Bánh hồng Tam Quan

18/01/2012 01:43 GMT+7

“Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” (ca dao). Từ trái dừa, phụ nữ địa phương đã làm nên nhiều loại bánh đặc sản như bánh hồng, bánh tráng nước dừa, bánh phu thê... Trong số đó, bánh hồng được xem như món bánh tiện dụng, đơn giản mà tinh tế nhất.

“Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” (ca dao). Từ trái dừa, phụ nữ địa phương đã làm nên nhiều loại bánh đặc sản như bánh hồng, bánh tráng nước dừa, bánh phu thê... Trong số đó, bánh hồng được xem như món bánh tiện dụng, đơn giản mà tinh tế nhất.

Chỉ cần ghé ngã tư Tam Quan (trên quốc lộ 1A) hay bên hông chợ Tam Quan (Bình Định), khách sẽ dễ dàng mua được ổ bánh hồng mềm dẻo thơm lừng hương nếp mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (55 tuổi), chủ một quán bánh hồng cho biết: “Loại bánh này dễ mà khó. Làm ngày nào là phải bán hết ngày đó vì chỉ bảo quản được khoảng 5 ngày”.

33 năm về làm dâu là 33 năm bà Mai gắn bó với món bánh chỉ có ở Tam Quan. Bà bỏ nhỏ: “Bánh hồng là sản phẩm biểu trưng cho tính cách của phụ nữ xứ dừa miền Trung này. Nó đòi hỏi người làm phải chịu thương chịu khó, khéo léo”. Không khéo sao được khi ngay từ khâu chọn nguyên liệu, họ đã phải tinh mắt, nhanh tay. Dừa phải là loại sỏi xanh tươi rói. Nếp phải là loại nếp ngự cao dẻo thơm có tiếng. Bột nếp đã hấp cho vào máy quay khoảng hai tiếng đồng hồ cùng dừa sợi và lượng đường vừa phải. Bên dưới để than lửa riu riu cho tới khi khuôn bánh tỏa mùi thơm dịu dàng, thanh thoát.

Không phải tự nhiên mà món ăn chơi này lại được chọn cho dịp lễ tết, nhất là cưới hỏi. Gọi là bánh hồng nhưng lại có màu trắng trong. “Là chữ hồng trong hồng duyên, hồng phận”, bà Mai giải thích. Cái dẻo của nếp pha lẫn cái giòn sừng sực của dừa và độ thanh tao của đường tạo vị ngon đặc trưng khó lẫn cho bánh hồng. Độ kết dính này tạo liên tưởng tới tình cảm vợ chồng. Chọn bánh để gửi vào đó những hy vọng về mối tơ duyên keo sơn, bền chặt...

Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.