Những năm 2004, "làn sóng" bánh mì kebab xuất hiện trên bản đồ ẩm thực TP.HCM. Món ăn có hương vị hấp dẫn với kiểu nướng thịt mới lạ “gây sốt" và được đông đảo thực khách đón nhận. Cơn “sốt” đã qua, đến nay, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực TP.HCM, với nhiều biến tấu phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Ăn bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, thưởng thức cà phê đá
Chiều tan tầm, hàng bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ của anh Minh Tuấn (40 tuổi) nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) khá đông khách ghé mua. Khách “ruột" ở đây là những học sinh, sinh viên, là phụ huynh đi đón con nhỏ, và còn là những vị khách ghé uống cà phê phía sau hàng bánh mì, cũng của anh Tuấn.
Năm 2007, anh mở hàng bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ này, dù nó vẫn còn là một món ăn khá mới mẻ với nhiều người dân ở TP.HCM. Nhờ một người bạn thân biết rõ công thức làm bánh, anh Tuấn quyết định học hỏi và mở bán. Có duyên buôn bán, khách càng ngày càng đông hơn và cứ như vậy, hàng bánh của anh vẫn trụ vững cho tới thời điểm này.
Tất bật cùng 3 người khác làm những phần bánh để khách không phải chờ đợi lâu, anh chủ giới thiệu ở đây, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ được anh "cải biến" để phù hợp với hương vị của người người dân TP.HCM và đó cũng là một trong những bí quyết để hàng bánh này giữ được sức hút suốt gần 15 năm qua.
“Tại Thổ Nhĩ Kỳ bánh mì kebab có nhân là thịt cừu hay thịt gà, dê, bò... vì người dân ở đó theo đạo Hồi, không ăn thịt heo. Nhưng thịt ở đây tôi dùng là thịt heo vì món thịt này phổ biến, quen thuộc với khẩu vị người Việt và mình cũng biết cách nêm nếm thịt sao cho vừa ăn", anh cho biết.
Bên cạnh kiểu bánh mì dẹt có hình tam giác mang đặc trưng của bánh mì kebab, anh Tuấn cũng bán bánh mì ổ nóng giòn quen thuộc của người Việt Nam. Anh cho biết thời điểm đầu bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, vì bán với số lượng ít nên anh không thể đặt lò bánh làm kiểu bánh mì tam giác cho mình. Thêm vào đó, nhiều người đã quen với ổ bánh mì dài, nên được chuộng hơn.
“Đó là lý do mà sau này dù đã đặt được ở lò làm bánh mì dạng tam giác, tôi vẫn bán thêm bánh mì ổ nóng giòn cho khách. Mức độ yêu thích của khách với 2 loại này là như nhau, không chênh lệch nhiều", anh cho biết.
Về phần nhân, bên cạnh cà chua, xà lách… như ổ bánh mì kebab nguyên bản, anh còn dùng thêm đồ chua… “rất Việt Nam". Sự kết hợp đặc biệt này khiến cho ổ bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ vừa lạ, vừa quen.
Dẫu có nhiều biến tấu, nhưng anh Tuấn cho biết mình vẫn giữ nguyên kiểu nướng thịt “doner kebab” - thịt được xiên khối quay trên máy nướng, chỉ khi nào khách đến mua thì anh mới cắt thịt nhồi vào bánh cho khách. Anh chủ nói rằng đó là điểm đặc trưng không lẫn vào đâu được để mọi người nhìn vào và biết rằng đây là hàng bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ.
Là chủ của quán cà phê phía sau, bán thêm bánh mì kebab phía trước, nhiều khách tới uống cà phê cũng gọi thêm món bánh này để ăn. Anh Hồng Thức (29 tuổi), là khách quen ở đây cho biết đó là một sự kết hợp khá thú vị. Theo anh Thức, giá bánh mì ở hàng của anh Tuấn hợp lý khi chỉ 27.000 đồng/ổ, và điều anh thích nhất ở đây là hương vị Việt Nam trong ổ bánh mì đến từ một đất nước xa xôi.
Mở 4 chi nhánh bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ
Anh Nguyễn Thanh Phong (37 tuổi) hiện đang là chủ của 4 chi nhánh bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ mang tên anh tại TP.HCM. Theo lời kể, từ năm 2009, anh đã mở hàng bánh mì đầu tiên trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh), nhờ công thức làm bánh của một người bạn cùng làm ăn chung tại Hà Nội.
Từ đó đến nay, anh dành hết công sức và tâm huyết để phát triển thương hiệu bánh mì của mình. “Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mình cũng thay đổi sao cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam mình, đặc biệt là người dân Sài Gòn. Tôi dùng thịt heo và làm nước xốt mayonnaise theo công thức riêng”, anh cho biết.
Hiện cửa hàng bánh mì ở đường Vạn Kiếp do em của anh, anh Đức Trung (25 tuổi) quản lý. Vốn học đầu bếp, anh Trung hào hứng khi cùng vợ bán bánh mì kebab ở đây suốt nhiều tháng nay. Tất cả các công thức làm nên một phần kebab hoàn chỉnh, được bán với giá 22.000 - 27.000 đồng, đều do anh Phong hướng dẫn cho anh.
Bà Thanh (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết hầu như chiều nào cũng ghé hàng bánh mì kebab của anh Trung để mua về cho cháu, vì cháu của bà rất thích món này. “Tôi ăn món này thấy được, lạ miệng, lâu lâu ăn đổi vị. Còn cháu tôi thì mê lắm, đạo bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ luôn”, bà cười nói.
Anh Phong tâm sự rằng, suốt nhiều năm gắn bó với món ăn này, dồn bao nhiêu tâm huyết và công sức vào nó, anh hạnh phúc vì đến giờ vẫn được khách ủng hộ. Đó là động lực để anh duy trì những hàng ăn của mình càng lâu càng tốt.
Bình luận (0)