Chiếc bánh của người nghèo
Các cụ cao niên tại Thạnh Phú cũng không nhớ rõ bánh dừa Giồng Luông được làm từ khi nào nhưng họ khẳng định nguồn gốc bánh xuất phát ở ấp Vĩnh Bắc (xã Đại Điền). Theo đó, khoảng năm 1900, một số gia đình nghèo tập trung về ấp Vĩnh Bắc sinh sống.
Do đây là vùng đất ven sông Hàm Luông, lại không có đê bao ngăn mặn nên chỉ có một số loại cây hoang dại, dừa nước và vông đồng sống được. Khi đến đây, đàn ông trong các gia đình nghèo đi làm thuê cho những gia đình giàu có, còn phụ nữ thì mò cua bắt ốc.
Vào một tết nọ, những người chồng được chủ tặng bánh tét nên các chị mang ra gốc vông đồng thưởng thức. Bỗng một chị lóe lên ý tưởng làm những cái bánh tét thu nhỏ để chồng ăn vững bụng trong những buổi làm đồng thuê. Tuy nhiên, cả cánh đồng bạc màu không có chuối để lấy lá nên các chị thử dùng cờ bắp (phần đọt non của cây dừa nước) lấy lá quấn nòng (gói) bánh. Từ đó, bánh dừa xứ Vĩnh Bắc (hay bánh dừa Giồng Luông) ra đời.
Bánh dừa Giồng Luông hiện cung không đủ cầu - Ảnh: Tự Đồng
|
Ông Lê Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Đại Điền, cho biết tuy bánh dừa ai ăn cũng khen nhưng do một thời gian dài đò ngang cách trở nên dân Vĩnh Bắc không mang bánh đi xa được, chủ yếu làm đủ ăn trong gia đình và bán cho hàng xóm. Theo thời gian, chợ Giồng Luông dần trở thành trung tâm buôn bán của khu vực nên bánh dừa trứ danh này đã theo chân các lái buôn đi khắp Nam bộ.
Quyết đưa bánh đi xa
Bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng hơn trăm năm qua bởi sắc vàng óng cuộn thếp vòng xoắn ốc của lớp vỏ, hương vị ngọt béo, dẻo thơm của nếp. Bây giờ, không chỉ những người con ở Thạnh Phú mà khách du lịch đến đây ai cũng tìm mua cho bằng được bánh dừa Giồng Luông để thưởng thức và mang về làm quà.
Bà Nguyễn Thị Thêm (51 tuổi, ở ấp Vĩnh Bắc) cho biết để có chiếc bánh dừa ngon, nếp được bà gút 3 lần, đợi cho ráo rồi ngâm với nước vừa để nếp mềm nở, sau đó dùng dừa khô băm nhuyễn, trộn thêm muối, đường vào nếp. Trong lúc đó, chồng bà tách đọt dừa nước ra, lấy từng cọng lá róc bỏ phần gân, phần gần lá được chẻ làm đôi dùng để buộc thân bánh.
Nhân bánh dừa rất đa dạng, gồm chuối, đậu xanh, hoặc có những chiếc bánh chỉ có nếp và dừa. Để làm được nhân chuối thơm ngon cần phải chọn chuối xiêm vừa chín tới, cắt đôi theo chiều dọc (trái nhỏ thì để nguyên) sau đó ướp thêm đường. Đối với nhân đậu phải dùng đậu xanh bỏ vỏ, nấu chín cho đến khi nhuyễn và sánh đặc.
Chuẩn bị từng khâu tỉ mỉ nhưng công đoạn khó nhất và tạo sự hoàn hảo cho chiếc bánh chính là khâu quấn nòng sao cho đều đặn từng vân lá. Sau khi quấn nòng phải nhanh chóng cho nguyên liệu bánh vào nếu không các vân lá co lại tạo lỗ hở nước sẽ tràn vào lõi bánh. “Công việc không nặng nhọc nhưng phải kỹ lưỡng, chỉ cần ẩu một khâu sẽ dẫn tới cái bánh không còn là bánh dừa Giồng Luông. Vì vậy, dù quần quật suốt ngày nhưng vợ chồng tôi cùng với thằng con trai chỉ làm được khoảng 400 cái bánh”, bà Thêm nói.
Bây giờ, bánh dừa Giồng Luông nổi tiếng khắp nơi nhưng do giá thấp (2.500 đồng/cái) nên chỉ còn một số gia đình như bà Thêm, bà Em, ông Bé Tư theo nghề dưới dạng cha truyền con nối. “Như gia đình tôi 3 người làm rất cực nhưng lời mỗi ngày chỉ khoảng 300.000 đồng. Do đó con gái tôi thà đi Tiền Giang làm công nhân chứ nhất quyết không chịu theo nghề”, bà Thêm nói.
Tuy nhiên, theo ông Đào Công Thương, Phó chủ tịch UBND H.Thạnh Phú, qua khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu của khách hàng đối với bánh dừa Giồng Luông khá lớn nhưng không đủ nguồn cung. “Vì vậy, chúng tôi sẽ tập hợp những người nghèo không có nghề nghiệp tại 3 xã Đại Điền, Phú Khánh, Tân Phong tổ chức cho họ làm ăn kiểu hợp tác xã.
Trong đó, tạo điều kiện cho một bộ phận học nghề ở nhà làm bánh, bộ phận còn lại sẽ chia nhóm đi bỏ mối và bán tại các điểm du lịch. Đồng thời nhờ Sở KH-CN hỗ trợ kỹ thuật nâng thời gian bảo quản bánh từ 4 lên 7 ngày để tiện cho việc đưa bánh đi xa”, ông Thương nói
Bình luận (0)