ.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, nguyên liệu, người dân Thủy Đường cho rằng, nguồn nước ngọt từ những giếng đào trong làng đã làm nên hương vị đặc biệt của bánh chưng.
Bà Nguyễn Thị Bích, cán bộ văn hóa xã Thủy Đường, cho biết nguồn nước ở đây "ngọt như đường", đặc biệt là ở thôn Bấc 2, nước ngon hơn các thôn khác. Người dân dùng nước đó vo gạo, rửa lá, luộc bánh, mang lại hương vị đậm đà cho bánh chưng Thủy Đường. Nước đó cũng được dùng để ngâm giá đỗ, một đặc sản khác ở Thủy Đường. Theo bà Bích, đến bây giờ, những nhà làm bánh chưng trong xã vẫn dùng nguồn nước ngọt độc đáo này để sản xuất bánh.
Theo thống kê của UBND xã Thủy Đường, ngoài nhà ông Nguyễn Tất Dương nổi tiếng nhất về nghề bánh chưng, trong xã còn nhà ông Nguyễn Tất Vượt, bà Nguyễn Thị Dâng, ông Nguyễn Tất Thêm cũng là những hộ sản xuất bánh chưng thương mại, làm bánh để bán quanh năm.
“Tuy nhiên, cứ đến dịp tết là cả xã lại đỏ lửa từ những lò luộc bánh. Nhiều hộ chỉ đến tết mới làm, để gửi cho con cháu ở xa, bạn bè, anh em, là những người đã quen hương vị bánh chưng Thủy Đường”, bà Bích chia sẻ.
Bình luận (0)